Đề xuất BHYT chi trả khám sàng lọc, phát hiện sớm nhiều bệnh nguy hiểm

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 09/09/2023 06:08 AM (GMT+7)
Theo đại diện Bộ Y tế, nếu Quỹ BHYT chi trả khám sàng lọc phát hiện một số bệnh phổ biến, nguy hiểm sẽ giảm được nhiều chi phí điều trị.
Bình luận 0

Đây là một trong những nội dung Bộ Y tế kiến nghị trong quá trình xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Dự kiến sẽ điều chỉnh theo 5 nhóm chính sách lớn, trong đó, nhóm chính sách quan trọng được nhiều bên quan tâm đó chính là việc "Mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT".

Đề xuất khám sàng lọc ung thư, theo bà Trần Thu Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), theo quy định của Luật BHYT hiện hành, một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi về khám chữa bệnh nhưng quỹ bảo hiểm y tế không chi trả như điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng... 

Đề xuất BHYT chi trả khám sàng lọc, phát hiện sớm nhiều bệnh nguy hiểm - Ảnh 1.

Bộ Y tế đã đề xuất bảo hiểm y tế chi trả các chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường,… (Khám sàng lọc ung thư vú tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh BVCC)

Các dịch vụ khám sàng lọc, điều trị sớm bệnh tật mặc dù có nhiều bằng chứng về hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhưng chưa được quỹ BHYT chi trả.

"Bộ Y tế đã đề xuất bảo hiểm y tế chi trả các chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường,…

Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch...

Khi người bệnh vào điều trị nội trú do các bệnh ung thư, tim mạch, tiền thuốc, kháng sinh, đặt stent cao gây chi phí rất lớn cho quỹ BHYT. Trong khi nếu được chẩn đoán sớm, điều trị ngay từ đầu, dùng thuốc sớm thì có thể giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ tăng nặng của bệnh.

Đề xuất này dựa trên nghiên cứu về kinh tế y tế, chi phí hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã làm và cho thấy hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang cố gắng có đánh giá về tác động, hiệu quả cụ thể khi đưa các bệnh vào phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế", bà Trang cho hay.

Đóng góp ý kiến về đề xuất này, TS Nguyễn Khánh Phương - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết, nghiên cứu ban đầu đánh giá tác động về kinh tế của việc sàng lọc tăng huyết áp cho thấy, chi phí phát sinh do sàng lọc tăng từ năm thứ nhất đến năm thứ 4. Bắt đầu từ năm thứ 5, chi phí này giảm xuống (do đối tượng đích giảm).

Về chi phí tiết kiệm được khi sàng lọc sớm, trong năm thứ nhất chi phí điều trị vẫn ở mức khá cao (hơn 9.000 tỷ đồng), sau đó giảm dần do giảm số ca biến chứng nặng, đến năm thứ 4 chỉ còn 195 tỷ đồng. 

Đặc biệt, từ năm thứ 5 ngân sách không mất tiền mà còn tiết kiệm được chi phí cho điều trị. Cụ thể đến năm thứ 10, ước tính ngân sách tiết kiệm được hơn 7.700 tỷ đồng.

Như vậy, khi tính gộp nếu can thiệp sàng lọc tăng huyết áp thì 4 năm đầu chi phí giảm dần, đến năm thứ 5 ngân sách còn tăng thêm do tiết kiệm được trong điều trị. Trong 10 năm, chúng ta tiết kiệm hơn 12.000 tỷ đồng.

Tương tự với bệnh đái tháo đường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế thông tin, tính gộp trong 10 năm ngân sách tiết kiệm được gần 1.700 tỷ đồng.

Theo thống kê, trong năm 2022 quỹ chi trả 110.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh bằng BHYT. Con số này ước tính năm 2023 là khoảng 120.000 tỷ. Trong đó, ước tính chi phí cho các bệnh ung thư chiếm khoảng 10%.

Về đề xuất này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết Luật BHYT hiện hành chỉ mới chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh, còn khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh chữa được chi trả. 

Ông Phúc cũng đồng ý rằng, nếu như được khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh tật, người dân được điều trị sớm và giảm chi phí điều trị. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, việc mở rộng quyền lợi người tham gia BHYT cần phải cân nhắc đến khả năng cân đối của Quỹ BHYT. 

Để mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, Bộ Y tế cũng đề xuất, Quỹ BHYT chi trả cho khám sức khỏe định kỳ đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người hưu trí, người tham gia BHYT hộ gia đình...;

Khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; Thanh toán cho dinh dưỡng sử dụng trong lâm sàng; Vận chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác theo yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh đối với một số đối tượng trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú;

Người tham gia BHYT được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, được cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu quản lý...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem