Đấu thầu trạm dừng nghỉ cao tốc, nhà đầu tư nào quan tâm?

Thế Anh Thứ ba, ngày 16/04/2024 11:30 AM (GMT+7)
Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam Nguyễn Quang Giang cho biết, Bộ GTVT đã tổ chức sơ tuyển đánh giá năng lực nhà đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc, có rất nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ quan tâm.
Bình luận 0

Đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam bằng vốn ngân sách

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 09/2024 sửa đổi 01:2024 QCVN 43:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ.

Theo đó, các trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào khai thác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp trước 1/1/2027.

Ngay sau khi ban hành Thông tư 09/2024, Bộ GTVT cũng đang gấp rút đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được đưa vào vận hành khai thác.

Đấu thầu trạm dừng nghỉ cao tốc, nhà đầu tư nào quan tâm?- Ảnh 1.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TA

Thông tin về việc đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc, ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết: "Trong năm nay, sẽ đưa vào các trạm dừng nghỉ trên cao tốc hoạt động với một số hạng mục thiết yếu để phục vụ người dân".

Ông Giang cho biết, nguồn vốn thực hiện các dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam sẽ đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư.

Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ, năm 2023 Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 07/3/2023 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.

Phần vốn từ Nhà nước chi trả trong giai đoạn chuẩn bị dự án như giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí tổ chức mời thầu sẽ được nhà đầu tư hoàn trả theo quy định tại Thông tư số 01/2023 của Bộ GTVT.

Ngoài ra, dự án đường cao tốc có phương án tính toán tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua hàng năm và tính được chi phí hoàn vốn, phương án tài chính tương đối chính xác. Tuy nhiên, đối với trạm dừng nghỉ thì rất khó tính toán phương án tài chính bởi không thể biết bao nhiêu xe rẽ vào, bao nhiêu người dùng dịch vụ.

Nói về minh bạch đấu thầu trạm dừng nghỉ, ông Giang nhấn mạnh: "Trong quá trình đấu thầu trạm dừng nghỉ, tất cả các nhà đầu tư tham gia ứng tuyển đều được xét theo đúng năng lực, tài chính, không phải cứ có bản “CV lý lịch tốt” thì sẽ được ưu ái".

Ông Giang tiết lộ: "Bộ GTVT đã tổ chức sơ tuyển đánh giá năng lực nhà đầu tư có rất nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ quan tâm. Qua 8 trạm dừng nghỉ, tối thiểu đều có 2 nhà đầu tư đối với trạm, có trạm 6-7 nhà đầu tư".

Khi có nhà đầu tư, Cục đường Cao tốc Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu để có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng, phương án bố trí các công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông trong thời gian ngắn nhất (tối đa 2-3 tháng).

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình công cộng. Các công trình sau đó của trạm dừng nghỉ thời gian hoàn thành tối đa 12 tháng, nếu làm xong càng sớm thì càng tốt.

Đấu thầu trạm dừng nghỉ cao tốc, nhà đầu tư nào quan tâm?- Ảnh 2.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: B.P

Đầu tư trạm dừng nghỉ sẽ phải đầu thầu

Theo ông Giang, khi tham gia đấu thầu, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư đều phải có bảo đảm thực hiện hợp đồng (giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng từ 1-3% tổng chi phí thực hiện dự án theo quy định về mẫu hồ sơ mời thầu), nếu không thực hiện theo đúng nghĩa vụ cam kết thì đương nhiên sẽ mất tiền bảo đảm này.

Trường hợp doanh nghiệp do nhà đầu tư liên danh thành lập, các thành viên có quyền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhau nhưng phải bảo đảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của từng thành viên và đáp ứng quy định về năng lực tài chính để thực hiện phần nghĩa vụ hợp đồng còn lại; quyền, nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư chuyển nhượng theo quy định tại hợp đồng.

"Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ cam kết, nhà đầu tư sẽ mất tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng, trạm dừng nghỉ khi đó sẽ phải đấu thầu lại", ông Giang khẳng định.

Bộ GTVT đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 36 trạm. Trong đó, 9 trạm dừng nghỉ đã và đang đầu tư xây dựng; một trạm do địa phương quản lý sẽ triển khai khi đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; 2 trạm dừng nghỉ do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý gồm Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Trung Lương.

Đối với 8 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017  -2020 đã phát hành hồ sơ mời thầu vào tháng 3/2024, mở thầu vào ngày 20/5 tới đây. Dự kiến lựa chọn xong nhà đầu tư vào tháng 6/2024.

Sau khi có nhà đầu tư, các Ban Quản lý dự án đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng, phương án bố trí các công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông.

Trạm dừng nghỉ có nhiều hạng mục, nhưng sẽ chỉ đạo ưu tiên các hạng mục cấp thiết như bãi đỗ xe, cây xăng, nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu của người dân. Trong vòng 2 - 3 tháng sau khi trúng thầu nhà đầu tư phải ưu tiên làm trước các hạng mục này để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân. Việc này sẽ được đưa vào hồ sơ thầu và đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư trạm dừng nghỉ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem