Đắm say nét đẹp văn hóa xứ Mường

Xuân Tuấn Thứ năm, ngày 03/11/2022 19:09 PM (GMT+7)
Xứ Mường (Hòa Bình) - cái nôi của người Việt cổ và cũng là nơi phát tích của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước". Dấu ấn về nền văn hóa còn hiển hiện trong những di chỉ khảo cổ nằm rải rác ở 4 Mường.
Bình luận 0

Vượt qua dốc Cun là cả bầu trời rộng mở, ta mới chính thức bước vào đất của xứ Mường khi xưa. Ngày đó đất Mường được chia làm 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Đất Mường rộng thênh thang, con người hiếu khách. Về với đất Mường là về với miền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Hết thảy bắt nguồn từ sử thi "Tá cần, tá cài"…

Ông Bùi Văn Lựng - nghệ nhân Mo Mường ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc được biết đến là pho sử sống của đất Mường. Ông thuộc lòng trường ca "Tá cần, tá cài" - Đẻ đất đẻ nước. Những phong tục tập quán, quan niệm về giỗ Tết, ma chay… đều được tích lũy trong "cuốn sách quý" mà nó đã được truyền miệng qua bao đời. Ông Lựng năm nay đã ngoài 60 tuổi. Nhắc đến đất Mường là ông như được tiếp thêm nguồn lực, hào hứng với tâm niệm phụng sự cho người Mường. 

"Trong trường ca Đẻ đất, đẻ nước là một pho sử về cuộc sống cũng như tâm linh của người Mường. Nó là tất cả những kinh nghiệm trong sản xuất cũng như văn hóa của người Mường. Do người Mường không có chữ viết, nên các thầy Mo học thuộc cuốn sử thi này bằng cách truyền miệng. Cách đây 20 năm, Mường Bi - đã tổ chức "đại hội" các thầy Mo để hiệu đính thành bản Đẻ đất đẻ nước chuẩn" - ông Lựng tự hào nói.

Đắm say nét đẹp văn hóa xứ Mường - Ảnh 1.

Mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân Mường Bi (huyện Tân Lạc) lại tổ chức lễ Khai hạ với mong muốn năm mới mùa màng bội thu. Ảnh: Huyền Trang

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... Người dân tự hào về những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nên đã có ý thức bảo tồn, phát huy.

Được biết để nói hết nội dung của cuốn sách này, thầy Mo phải đọc 7 ngày, 7 đêm không nghỉ mới hết. Mường Bi (nay thuộc huyện Tân Lạc) là Mường lớn nhất, nên nơi này vẫn giữ được bản sắc của người Mường. Những nội dung ghi trong sử thi Đẻ đất đẻ nước - đã được các nhà khảo cổ nghiên cứu và tìm tòi trong suốt nhiều năm liền.

Theo các nhà khảo cổ, cho đến nay, chúng ta đã phát hiện 72 di tích thuộc văn hóa Hòa Bình, chủ yếu nằm trong các hang động và mái đá. Tiêu biểu như các di tích: Động Can, hang xóm Trại, mái đá làng Vành, mái đá Tôm, mái đá Chiềng Khến. Hang làng Đồi, hang Muối... Những di vật thường gặp trong văn hóa Hòa Bình là bếp, mộ táng, tàn tích sau bữa ăn, công cụ lao động và các chế tác khác của người nguyên thủy. Những vết tích vỏ trai, ốc, xương răng động vật và vỏ hạt một số loài thảo mộc còn giữa lại trong tầng văn hóa Hòa Bình.

Bảo tồn, kế thừa và phát huy hiệu quả

Đắm say nét đẹp văn hóa xứ Mường - Ảnh 3.

Sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo của người Thái ở huyện Mai Châu. Ảnh: X.T

Tỉnh Hòa Bình đang có 786 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó: Tiếng nói, chữ viết là 10, ngữ văn dân gian là 154, nghệ thuật trình diễn dân gian là 171, tập quán xã hội là 113, nghề thủ công truyền thống là 26, tri thức dân gian là 268. Di sản văn hóa vật thể tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang lưu giữ 18.003 hiện vật. Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình có 101 di tích lịch sử, di tích văn hóa đã được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh)...

Trong những năm qua tỉnh Hòa Bình có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy nền văn hóa bản địa. Các lễ hội được phục dựng, nhiều nghệ nhân - những pho sử sống của người Mường được tôn vinh. Bên cạnh nỗ lực bảo tồn, văn hóa bản địa người Mường, người Thái và người Dao nơi đây cũng được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của địa phương.

Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đều có những bản sắc riêng biệt. Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú. Bản sắc văn hóa cũng là lợi thế trong việc phát triển kinh tế xã hội. Những năm vừa qua, tỉnh Hòa Bình cũng quan tâm đến việc bảo tồn nền văn hóa các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch bền vững... Nhiều lễ hội đặc sắc được khôi phục như: Lễ hội chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội đền Bờ, Lễ hội Xên Mường…

Từ huyện Đà Bắc xa xôi đến những bản Mường đẹp như tranh vẽ thuộc huyện Tân Lạc, Lạc Sơn đều có những đội văn nghệ. Đến đất Mường mà không dự lễ hội xên Mường của người Mường quả là thiếu sót. Cồng, chiêng là hai nhạc cụ không thể thiếu trong ngày lễ, ngày hội của bà con người Mường. Ngày hội cũng là nơi để các cô gái người Mường khoác lên mình bộ xiêm y, áo tếch, bao xanh, khăn trắng đội đầu nom duyên dáng đến lạ. Trong khí xuân trong lành, lòng người rộn ràng, tiếng cồng chiêng bung biêng ngân dài, tỏa khắp các thung lũng tựa như lời thông báo với đất trời, bản Mường đã vào hội xuân.

Ngược Quốc lộ 6 sẽ đến thung lũng Mai Châu xinh đẹp của bà con người Thái. Nơi đây giờ trở thành địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của Hòa Bình. Bà con người Thái ở đây vẫn giữ được những 36 điệu xòe cùng đêm hội nhảy sạp vui nhộn. Đêm hội bản Thái vui quên lối về. Tiếng đàn tính tẩu ngân vang, tiếng trống như thúc giục, như mời gọi du khách cùng nắm tay nhau nhún nhảy theo điệu xòe, nhảy sạp…

Những ngày hội hay những đêm xên bản, xên mường ở nơi đây gây ấn tượng tốt đẹp với du khách năm châu. Bà con người Mường hay người Thái nơi đây đã biết phát huy bản sắc văn hóa để mở cửa đón khách, phát triển du lịch. Ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình cho biết: "Trong những năm vừa qua, ngành Văn hoá tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực như: Xây dựng một làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc; đầu tư thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng, duy trì 59 lễ hội".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem