Cuốc xẻng tặng dân, ấm no về Mường Lạn

Lê San Thứ năm, ngày 03/03/2016 13:03 PM (GMT+7)
“Đồng bào phát triển sản xuất, đời sống kinh tế vững vàng, an ninh trật tự thôn bản cũng sẽ ổn định, quy củ hơn. Mình giúp dân làm kinh tế, cũng là để người dân yên tâm bám bản, bám làng, cùng với biên phòng bảo vệ vững chắc vùng đất phên giậu của đất nước”.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của thiếu tá Phạm Thái Hoà – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Lạn (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La).

Đi xin công cụ sản xuất cho dân

Giới thiệu về chuyện đi xin công cụ sản xuất cho người dân, thiếu tá Phạm Thái Hoà - người nhiều năm gắn bó với Mường Lạn, cho hay: “Trong quá trình vận động quần chúng, nhận thấy đồng bào trong xã vẫn sản xuất nông nghiệp bằng cách thức lạc hậu, công cụ lao động thô sơ, chúng tôi rất trăn trở.

Đúng lúc đó có nhóm từ thiện “Vì ta cần nhau” ở Hà Nội bày tỏ ý định muốn tặng quà cho một số bản nghèo của xã. Từ trước đến nay, hầu hết các nhóm đến làm thiện đến đều tặng quần áo, bánh kẹo, gạo, dầu, mắm…

Những món quà đó rất quý, rất cần thiết nhưng cũng chỉ hỗ trợ được tạm thời cho người dân. Nhưng về lâu về dài, vẫn cần một phương thức hỗ trợ bà con dài hơi hơn. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, chúng tôi đã đề nghị cho nhóm tặng bà con công cụ sản xuất như: Cuốc, xẻng, dao quắm, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ đa năng, máy tách hạt ngô chạy bằng động cơ...”.

imgCán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn hướng dẫn người dân sử dụng máy tuốt lúa. ảnh: L.S

Ý tưởng đó nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhóm “Vì ta cần nhau”. Vào giữa tháng 9.2015, nhóm này đã phối hợp tới Đồn Mường Lạn tặng 286 hộ đồng bào Khơ Mú ở 2 bản Căng Có và Huổi Le, mỗi hộ 1 xẻng, 1 cuốc, 1 mai. Mỗi bản còn được tặng 4 máy phát cỏ có chức năng gặt lúa, 2 máy tách hạt ngô chạy bằng động cơ. Sau khi tặng máy cho bà con, cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng đã đến tận nơi hướng dẫn bà con sử dụng, cùng bà con gặt hái bằng máy mới.

Việc làm nhỏ, hiệu quả cao

"Đồng bào còn nghèo, miếng ăn, tấm áo cũng rất cần thiết. Nhưng những món quà đó chỉ giải quyết tạm thời – nó chỉ giống như “xâu cá” chống đói, quan trọng nhất vẫn là cho đồng bào cái “cần câu” để đồng bào có thể phát triển sản xuất với năng suất và chất lượng cao hơn”.

Thiếu tá Phạm Thái Hòa

Từ ngày có máy tách hạt ngô, đến mùa thu hoạch, gia đình ông Quàng Văn Chơ ở bản Căng Có nhàn nhã hơn rất nhiều. “Cái máy nhìn rất thô sơ, nhưng bằng sức rất nhiều người lao động. Cho bắp ngô vào đầu này, ngô hạt lại ùn ùn ra đầu kia. Ngô trồng ra, thu hoạch xong, phơi khô, tách hạt đóng vào bao, cất trong nhà, chờ được giá rồi đem bán, đỡ rất nhiều công sức mà lại nhanh và ít thất thoát” – ông Chơ cho hay.

Từ kinh nghiệm trên, nhiều chuyến từ thiện sau này của các tổ chức, đơn vị khác, đồn cũng hướng họ tặng công cụ sản xuất cho đồng bào. Nên mới đây, Hội Phụ nữ của 4 bản trong xã đã nhận được những chiếc máy tuốt lúa đa năng do các tổ chức trao tặng. Trước đây, các chị em trong bản chỉ biết cắt lúa bằng liềm, đập lúa bằng tay. Nhiều người quần quật trên đồng cả ngày cũng không gặt được hết một cánh đồng. Chiếc máy tuốt lúa đã giải phóng sức lao động cho bà con, công việc cũng đỡ nặng nhọc hơn nhiều, giúp họ nâng cao năng suất, tiếp cận dần với cơ giới hoá, thay đổi tư duy sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem