Dịch Covid-19 giảm sâu, đã coi Covid-19 là bệnh lưu hành được chưa?

Diệu Linh Thứ năm, ngày 05/05/2022 06:08 AM (GMT+7)
Số ca Covid-19 mắc mới hàng ngày xuống còn 3.000 ca và nhiều tỉnh đã không còn. Số ca tử vong cũng gần về 0 với 1-2 ca mỗi ngày. Đã đến lúc Việt Nam coi Covid-19 như bệnh lưu hành hay chưa?
Bình luận 0

Số ca Covid-19 tử vong gần về 0

Theo Bộ Y tế, trung bình số ca nhiễm Covid-19 mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.400 ca. Số ca mắc trong ngày liên tục giảm trong 4 tuần gần đây. Số ca Covid-19 phải nhập viện và có triệu chứng nặng cũng giảm mạnh.

Đáng nói, số ca Covid-19 tử vong trung bình trong 7 ngày qua là 2 ca, đã có ngày không có ca tử vong nào. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 trên người dân tại Việt Nam lứa tuổi tử 12 trở lên cũng rất cao. Cụ thể tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 99,8%, mũi 3 đạt 49%. 

Dịch Covid-19 giảm sâu, đã coi Covid-19 là bệnh lưu hành được chưa?  - Ảnh 1.

Số ca Covid-19 có triệu chứng nặng trên toàn quốc chỉ còn dưới 500 ca (điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh BVCC)

Bộ Y tế đang đốc thúc các địa phương tiếp tục tiêm mũi 3 cho người dân và tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đồng thời lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 để củng cố miễn dịch cộng đồng.

Dịch Covid-19 giảm sâu khiến bản đồ dịch trên cả nước gần như đã hoàn toàn phủ 1 màu xanh (cấp độ dịch 1). 

Cập nhất mới nhất của Bộ Y tế tính đến ngày 5/4, có 94,6% xã phường toàn quốc là vùng xanh và vàng (nguy cơ dịch Covid-19 thấp và trung bình), trong đó số xã phường vùng xanh là 80,8%; vùng vàng là 13,8%;

Số xã, phường thuộc vùng đỏ (nguy cơ rất cao về dịch Covid-19) trên cả nước chỉ còn 16/10.604 xã phường. Số xã, phường thuộc vùng cam là 533/10.604 xã, phường.

Lên phương án ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới

Liên quan đến công tác phòng chống dịch, mới đây Bộ Y tế đã có công văn xin ý kiến thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, UBND 63 tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan về Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023.

Dịch Covid-19 giảm sâu, đã coi Covid-19 là bệnh lưu hành được chưa?  - Ảnh 2.

Dù tình huống dịch Covid-19 thế nào, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh giải pháp tiêm vaccine Covid-19 cho toàn dân, chú trọng nhóm có nguy cơ bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền (Tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Theo đó, Bộ Y tế đưa ra 2 tình huống gồm:

Tình huống thứ nhất: Chủng virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tiến hóa. Tuy nhiên, do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Với tình huống này, Bộ Y tế đề xuất phương án thích ứng an toàn, duy trì giám sát dịch tễ và đánh giá cấp độ dịch. Tuy nhiên, người mắc Covid-19 không triệu chứng có thể không cần cách ly mà có thể tham gia 1 số hoạt động xã hội.

Tình huống thứ hai: Xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Bộ Y tế đề xuất nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch được thực hiện linh hoạt, theo quy mô và phạm vi hẹp nhất. Công thức 5K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + biện pháp khác được áp dụng linh hoạt. Tùy theo tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương, sẽ lập cơ sở điều trị Covid-19 phù hợp.

Ở cả 2 tình huống, Bộ Y tế đều nhấn mạnh việc "bao phủ" vaccine toàn dân, đặc biệt ưu tiên các nhóm người có nguy cơ bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền…

Đồng thời Bộ Y tế cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Thích ứng an toàn với dịch Covid-19 là cần thiết

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) với bất cứ kịch bản dự phòng chống dịch nào thì cả hệ thống cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện ứng phó về y tế, nhân lực khi dịch có những thay đổi bất ngờ. Đồng thời tiếp tục chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả. 

PGS Phu cho rằng chúng ta cần sát sao theo dõi diễn biến dịch để có đánh giá chính xác và phản ứng kịp thời. Nhất là sau vài tháng tới, khi miễn dịch ở người mắc Covid-19 và người tiêm Covid-19 cũng đã giảm thì nguy cơ tái nhiễm trên diện rộng vẫn có thể xảy ra.

Dịch Covid-19 giảm sâu, đã coi Covid-19 là bệnh lưu hành được chưa?  - Ảnh 3.

Tình hình khám chữa bệnh đã quay trở lại bình thường, chỉ người bệnh Covid-19 nặng mới phải nhập viện điều trị (Khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Theo PGS Phu, việc dự phòng cá nhân, đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc nơi đông người lạ vẫn nên chú trọng. Vì ngoài phòng ngừa Covid-19 còn phòng được nhiều bệnh lây nhiễm khác". PGS Phu cho biết.

Dù bệnh Covid-19 có trở thành bệnh lưu hành thì các nhóm yếu tế có nguy cơ bệnh nặng vẫn cần được chú trọng bảo vệ bằng vaccine và các biện pháp dự phòng khác. 

"Mặc dù dịch đã được kiểm soát, có độ bao phủ vaccine lớn nhưng trong bối cảnh nước ta cũng mở cửa rất lớn, vì vậy, người dân không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19"

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên

 "Covid-19 sẽ tồn tại lâu dài do đó cần có biện pháp linh hoạt, mềm dẻo, thích ứng với dịch trong từng giai đoạn, phù hợp với sự biến đổi của virus.

Nếu Covid-19 chuyển thành bệnh nhóm B (bệnh lây nhiễm ít nguy hiểm hơn" thì vẫn cần có kịch bản ứng phó cụ thể vì virus này vẫn còn nhiều ẩn số", PGS Phu nói.

Về câu hỏi: "Đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh lưu hành hay chưa", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, dù dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt song Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành.

Theo Thứ trưởng Tuyên, trên thế giới chưa có quốc gia nào chính thức coi Covid-19 là bệnh lưu hành mà chỉ đang dần dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, chẳng hạn như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch không bắt buộc cách ly với người tiếp xúc gần (F1), không bắt buộc đeo khẩu trang…

"Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh vẫn đang diễn ra và vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới làm cho diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác theo dõi tình hình dịch cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp. 

Hiện Bộ Y tế đã xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp như: Điều chỉnh các ca bệnh; hướng dẫn cách ly đối với người tiếp xúc gần; Tạm dừng không khai báo y tế qua các cửa khẩu hàng không...", Thứ trưởng Tuyên chia sẻ.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem