Đắk Lắk: Không kéo dài thời gian khắc phục dự án cấp nước 72 tỷ đồng

Ngọc Giàu Thứ sáu, ngày 15/07/2022 16:12 PM (GMT+7)
HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa kết luận, đề nghị UBND tỉnh sớm thống nhất và chỉ đạo triển khai phương án khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết tại Tiểu dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường. Đồng thời yêu cầu đưa công trình vào sử dụng trước ngày 31/12/2022.
Bình luận 0

Tồn tại, khiếm khuyết ở khâu nào?

Tiểu dự án Cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, huyện Cư M'gar (ký hiệu TDA DL05) thuộc Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư hơn 72 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk: Không kéo dài thời gian khắc phục dự án cấp nước 72 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tiểu dự án Cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, huyện Cư M'gar được yêu cầu đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022

Tháng 7/2020 việc thi công tiểu dự án cơ bản hoàn thành và bắt đầu giai đoạn chạy thử. Trong quá trình thử áp lực và mở nước từ hồ Buôn Yông về trạm bơm để chạy thử làm cơ sở nghiệm thu, đường ống 630mm bị vỡ, khớp nối bị rò rỉ tại 13 vị trí. Các đơn vị liên quan đã tổ chức sửa chữa, thay thế ngay tại hiện trường. Đến tháng 11/2020 mới mở nước về đến trạm bơm, một ngày sau đường ống này tiếp tục bị vỡ tại 1 vị trí khác. Sau đó việc sửa chữa, khắc phục tạm thời dừng lại để tìm nguyên nhân.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, thực ra các hư hỏng trên tuyến ống D630 đã được Bộ NN&PTNT kiểm tra, xác định là chỉ những tồn tại, khiếm khuyết chứ chưa phải là sự cố công trình. Đó là sự sai khác về tim tuyến ống do thi công sử dụng co/cút không đúng hồ sơ thiết kế; một số ống hoặc mối nối thi công không đạt yêu cầu; thi công thiếu một số mố bê tông; lắp đặt 2 van xả khí sai vị trí...

Tuy nhiên, những tồn tại, khiếm khuyết nói trên cũng hoàn toàn nằm trong quá trình thực hiện hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, nên sẽ được giải quyết thông qua các điều khoản của hợp đồng kinh tế. Công trình chưa bàn giao, đưa vào sử dụng thì hợp đồng chưa kết thúc, các bên liên quan đương nhiên có trách nhiệm.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, các tồn tại, khiếm khuyết nói trên lẽ ra đã được xử lý từ lâu. Nhưng phải tạm dừng để chờ kết luận nguyên nhân của đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập, mà quá trình làm việc của đoàn lại gián đoạn, kéo dài rất lâu do dịch Covid-19.

"Trong trường hợp nhà thầu thoái thác trách nhiệm, không chịu thực hiện việc khắc phục sai phạm thì sẽ đưa việc này ra tòa án và có những chế tài mạnh tay theo các quy định của pháp luật, Luật Dân sự, Luật Kinh tế...". Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk khẳng định.

Đắk Lắk: Không kéo dài thời gian khắc phục dự án cấp nước 72 tỷ đồng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết sẽ tập trung khắc phục để đưa công trình vào vận hành chính thức trước ngày 31/12/2022

Sẽ khắc phục trong bao lâu?

Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết thêm, theo như kế hoạch đã trình UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở NN&PTNT đang khẩn trương thực hiện các bước để khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết của công trình này.

Theo đó, hướng xử lý trước hết là Sở NN&PTNT sẽ làm việc với đơn vị tư vấn để kiểm định lại toàn bộ hồ sơ thiết kế nhằm chỉ rõ những tồn tại, khiếm khuyết đang nằm ở khâu nào. Nếu thiết kế chưa ổn, chưa đảm bảo thì phải điều chỉnh, bổ sung hạng mục. Trên cơ sở đã thống nhất với các bên liên quan, Sở sẽ bàn giao nguyên trạng công trình cho nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa – CTCP và đơn vị này sẽ cùng với Sở khắc phục những tồn tại, khuyết điểm sau khi hồ sơ thiết kế điều chỉnh, bổ sung được phê duyệt. Đối với các nhà thầu, căn cứ vào hợp đồng kinh tế, Sở yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ: Cấp đúng loại đường ống, đúng tiêu chuẩn, lắp đặt đúng quy trình, thực hiện thử nghiệm đúng các bước...

Trong quá trình khắc phục tồn tại, Sở cũng sẽ thành lập Ban chỉ đạo (do Giám đốc Sở NN&PTNT làm trưởng ban, 2 phó trưởng ban là Phó Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Chi nhánh Tây nguyên - Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa – CTCP và các thành viên là đại diện các đơn vị liên quan). Ban chỉ đạo sẽ xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh ngay tại công trường thi công nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu.

"Theo kế hoạch, tất cả các công việc liên quan đều có thời hạn hoàn thành cụ thể chứ không nói chung chung được. Trong đó thời gian thi công khắc phục chỉ khoảng 3 tháng, nhưng do thi công đúng cao điểm mùa mưa nên chúng tôi đề nghị được hoàn thành trước ngày 30/11/2022. Tiếp đó sẽ tập trung vận hành thử, kiểm tra để đưa công trình vào vận hành chính thức trước ngày 31/12/2022", Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem