"Đáng chi phải chi, chống lãng phí không phải là dùng ôtô cũ chưa hết date"

PVKT Thứ hai, ngày 31/10/2022 14:22 PM (GMT+7)
Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Nhiều đại biểu cho rằng, việc mua sắm ôtô công hiện nay còn rất nhiều bất cập, vô hình chung không đảm bảo tiết kiệm.
Bình luận 0

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã có một số kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại như lập dự toán ngân sách hàng năm chưa sát thực tế, nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu.

Hàng năm, nhiều dự án đầu tư công trên các lĩnh vực chậm tiến độ, tình trạng đấu thầu, nhận thầu để được có công trình, sau đó đề nghị điều chỉnh bổ sung vốn tăng cho công trình diễn ra chưa được khắc phục.

"Tình trạng công trình chờ vốn, vốn chờ công trình không phải là hiếm. Vốn không thiếu nhưng không được giải ngân là bài toán khó giải từ nhiều năm qua. Việc thất thoát vốn ở các doanh nghiệp nhà nước mặc dù có khắc phục nhưng chưa được nhiều, có doanh nghiệp thua lỗ, lãng phí, đầu tư không hiệu quả", ông Hòa nêu.

"Đáng chi phải chi, chống lãng phí không phải là dùng ô-tô cũ chưa hết date" - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Cũng theo đại biểu đoàn Hòa, việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ của Bộ, ngành trung ương địa phương chưa đúng quy định, sai mục đích, lãng phí, trụ sở trống ít người ở, có nơi xây dựng trụ sở rất to, hoành tráng nhưng công năng cho công vụ lại hạn chế.

Đặc biệt, cải cách hành chính dù là điểm cộng nhiều năm qua, nhưng "hội họp của các cơ quan công quyền không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng".

Cũng theo đại biểu Hòa, "tiết kiệm để tích lũy cho đầu tư, phát triển, chứ không phải tiết kiệm là giảm chi tiêu những thứ cần, ngại mua sắm, chi nhỏ giọt".

Vị đại biểu này dẫn chứng, theo quy định không được mua ôtô mới mà phải sử dụng lại ôtô cũ chưa 'hết date', nhưng lại được chi sửa chữa hàng năm với số tiền không nhỏ. Hay như quy định ở mỗi Sở ngành cấp tỉnh chỉ được sử dụng mỗi chiếc ôtô công. Cán bộ đi công tác ngoài ôtô công đã có thì thuê xe tư nhân và được quyết toán vào mục chi hoạt động; hoặc kế toán của cơ quan, đơn vị hợp thức hóa chứng từ để được quyết toán những khoản chi không được như tiếp khách.

"Tôi muốn đề xuất với Chính phủ đáng chi là phải chi, chi mang lại hiệu quả để kích thích lao động sản xuất, chi để tái năng suất như chi tăng lương cho công chức viên chức, người lao động để ổn định cuộc sống", ông Hòa đề xuất.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng cho rằng, không vì thế mà chi không đảm bảo quy định, chi chưa hết năm đã hết tiền hoạt động... Tiết kiệm là đúng nhưng tiết kiệm quá mức chưa hẳn là hiệu quả.

Ông cũng đề nghị Quốc hội tăng cường hậu giám sát tiếp tục các nội dung liên quan hàng năm hoặc định kỳ, nhất là những vấn đề tồn tại mà đoàn giám sát đã nêu ra trong báo cáo, trọng tâm là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hoá...

Xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu trên các lĩnh vực đã được đoàn giám sát chỉ ra, đồng thời biểu dương, khen thưởng những nơi thực hiện tốt.

"Tuy nhiên, không dễ gì phát hiện hoặc có phát hiện cũng chưa chắc đã mạnh dạn báo cáo. Cho nên, việc bảo vệ người cung cấp thông tin, khen thưởng cũng là biện pháp kích thích tốt", ông Hòa nêu.

Chung quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, đối với việc mua sắm ôtô thực hiện nhiệm vụ hiện nay còn rất nhiều bất cập, vô hình chung không đảm bảo tiết kiệm.

Trong đó, Nghị định 04 năm 2019 của Chính phủ về tiêu chuẩn với tiêu chuẩn, định mức mua sắm ôtô, quy định Văn phòng UBND cấp huyện chỉ mua được một xe ôtô với mức giá không quá 720.000.000 đồng. Trong khi đó, công việc ở địa phương, ở cơ sở rất nhiều, một xe không đáp ứng được yêu cầu.

Hơn nữa, với mức giá 720.000.000 đồng như hiện nay chỉ mua được xe một cầu, không thể đi công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Thực tế hiện nay các địa phương phải thuê xe để đi công tác, với chi phí khá cao, như vậy chưa phải là tiết kiệm mà còn lãng phí…

"Đáng chi phải chi, chống lãng phí không phải là dùng ô-tô cũ chưa hết date" - Ảnh 2.

Nhiều bất cập trong mua sắm ôtô phục vụ các đơn vị công.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 04. Đại biểu đề nghị nghị định mới này phải đảm bảo sát thực tiễn và đưa lại hiệu quả trong quản lý cao nhất, được xây dựng trên nguyên tắc bố trí xe ôtô phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác của từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng căn cứ vào bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị và căn cứ vào địa hình của từng địa phương để đưa ra những quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô một cách hợp lý.

Do vậy, việc tính định mức sử dụng xe ngoài việc áp dụng là tính bình quân chung còn xét đến tính đặc thù. Mức giá xe cần được quy định mở cho các địa phương xem xét, quyết định giá mua cao hơn, theo tôi không quá 15% hoặc 20% so với mức quy định chung, nhằm tăng tính tự chủ và chịu trách nhiệm của các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem