Cuộc đua khốc liệt của thị trường trái cây Việt Nam

Danh Hùng Thứ ba, ngày 29/01/2019 08:44 AM (GMT+7)
Xuất khẩu trái cây không phải là điều khó, nhưng “vượt rào” và vững chân ở những thị trường khó tính của thế giới lại là điều không đơn giản. Từ câu chuyện của quả chanh leo, có thể thấy, chúng ta hoàn toàn có thể đưa bất cứ nông sản nào... đi Tây nếu chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bình luận 0

Chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại đầu tiên

Tháng 11.2017, những trái chanh leo đầu tiên xuất ngoại sang châu Âu – một thị trường khó tính với những quy định khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Nafoods Tây Bắc (Công ty con của Tập đoàn Nafoods) tiến hành đóng gói 2 tấn chanh leo quả tươi đầu tiên để chuyển xuất khẩu sang bán tại Pháp bằng đường hàng không.

img

Kiểm tra chất lượng chanh leo trước khi xuất khẩu. Ảnh: I.T

"Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nếu có được sự hỗ trợ về vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới có đủ tiềm lực để liên kết với nông dân, xây dựng chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn thương hiệu cho sản phẩm”.

Bà Ngô Tường Vy

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods nhớ lại: "Nafoods đã lên và có thỏa thuận với Chủ tịch UBND tỉnh nhân dịp Tây Bắc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Nafoods đã tiến hành thành lập Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Điều rất đặc biệt là sau khi trồng tại Mộc Châu cho thấy chanh leo rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Tây Bắc".

Chuỗi liên kết 4 nhà được hình thành trên cơ sở vững chắc. Chính quyền địa phương cam kết với sự phối hợp của doanh nghiệp để phát triển kinh tế địa phương. Để có chanh leo sạch, nông dân thị trấn Nông trường Mộc Châu trồng theo hướng chuyên canh tập trung và sản xuất an toàn.

Vườn chanh được tưới đều đặn hàng ngày bằng hệ thống vòi phun. Nhờ điều kiện thích hợp, cây chanh leo nhanh chóng bén rễ và phát triển xanh tốt trên đất đồi cao nguyên. Chỉ nhờ nước tưới và phân hữu cơ, sau khoảng 4 tháng trồng có thể cho ra vụ đầu tiên.

Tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) cây chanh leo cũng trở thành cây xóa đói giảm nghèo và đang được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện, người dân xã Tri Lễ đang thu hoạch mẻ chanh leo đầu tiên của năm mới 2019.

Trong vòng 8 năm, diện tích trồng chanh leo của xã đã tăng từ 3ha lên 210ha. Chắc rằng không ít người sẽ ngạc nhiên khi được biết những quả chanh leo của bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An, giáp Lào này đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất trên thế giới như: Pháp, Canada…

Mỗi năm, hơn 60.000 tấn chanh leo được chở tới Công ty cổ phần Nafoods Group để chế biến. 9.000 tấn thành phẩm được xuất đi từ nhà máy này, góp phần không nhỏ giúp Việt Nam chỉ trong vòng hơn 10 năm qua vươn lên trở thành một trong những cường quốc về chanh leo, chiếm 10% sản lượng trên toàn thế giới.

Cuộc đua khốc liệt

Câu chuyện về quả chanh leo phần nào minh chứng cho quá trình tăng trưởng của ngành xuất khẩu trái cây. Chất lượng sản phẩm rất cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Song song đó là tính hiệu quả về xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng như sự kết nối, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu và với chuỗi tiêu thụ của các nước.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng thực hiện được như Nafood. Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), để vào được các thị trường khó tính, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, và đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu.

Là một đơn vị xuất khẩu gần 1.000 container/năm thanh long, nhãn, chôm chôm vào thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty T&T Vina cho biết, thông thường, trong 10 tấn sản phẩm thì chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Tùng, mặc dù Mỹ kiểm soát chặt chẽ trái cây tươi nhập khẩu về dư lượng thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn nhưng nếu doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định thì sẽ được thông quan hàng hóa rất nhanh.

Nhưng chỉ cần một lần sản phẩm bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh, sẽ bị kiểm tra toàn bộ lô hàng khiến cho thời gian tồn giữ trái cây bị kéo dài, mất cơ hội tiêu thụ, và thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem