Dân số Việt Nam 100 triệu: Xu hướng "lười đẻ" lan rộng (Kỳ III)

Diệu Linh - Gia Khiêm Thứ tư, ngày 26/04/2023 05:46 AM (GMT+7)
Việt Nam vẫn đang đạt mức sinh thay thế, 1 phụ nữ có 2 con, tuy nhiên tại nhiều vùng có tình trạng phụ nữ "lười đẻ", chỉ đẻ 1 trẻ hoặc không có con, trì hoãn việc có con. Điều này dẫn đến nguy cơ đẩy nhanh tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh…
Bình luận 0

Lười đẻ vì… sợ đủ thứ

Chị Mai Loan (35 tuổi, sống tại TP.HCM) đang có 1 cậu con trai đã 10 tuổi nhưng hai vợ chồng đã lười đẻ, xác định không sinh tiếp. 

Chị Loan chia sẻ, hai vợ chồng từ Cà Mau lên TP.HCM học và lập nghiệp. Mới cưới, hai vợ chồng đi thuê nhà 15m2, chi tiêu tiết kiệm. Khi sinh con, hai vợ chồng và đứa con khóc ra rả trong căn nhà trọ chật chội chị đã muốn phát điên. 

Đã thế, không ít lần chị bật khóc vì không có tiền mua sữa cho con, con ốm cũng vay mượn khắp nơi. Khi con đi học cũng lại một phen chật vật tìm trường, tìm lớp cho con.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ III): Xu hướng "lười đẻ" lan rộng - Ảnh 1.

Nhiều gia đình trẻ "lười đẻ" để tập trung cho sự nghiệp và nâng cao chất lượng sống. Ảnh minh họa Pixabay

"Con 5 tuổi, bố mẹ hai bên giục đẻ nhưng hai vợ chồng nghĩ lại cảnh nuôi con mà sợ. Bây giờ con lớn, tôi đi học văn bằng 2, chồng chuẩn bị thăng chức, rảnh rỗi còn đi ăn, đi chơi sung sướng, nghĩ đến cảnh nằm nhà ôm bầu, chăm con mà hãi. Sợ đẻ luôn", chị Loan chia sẻ.

Chị cũng cho biết, nếu chị sinh con gái có khi còn cố đẻ thêm nhưng có trai rồi, bố mẹ chồng cũng không giục giã nữa. Theo chị Loan, bạn bè chị cũng có nhiều người sinh 1 con và không hề có ý định đẻ thêm. 

Danh sách 21 tỉnh có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế (dưới 2 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ):

TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang"

Chị Bích Hà (37 tuổi, ở An Giang) cho biết, chị đẻ 1 con gái rồi cũng lười đẻ: "Đẻ cho biết đẻ thôi. Mình còn có mục tiêu cho con đi du học, tích cóp của cải cho con. Đẻ 2 con vừa khó mà lo cho con được đầy đủ mà bản thân cũng khó rảnh rang để sống cho mình được".

Hay như vợ chồng chị Hồng Thu (27 tuổi, công nhân tại TP.HCM) đã cưới nhau được 5 năm nhưng chưa có con và cũng "không dám đẻ".

"Vợ chồng em đều là công nhân, đi thuê nhà, cuộc sống chỉ no theo đúng nghĩa đen chứ chưa "đủ". Chúng em dự định đi làm 1-2 năm thì có con nhưng lại dính vào Covid-19, nghỉ việc hơn 1 năm. Vừa hết dịch đi làm lại thì công ty cho nghỉ việc hàng loạt, em mất việc chưa xin lại được. Giờ có mỗi chồng em đi làm công nhân, em làm giúp việc theo giờ. Cuộc sống khó khăn lắm, sao dám đẻ". 

Theo xu hướng hiện nay, "lười đẻ" không chỉ xuất hiện trong các gia đình khá giả nhưng bận rộn công việc, thăng tiến xã hội mà còn ở các các gia đình kinh tế khó khăn, không ổn định công ăn, việc làm, điều kiện cư trú.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), sau gần 50 năm vận động "mỗi phụ nữ sinh 2 con", Việt Nam đạt mức sinh thế vào năm 2006 với tổng tỉ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và được duy trì trong suốt 16 năm qua.

Tuy nhiên, đang có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền. TFR của nhiều tình, thành phố đồng bằng xuống dưới 2 con/phụ nữ. Trong khi đó ở 1 số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, TFR lên đến hơn 2,5 con/phụ nữ.

Đáng báo động là xu hướng sinh ít con, thậm chí không sinh con xuất hiện ở nhiều tỉnh, TP trong thời gian qua. 

Hiện có 21 tỉnh, TP thuộc Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung có mức sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ). Một số tỉnh mức sinh ở mức rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, trong đó TP HCM nhiều năm gần đây dao động từ 1,3 - 1,5 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Lười đẻ, nguy cơ xã hội toàn người già, ít trẻ em

GS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia dân số, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định, xu thế giảm sinh sẽ nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ III): Xu hướng "lười đẻ" lan rộng - Ảnh 3.

Nếu người dân lười đẻ, mức sinh xuống thấp sẽ càng đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, khiến chúng ta "trở tay không kịp". Ảnh minh họa Pixabay

GS Cử lý giải, người đang trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay trong khoảng dưới 35 tuổi. Đây là lứa tuổi lớn lên trong thời kỳ mở cửa hội nhập, có nhiều thay đổi về lối sống, suy nghĩ. Thanh niên thích dùng thời gian để học tập, lao động, thăng tiến và hưởng thụ hơn là dành cho việc sinh con, nuôi dạy con.

Khi TFR của Nhật Bản xuống đến 1,4 con vào năm 2015, Nhật đã làm mọi cách để "kích cầu sinh đẻ" nhưng đã quá muộn. Nhật Bản sụt giảm dân số nghiêm trọng, già hóa dân số, thiếu hụt lao động.

Theo dự báo của Chính phủ Nhật Bản, dân số của đất nước sẽ giảm từ 128 triệu năm 2010 xuống còn 87 triệu người vào năm 2060 và khi đó, khoảng 40% dân số sẽ từ 65 tuổi trở lên.

Việt Nam, dự báo năm 2038, 20% dân số sẽ từ 65 tuổi trở lên (tương đương với hơn 20 triệu người già). Nếu mức sinh thấp thì tốc độ già hóa dân số càng nhanh, đặt ra rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi, thiếu hụt lao động...

Thanh niên có "nỗi sợ" về việc phải dành thời gian chăm sóc con, phải nghỉ làm, mất cơ hội thăng tiến. Gánh nặng kinh tế trong việc nuôi dạy con theo mức sống sung túc như hiện nay, lo cho con đi học trường tốt thậm chí đi du học… cũng khiến nhiều người không dám đẻ nhiều.

"Chúng ta từng vận động đẻ ít, sinh đủ 2 con nhưng giờ có "khuyến đẻ" thanh niên cũng không đẻ", GS Cử nhận định.

Các chuyên gia dân số chỉ ra rằng, mức sinh thấp kéo dài để lại những hệ lụy rất lớn cho xã hội như gây ra tình trạng suy giảm quy môn dân số, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động. 

Đáng nói, chúng ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số nhanh. Dự tính khoảng 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già với rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội đặt ra.

Nếu như mức sinh xuống thấp sẽ càng đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, khiến chúng ta "trở tay không kịp".

Xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người nhà. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, "thu ít mà chi nhiều".

Ngoài ra, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư…

Lười đẻ, đẻ 1 con cũng làm gia tăng lựa chọn giới tính khi sinh là trẻ nam làm tăng mất cân bằng giới tính cao hơn nữa (đẻ 1 con nên lựa chọn thai nhi là nam luôn, cho chắc- PV). Hệ lụy là 15-20 năm nữa, ngày càng nhiều đàn ông Việt không lấy được vợ.

GS Cử nhận định, dù xu hướng "lười đẻ" lan rộng nhưng việc ngăn chặn làn sóng này rất khó khăn. Các bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển... là những kinh nghiệm xương máu. Sau khi vận động và đạt mức sinh thay thế, mức sinh của các nước này tiếp tục giảm đến mức báo động. Phụ nữ Hàn Quốc, Nhật Bản có xu hương sinh 1 con thậm chí không sinh con.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ III): Xu hướng "lười đẻ" lan rộng - Ảnh 5.

Mục tiêu của ngành dân số hiện nay là "Mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con" thay vì "Mỗi phụ nữ chỉ sinh 2 con" như trước kia. Ảnh minh họa Pixabay

Đến giờ, các nước này có nhiều chính sách để hỗ trợ phụ nữ sinh con, hỗ trợ trẻ em từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục thì phụ nữ vẫn… lười đẻ.

Do đó, theo GS Cử, giải pháp hiện nay là điều chỉnh mức sinh cho phù hợp từng vùng miền. Nơi nào có mức sinh thấp cần khuyến khích để họ sinh đủ 2 con, còn vùng nào có số con đông thì lại phải vận động để họ giảm mức sinh xuống.

Về chính sách dân số để điều chỉnh mức sinh hiện nay, bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số  (Bộ Y tế) cho biết: "Nếu như trước đây, chính sách dân số tập trung vào mục tiêu giảm sinh thì nay công tác dân số chuyển sang mục tiêu “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế” trên phạm vi cả nước. 

Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con hơn ở những địa phương có mức sinh còn cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh đủ hai con ở những nơi mức sinh thấp", bà Thư chia sẻ. 

UBND TP.HCM vừa ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030. Chương trình điều chỉnh mức sinh của thành phố nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, phấn đấu thực hiện việc điều chỉnh tăng mức sinh.

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,4 con), hướng tới 2030 là 1,6 con,

Ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động "mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con", TP.HCM cũng ban hành các chính sách dân số hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh thấp; mở rộng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và các dịch vụ có liên quan.

Mời các bạn xem clip GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ về thách thức và cơ hội khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người.

GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ về thách thức và cơ hội khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người. Clip Gia Khiêm

Kỳ IV: "Đau đầu" với già hóa dân số

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem