Dấu ấn trong sắp xếp dân cư: Bước đệm quan trọng giúp huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) chuyển mình

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ tư, ngày 13/09/2023 19:00 PM (GMT+7)
Từ một huyện miền núi nghèo, cơ sở hạ tầng hạn chế, kinh tế kém phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng sau 20 năm tái lập, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã chuyển mình mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực.
Bình luận 0

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, xây dựng, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và trao đổi hàng hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hạ tầng được quan tâm đầu tư

Ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, sau chặng đường 20 năm tái lập (6/8/2003-6/8/2023), Tây Giang tuy vẫn còn là huyện nghèo nhưng so với ngày đầu tái lập thì đã có những đổi thay rất lớn. Đặc biệt là sự đầu tư, đổi mới cơ sở vật chất hạ tầng đã giúp địa phương "khoác" lên mình một diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Quảng Nam: Dấu ấn trong sắp xếp dân cư giúp huyện miền núi Tây Giang chuyển mình sau 20 năm tái lập - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đã tạo đột phá cho huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: T.H.

Hiện nay, hầu hết các thôn đã sử dụng mạng lưới điện quốc gia; các tuyến đường đến xã, đến thôn đều được bê tông hoặc cứng hoá thay cho những con đường mòn dân sinh.

Huyện đã hoàn thành tuyến đường ĐT 606 nối dài đến các xã vùng cao như A Xan, Ch'ơm, nối lên cửa khẩu phụ Tây Giang; tuyến liên xã từ A Tiêng đi xã Dang; tuyến đường Tây Giang đi Đông Giang qua các xã A Tiêng, Bhallê, A Vương (đang đầu tư); các tuyến ĐH, ĐX kết nối liên xã, liên vùng; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường nội thị trung tâm huyện.

Quảng Nam: Dấu ấn trong sắp xếp dân cư giúp huyện miền núi Tây Giang chuyển mình sau 20 năm tái lập - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Lượm (bên trái) – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển của huyện miền núi Tây Giang với Báo Dân Việt. Ảnh: T.H.

Tây Giang đã khởi công xây dựng Kè sông A Vương với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sẽ hình thành nên khu vực hồ sinh thái ngay trung tâm huyện, đây cũng chính là điều kiện góp phần cho du lịch huyện phát triển và sẽ là lĩnh vực thế mạnh của địa phương trong tương lai gần.

Đặc biệt, sau 20 năm huyện Tây Giang mới có chợ huyện được đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng (giai đoạn 1), dự kiến hoàn thành giữa năm 2024 sẽ thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển, là nơi giao thương, trao đổi, buôn bán hàng hoá của nhân dân.

Quảng Nam: Dấu ấn trong sắp xếp dân cư giúp huyện miền núi Tây Giang chuyển mình sau 20 năm tái lập - Ảnh 3.

Sau 20 năm tái lập, huyện Tây Giang đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Nhất là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Ảnh: T.H.

Hệ thống trường học trên địa bàn được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn Quốc gia, với 9 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, 1 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, 9 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất.

Quảng Nam: Dấu ấn trong sắp xếp dân cư giúp huyện miền núi Tây Giang chuyển mình sau 20 năm tái lập - Ảnh 4.

Một khu dân cư ở xã A Tiêng. Ảnh: Giang Nguyên.

Ngoài ra, huyện Tây Giang đang đầu tư Trung tâm hội nghị huyện với quy mô hội trường 450 chỗ ngồi, khu hội nghị trực tuyến; nâng cấp, sửa chữa trụ sở UBND huyện; xúc tiến đầu tư khu liên hợp thể thao huyện nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá, thể thao, rèn luyện sức khoẻ cho nhân dân và tổ chức các hoạt động thể thao quy mô cấp huyện, cấp khu vực.

Điểm sáng trong sắp xếp dân cư

Thời gian qua, việc bố trí dân cư tập trung đang là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tây Giang. Đến nay, toàn huyện đã bố trí, sắp xếp 123 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích thực hiện hơn 347ha, ổn định chỗ ở cho hơn 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Nam: Dấu ấn trong sắp xếp dân cư giúp huyện miền núi Tây Giang chuyển mình sau 20 năm tái lập - Ảnh 5.

Làng mới Arui, xã Dang, từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến nay 100% hộ dân ở đây đã xóa được nhà tạm. Ảnh: Đình Hiệp.

Các khu tái định cư ngay sau khi bố trí người dân đến ở đều được hoàn thiện các công trình đi kèm như: hệ thống nước sinh hoạt, điện thắp sáng, trường học và không gian vui chơi giải trí.

Ông Lượm cho biết: "Ngày mới tái lập, hầu hết các thôn, các điểm dân cư đều hoang sơ, hạ tầng gần như chưa được đầu tư, người dân đa số sống rãi rác bên sông, bên núi nên rất dễ bị tác động tiêu cực bởi thiên tai, sản xuất manh mún, chủ yếu tự cấp, tự túc.  

Việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài, đảm bảo an toàn trong thiên tai bão lũ, mà còn góp thêm vào diện mạo hạ tầng nông thôn mới miền núi, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo".

Quảng Nam: Dấu ấn trong sắp xếp dân cư giúp huyện miền núi Tây Giang chuyển mình sau 20 năm tái lập - Ảnh 6.

Làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Đồng thời, việc sắp xếp dân cư tập trung sẽ thuận lợi rất nhiều trong công tác đầu tư đồng bộ, số lượng người dân hưởng lợi nhiều hơn; công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn cũng thuận lợi hơn.

Nhờ có cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, mà đời sống vật chất – tinh thần của người dân nông thôn miền núi Tây Giang được cải thiện rõ nét, chất lượng đời sống nâng cao.

Sau 20 năm tái lập, tổng ngân sách đến nay đạt hơn 600 tỷ đồng, trong đó thu nội địa năm 2022 là 43,5 tỷ đồng (vượt 19,5 tỷ đồng); nền kinh tế có bước phát triển đa dạng, thương mại dịch vụ có chuyển biến đáng kể, kinh tế nông nghiệp phát triển khá mạnh.

Quảng Nam: Dấu ấn trong sắp xếp dân cư giúp huyện miền núi Tây Giang chuyển mình sau 20 năm tái lập - Ảnh 8.

Tây Giang đã xây dựng được các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt... để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Hiền Thúy.

Giai đoạn hiện nay, lĩnh vực kinh tế chủ lực của huyện Tây Giang là phát triển cây dược liệu (ba kích, đảng sâm…), đồng thời phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với chế biến, liên kết quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của huyện.

Thời gian tới, Tây Giang sẽ tiếp tục tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, hoàn thiện các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 2 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới toàn huyện lên 5 xã (đạt 50% số xã toàn huyện).

Dấu ấn trong sắp xếp dân cư: Bước đệm quan trọng giúp huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) chuyển mình - Ảnh 9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem