Để Việt Nam không còn tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng

Khương Lực Thứ bảy, ngày 20/11/2021 14:00 PM (GMT+7)
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho rằng, “Không còn nạn đói” ở Việt Nam bây giờ không phải là đói về lương thực mà là đói dinh dưỡng, bao gồm: thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo mức năng lượng ăn vào và thiếu vi chất. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền.
Bình luận 0

Hiện nay, cả ba loại suy dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, đó là: thiếu dinh dưỡng (trẻ thấp còi, gầy còm, mẹ nhẹ cân, người lớn thấp lùn), thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu máu, thiếu vitamin A, kẽm và iốt) và thừa cân béo phì ở trẻ em và người lớn. 

Những vấn đề về dinh dưỡng ảnh hưởng đến nhiều người dân Việt Nam đòi hỏi sự cam kết to lớn trong việc điều phối các tiếp cận có tính liên ngành để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn bộ dân số.

Những cam kết ưu tiên về dinh dưỡng

Đến nay, Việt Nam đã đưa dinh dưỡng là một trong những vấn đề sức khỏe cần được ưu tiên trong Nghị quyết Đại hội Đảng các khóa XI (2011), XII (2016) và XIII (2020) và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Việt Nam là thành viên của Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng (SUN) từ năm 2014 và là thành viên của Mạng lưới ASEAN, đã khởi động chương trình "Không còn nạn đói" vào năm 2015.

Để Việt Nam không còn tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng - Ảnh 1.

Gà cấp cho hộ nghèo ở trong mô hình nông nghiệp dinh dưỡng ở thôn Pá Lau, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam.

Triển khai Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói", Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), các chuyên gia và 3 tỉnh xây dựng mô hình điểm nông nghiệp dinh dưỡng năm 2019 là các tỉnh Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh. Các mô hình này được triển khai giúp người dân thay đổi được nhận thức về sản xuất nâng cao thu nhập và sử dụng dinh dưỡng hợp lý cho hộ gia đình.

Trong năm 2020, Bộ NNPTNT đã mở rộng từ 3 mô hình sang 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn; đồng thời, phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện, nâng tổng số mô hình lên thành 19. 

Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm của năm 2019, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 1170/QĐ-BNN-KTHT ngày 30/3/2020 hướng dẫn các tỉnh xây dựng dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết và mở rộng ra tất cả các tỉnh thực hiện chương trình từ năm 2021.

Để Việt Nam không còn tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng - Ảnh 2.

Hướng dẫn các hộ dân nghèo óm Chàm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cách thức sử dụng cám và thức ăn cho gà

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên Hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm do Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres chủ trì ngày 23/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết bảo đảm lương thực là nền tảng cho xóa đói nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng 'minh bạch, trách nhiệm, bền vững" và thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về sản xuất lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hàng năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo. 

Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/người lên trên 525kg/người, đưa Việt Nam vào nhóm nước hàng đầu về sản xuất lương thực. 

Cùng với đó, việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã thúc đẩy phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, xác định lợi thế sản phẩm của từng vùng, miền, địa phương.

Nhờ vậy, người dân đã cải thiện và đa dạng trong chế độ ăn uống với xu hướng giảm tỷ lệ tiêu thụ ngũ cốc, tăng tỷ lệ thịt, cá, sữa, trứng, trái cây, rau quả.

Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6% - chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hướng tới đối tượng "đích" dễ bị tổn thương

Trong những năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam đã giảm khá ấn tượng và là điểm sáng của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015. 

Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi là 38% và trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% - mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Với những cam kết xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam 'minh bạch, trách nhiệm, bền vững", ông Lê Đức Thịnh cho rằng, đây sẽ là cơ hội để lồng ghép, thực hiện các mục tiêu và các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.

"Thay vì sản xuất những sản phẩm quy mô lớn, chúng ta có thể tận dụng rất tốt những sản phẩm nông sản đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng và vi chất ở các địa phương. Việc triển khai thực hiện sẽ có 2 cấp độ: đầu tiên là xây dựng các mô hình để lấy làm cơ sở để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; thứ hai là tuyên truyền, mở rộng các mô hình này ra thì mới thành công được" – ông Thịnh nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh đánh giá cao cách làm của tổ chức Helen Keller International (HKI) Việt Nam khi triển khai thực hiện dự án mô hình tăng cường an ninh lương thực hộ gia đình góp phần cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại Hòa Bình và Lai Châu trong 4 năm (2017 – 2021). 

Can thiệp của dự án tập trung vào 1.000 ngày đầu đời của trẻ và 1.200 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo có bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 24 tháng tuổi sẽ hưởng lợi từ mô hình này. 

Các hoạt động chính của dự án bao gồm đào tạo về dinh dưỡng, nông nghiệp, vệ sinh cá nhân, hỗ trợ cây con giống cho bà con cũng như các hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy thực hành đúng dinh dưỡng cho bà con.

"Thành công của mô hình này là các địa phương xây dựng mô hình để nông dân có thể tự truyền bá kinh nghiệm, tập huấn lại cho nhau về cách làm vườn, rồi các câu lạc bộ của bà mẹ thì trao đổi kinh nghiệm về nuôi con nhỏ, kiến thức về chế biến thức ăn cho trẻ 1-2 năm tuổi" – ông Thịnh nói.

Với tư cách là một trong các nước cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đang xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng lần thứ ba giai đoạn 2021-2030 và có cơ hội đặc biệt để ưu tiên dinh dưỡng trong kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030 sắp tới. 

Trao đổi với Dân Việt, TS. BS. Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, trong dự thảo chiến lược, Bộ Y tế đưa vào rất nhiều nội dung về phối hợp liên ngành, kết nối với hệ thống nông nghiệp bền vững và vai trò của Bộ NNPTNT trong xây dựng các mô hình nông nghiệp dinh dưỡng. 

Cùng với đó là các nội dung quy định về quy chuẩn cho thực phẩm, dán nhãn và tăng cường nhận thức của người dân.

Để Việt Nam không còn tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng - Ảnh 4.

Nhờ cấy lúa giống mới, bà con ở xóm Chàm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã chủ động được nguồn lương thực.

Theo bà Phương, dự kiến trong 2 ngày 7-8/12/2021 tới, tại Tokyo (Nhật Bản) sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng cho phát triển.  

"Hội nghị thượng đỉnh này yêu cầu mỗi quốc gia khi tham gia sẽ phải đưa ra cam kết của Chính phủ về việc giải quyết tình trạng dinh dưỡng để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc đến năm 2030. Nếu phân tích ra, trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững thì 12 mục tiêu liên quan trực tiếp đến dinh dưỡng" – bà Phương chia sẻ.

Trong những năm qua, Liên Hợp quốc và các đối tác tại Việt Nam đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững: 17 mục tiêu phát triển bền vững liên kết với nhau và đầy tham vọng nhằm giải quyết những thách thức phát triển mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt, trong đó có vấn đề về dinh dưỡng.

Sáng kiến "Không còn nạn đói" được Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra tại Hội nghị Phát triển bền vững Rio+20 ở Brazil vào tháng 6 năm 2012 kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay chấm dứt nạn đói và phát triển bền vững nhằm: đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có đủ lương thực, thực phẩm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; toàn bộ các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; 100% nông hộ nhỏ tăng năng xuất và thu nhập, đặc biệt là phụ nữ; không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem