Đỏ cả người vì tự chữa vẩy nến

Thứ sáu, ngày 12/11/2010 08:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, Viện Da liễu Quốc gia liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị bệnh vẩy nến đã bị biến chứng nặng nề như mẩn đỏ toàn thân, biến chứng thể mủ... do chủ quan, tự chữa ở nhà.
Bình luận 0
img
Một bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến khám tại Viện Da liễu Quốc gia.

Bệnh “ở đâu cũng gãi”

TS Trần Văn Tiến – Phó Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia cho hay, vẩy nến hay gặp ở bệnh nhân nam hơn nữ. Nó có thể tổn thương da, móng và làm chấn thương tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

80% bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến có tổn thương da đầu và nó có liên quan chặt chẽ với bệnh chuyển hóa. Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn như sang chấn tại chỗ, nhiễm trùng, sang chấn tâm lý…

Anh Nguyễn Huy Hùng ở Hưng Yên lặn lội lên Viện Da liễu Quốc gia khám bởi chỉ trong một thời gian ngắn, da đầu anh bong từng mảng, ngứa ngáy rất khó chịu. Ngồi đâu, đứng đâu hay làm gì anh cũng phải gãi và những mảng da đầu rụng xuống rất mất vệ sinh.

Anh cho hay: “Xấu hổ với căn bệnh ấy nên tôi ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về tự bôi. Ngày đầu tiên triệu chứng có vẻ giảm, nhưng sau đó thì các mảng da đầu bong nhiều hơn, tấy đỏ da”. Sau một tuần không chịu đựng được, anh lên Hà Nội khám bệnh. Các bác sĩ phát hiện anh đã bị biến chứng thể đỏ da gần như toàn thân.

Tại Viện Da liễu Quốc gia, rất nhiều trường hợp khác tự mua thuốc bôi còn biến chứng đến mức chuyển sang thể mủ. Việc điều trị vẩy nến thể mủ cực kỳ khó khăn và tốn kém, thời gian điều trị kéo dài. Đây là điều đáng báo động bởi bệnh nhân vẩy nến chiếm đến 3% tổng số bệnh nhân trong viện.

Không nên tự chữa

Ngoài các trường hợp bệnh nhân vẩy nến bị biến chứng do tự dùng thuốc tây thì nhiều trường hợp khác tự chữa theo cách dân gian cũng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Theo TS Trần Văn Tiến, một số bài thuốc dân gian dùng chữa vẩy nến chưa có kết quả nghiên cứu khoa học. Do vậy, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt. Có trường hợp diện tích lan rộng nhưng không cần điều trị dài ngày, nhưng có những trường hợp cần phải điều trị ngay mặc dù diện tích vẩy nến nhỏ.

TS Nguyễn Duy Hưng – Tổng Thư ký Hội Da liễu VN cũng cho hay, để tránh nhầm lẫn với bệnh khác và có biện pháp điều trị hiệu quả, nhất là bệnh nhân nghi vẩy nến cần phải được khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Nếu không, bệnh nhân sẽ dễ bị những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc như viêm nang lông, mụn trứng cá, teo da và dễ tái phát khi ngừng dùng thuốc. Nhiều trường hợp bị bong da, đỏ da, ngứa toàn thân do tự điều trị bệnh.

Hiện nay, theo ông Trần Văn Tiến, Viện Da liễu Quốc gia đang triển khai điều trị bệnh vẩy nến bằng thuốc Xamiol (Leo Pharma). Bệnh nhân dùng thuốc với sự theo dõi của bác sĩ. Nhiều trường hợp dứt bệnh nhanh trong vòng 1-2 tuần. Nhưng cũng có trường hợp nặng phải điều trị dài hơn. Ông Tiến cũng cho hay, trong số bệnh nhân điều trị chưa tìm thấy trường hợp tái phát. Tuy nhiên, đây là loại thuốc mới nên vẫn cần thời gian theo dõi thêm.

Việt Nam chỉ có khoảng 800 bác sĩ chuyên khoa da liễu so với 83 triệu dân là quá ít. Trong khi đó nhiều bệnh da liễu đáng lo ngại như bệnh vẩy nến. Tới đây, chúng tôi sẽ thành lập Câu lạc bộ những người bị vẩy nến để cùng trao đổi kinh nghiệm chữa trị và chăm sóc người bệnh.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem