Thái Nguyên: Cụm di tích hơn 300 tuổi gắn với sự tích lạ hút hàng triệu lượt khách dịp đầu Xuân

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ ba, ngày 31/01/2023 06:43 AM (GMT+7)
Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối (xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nổi tiếng linh thiêng thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, chiêm bái mỗi dịp đầu năm mới.
Bình luận 0

Ông Vũ Đình Thực - thành viên Ban quản lý cụm di tích Đình, Đền, Chùa Cầu Muối chia sẻ về giá trị lịch sử và văn hóa của cụm di tích. (Clip: Hà Thanh)

Được mệnh danh là điểm đến tâm linh nổi tiếng và linh thiêng "cầu gì được nấy", mỗi dịp đầu Xuân năm mới, cụm di tích Đình – Đền – Chùa Cầu Muối thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi về hành hương, bái lễ.

Năm nay, theo đánh giá của Ban quản lý di tích, lượng khách đến đây đông gấp 2 – 3 lần những năm trước, ước tính khoảng 1 triệu lượt người trong dịp đầu Xuân.

Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối được xây dựng từ thời Hậu Lê, năm 1719 tức năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh. Cụm di tích gồm 1 đình, 2 đền và 1 chùa. Theo đó, đình thờ Thành hoàng Cao Sơn Quý Đại Vương (Dương Tự Minh), người có công giúp vua Lý chống giặc Tống. Bên cạnh đó, chùa thờ Phật, còn 2 ngôi đền gồm đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đền thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. 

Thái Nguyên: Cụm di tích có tuổi đời hơn 300 năm gắn với sự tích lạ thu hút hàng triệu lượt khách dịp đầu xuân - Ảnh 2.

Chùa Cầu Muối là một trong bốn điểm nằm trong cụm di tích Đình, Đền, Chùa Cầu Muối thu hút nhiều lượt du khách đến chiêm bái trong dịp đầu Xuân năm mới. (Ảnh: Hà Thanh)

Trải qua thời gian, nơi đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương. Ngoài giá trị về mặt tâm linh, nơi đây còn gắn liền với giá trị lịch sử cách mạng của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tương truyền rằng, cách đây khoảng 300 trăm có 2 mẹ con nhà nọ đi bán muối, đi đến khu đền Công Đồng ngự trị bây giờ, lúc đó dân ở thưa thớt nên rừng cây um tùm, rậm rạp, nhiều thú dữ. Đến đó 2 mẹ con thấy mệt và khát nước, người mẹ ngồi nghỉ đợi con đi lấy nước. Nhưng đợi mãi không thấy người con quay lại, người mẹ mới đi tìm con.

Thái Nguyên: Cụm di tích có tuổi đời hơn 300 năm gắn với sự tích lạ thu hút hàng triệu lượt khách dịp đầu xuân - Ảnh 3.

Du khách thập phương đến thắp hương tại Đền Công Đồng, nơi gắn với sự tích về hai mẹ con người bán muối. (Ảnh: Hà Thanh)

Tìm đến nơi thì đã thấy con bị hổ vồ chết nhưng không bị ăn thịt, đúng lúc đó người mẹ cũng bị hổ vồ chết theo. Lạ thay chưa đầy một ngày mà mối đã đùn đắp đất đầy lên người 2 mẹ con, chỉ để hở mỗi 2 bàn chân. Dân làng thấy vậy coi đây là việc lạ nên đã lập đền thờ và trông coi cẩn thận.

Cũng tương truyền kể lại, vào thời gian đó, linh hồn 2 mẹ con về báo mộng cho người dân trong làng phải lập nên một ngôi đền để thờ cúng. Và từ đó, ngôi đền được sơ khai xây dựng lên bên trong hậu cung, ngay dưới tượng thờ Quan Hổ là mộ thật của Thánh Mẫu.

Thái Nguyên: Cụm di tích có tuổi đời hơn 300 năm gắn với sự tích lạ thu hút hàng triệu lượt khách dịp đầu xuân - Ảnh 4.

Đền Công Đồng, nơi thờ Thánh Mẫu được coi là vô cùng linh thiêng. (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện nay, tại cụm di tích này còn lưu giữ lại một số hiện vật cổ mang giá trị như: Chiêng núm đồng, chuông nhí đồng, giá văn tế, nhang án, ngai thờ, cối đá, 5 bát hương gốm cổ, 23 pho tượng và cây hương đá được lập vào năm 1719. Đặc biệt trước cửa chùa còn có cây Trâm Mai cổ thụ đã hơn 300 năm tuổi cành lá sum sê tỏa bóng, gắn với nhiều chi tiết li kì, thần thoại.

Hằng năm cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ khai hội đầu Xuân để tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Trong lễ khai hội, sau nghi lễ rước kiệu, tế thần và dâng hương là các hoạt động vui chơi, giải trí với các màn hát múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cùng các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy…

Chị Đàm Thị Thanh Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, đây là lần thứ hai chị đến với nơi này nhưng chị cảm nhận rõ nét sự khác biệt về cảnh quan và môi trường ở đây. Năm nay, môi trường sạch sẽ, không khí trong lành hơn hẳn. Đến với cụm di tích, chị Minh mong muốn cầu bình an, sức khỏe cho cả gia đình.

Thái Nguyên: Cụm di tích có tuổi đời hơn 300 năm gắn với sự tích lạ thu hút hàng triệu lượt khách dịp đầu xuân - Ảnh 5.

Hằng năm cứ vào mùng 4 tháng Giêng, nhân dân trong vùng lại tổ chức khai hội đầu Xuân tại cụm di tích Đình, Đền, Chùa Cầu Muối. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Vũ Đình Thực, Trưởng Ban Hội tự, thành viên Ban quản lý cụm di tích Đình – Đền – Chùa Cầu Muối cho biết, cụm di tích có tổng diện tích 36,7ha. Năm 2005, cụm di tích này được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và sau 3 năm thì được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp.

Trước đây, lễ khai hội Đình – Đền – Chùa Cầu Muối được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2005 trở đi đã có sự thay đổi và chuyển sang khai hội vào ngày mùng 4 tháng Giêng.

Từ năm 2012, đối với người dân có nhu cầu viết sớ, ban quản lý sẽ không đặt mức phí cụ thể mà tùy tâm của du khách.

Thái Nguyên: Cụm di tích có tuổi đời hơn 300 năm gắn với sự tích lạ thu hút hàng triệu lượt khách dịp đầu xuân - Ảnh 6.

Năm nay, du khách đến với cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối có sự phấn khởi và đông đúc hơn hẳn. (Ảnh: Hà Thanh)

Cũng theo ông Thực, lượng du khách đến tham quan, bái lễ hằng năm tại cụm di tích Đình – Đền – Chùa Cầu Muối rất đông, tuy nhiên, hiện nay điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Do đó, ông Thực mong muốn trong thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường sá để người dân và du khách thập phương đi lại được thuận tiện, đồng thời thu hút đông đảo hơn nữa du khách đến với cụm di tích này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem