Đôn đốc quyết liệt, giữ yên đàn gia súc qua mùa giá rét

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 21/01/2021 05:29 AM (GMT+7)
Qua kiểm tra thực tế công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc tại xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao khi người chăn nuôi tại đây đã chủ động sử dụng các vật liệu che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc.
Bình luận 0

Chủ động giữ "đàn cơ nghiệp"

Hôm qua (20/1), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã đi kiểm tra công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc tại tỉnh Hà Giang. Đến kiểm tra tại hộ gia đình ông Ánh Đức Toàn ở thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dành lời khen ngợi đối với gia đình ông Toàn khi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc.

Hiện gia đình ông Toàn nuôi 4 con trâu. Ngay từ khi bắt đầu vào mùa đông, ông Toàn đã chủ động tích trữ nguồn thức ăn thô cho đàn trâu. Bởi vậy, thời gian gần đây liên tục có những đợt rét đậm, rét hại nhưng gia đình ông Toàn không phải lo lắng về nguồn thức ăn cho đàn trâu.

Đôn đốc quyết liệt, giữ yên đàn gia súc qua mùa giá rét - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (giữa) trao đổi với ông Ánh Đức Toàn ở thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên) về công tác phòng chống rét cho đàn trâu. Ảnh: Minh Ngọc


Làm việc với tỉnh Hà Giang, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến mong muốn tỉnh tích cực nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn; quan tâm phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi; tìm phương án phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn để nâng cao giá trị các loại cây trồng, vật nuôi...

Chia sẻ với phóng viên, ông Ánh Đức Toàn cho biết, từ tháng 11, khi thời tiết bắt đầu có những chuyển biến lạnh hơn, ông thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết qua các kênh thông tin đại chúng để nắm bắt kịp thời dự báo thời tiết, qua đó để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn trâu.

Theo quan sát của phóng viên, chuồng trâu của gia đình ông Toàn được quây kín 4 góc chuồng bằng bạt lớn, chuồng trại được làm khá kiên cố, kín gió.

Trò chuyện với ông Toàn, Thứ trưởng Tiến lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ còn những đợt rét mới, vì vậy bà con cần chủ động theo dõi thông tin về các đợt rét để chủ động che chắn chuồng trại, dự trữ đủ lượng thức ăn cho đàn gia súc.

Ông Hoàng Thanh Tịnh - Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết, toàn huyện có tổng đàn trâu, bò trên 35.000 con. Huyện Vị Xuyên có đặc thù là các xã biên giới đều có độ cao lớn trên 500m so với mặt nước biển, bởi vậy, từ quý 4 hàng năm huyện đã ra văn bản chỉ đạo, tuyên truyền các xã, thôn bản vận động bà con chủ động các giải pháp để phòng, chống rét cho đàn trâu bò - "đầu cơ nghiệp" của mỗi gia đình.

Đôn đốc quyết liệt, giữ yên  đàn gia súc - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải) kiểm tra công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: M.N

Theo thống kê, tỉnh Hà Giang có tổng đàn trâu trên 162.000 con, đàn bò 122.000 con. Là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn, trong những đợt rét vừa qua, Hà Giang đã nhanh chóng ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, nhờ vậy thiệt hại đã được giảm tới mức thấp nhất (theo báo cáo đến ngày 14/1 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Giang, toàn tỉnh chỉ có 7 con trâu bị chết rét trong đợt rét đậm, rét hại đầu tháng 1).

Đề cao tinh thần chủ động phòng chống

­Theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bão, lũ, như sau: Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1 3 triệu đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3,1 - 10 triệu đồng/con; trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 - 2 triệu đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2,1 - 6 triệu đồng/con...

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hoàng Hải Lý - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang cho biết, là tỉnh biên giới vùng núi cao nên trước mỗi mùa đông về, tỉnh đều cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống các xã, thôn bản kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình và hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. 

Kết quả rà soát cho thấy, trên địa bàn có 90.000 hộ chăn nuôi đã xây dựng được chuồng kiên cố, 20.000 hộ dựng chuồng tạm. 

Về dự trữ thức ăn được 527.000 tấn (thức ăn tinh 21.7000 tấn, thức ăn thô xanh 505.000 tấn). Tổng số hộ ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho trâu, bò là trên 108.000 hộ, chiếm 97,8% tổng số hộ chăn nuôi trâu bò.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong thời gian tới thời tiết sẽ tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại mới, bởi vậy bà con phải luôn luôn chủ động, không lơ là trong việc phòng, chống đói rét cho gia súc.

Tiếp đó, các cơ quan chuyên môn cần tuyên truyền, thông báo kịp thời để bà con chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại.

"Nếu nhiệt độ giảm dưới 12 độ C thì cần tuyên truyền bà con không đưa trâu bò ra ngoài trời chăn thả. Sau một vài đợt rét, sức khỏe trâu, bò sẽ suy giảm, bởi vậy, bà con cần chuẩn bị đủ thức ăn thô, tinh. Về mặt kỹ thuật, đối với trâu, vào buổi trưa khi nhiệt độ ấm hơn, bà con nên đưa trâu ra ngoài đi quanh chuồng để phòng chống cước chân" - ông Chinh lưu ý. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem