Thái Nguyên: Nuôi cá chép đỏ bán ngày Tết ông Công ông Táo

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 14/01/2023 11:15 AM (GMT+7)
Để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết ông Công ông Táo, ngay từ những ngày 21 tháng Chạp, gia đình chị Kiều Thị Phú (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã đánh bắt cá chép đỏ để xuất bán cho các thương lái.
Bình luận 0

Nhiều năm nay, gia đình chị Kiều Thị Phú (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã nuôi các loại cá quy mô lớn, trong đó có cá chép đỏ để phục vụ Tết ông Công, ông Táo hằng năm.

Chị Phú chia sẻ về mô hình chăn nuôi cá của gia đình mình (Clip: Hà Thanh)

Cũng giống như những năm trước, từ sáng sớm tinh mơ 22 tháng Chạp, gia đình chị Phú đã bắt đầu đánh những mẻ cá chép đỏ đầu tiên lên bể để chờ thương lái đến lấy hàng.

Vừa đánh cá lên bể và phân loại kích cỡ, chị Phú vừa cho biết: "Gia đình tôi đã nuôi cá chép đỏ từ nhiều năm nay. Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị đến Tết ông Công ông Táo là cả gia đình tôi lại tất bật vài ngày để đánh cá lên các bể phục vụ khách hàng".

Thái Nguyên: Người nuôi cá chuẩn bị gì cho ngày Tết ông Công ông Táo? - Ảnh 2.

Cá chép đỏ được vợt đưa lên bể để chờ thương lái đến lấy (Ảnh: NVCC)

Năm nay gia đình chị Phú bắt đầu xuất bán lứa cá chép đỏ đầu tiên từ ngày 21 tháng Chạp, chủ yếu bán buôn cho thương lái. Năm ngoái, gia đình chị xuất bán được khoảng 4 tạ cá chép đỏ, thời điểm giá cao lên tới 250.000 đồng/kg.

Tuy nhiên năm nay do kinh tế khó khăn, thị trường có vẻ ảm đạm hơn nên gia đình chị cũng nuôi ít hơn, chỉ khoảng 3 tạ. Giá cá chép đỏ năm nay cũng thấp hơn, chỉ bằng một nửa của năm trước. 

Hiện tại gia đình đang bán buôn với giá trung bình 120.000 đồng/kg cá chép đỏ. Tuỳ theo kích cỡ mà giá bán cũng có sự biến động. 

Thái Nguyên: Người nuôi cá chuẩn bị gì cho ngày Tết ông Công ông Táo? - Ảnh 3.

Năm nay gia đình chị Phú chỉ nuôi khoảng 3 tạ cá chép đỏ, còn lại là các loại cá khác như: mè, trắm, trôi, chim (Ảnh: Hà Thanh)

Chị Phú chia sẻ: "Việc nuôi cá chép đỏ cũng khá đơn giản như những loại cá khác, chế độ ăn uống cũng không quá cầu kỳ. Thức ăn chủ yếu vẫn là hỗn hợp các loại tinh bột. Cá chép đỏ không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. So với cá chép trắng, cá chép đỏ ít khi bị bệnh hơn. Điều quan trọng nhất là phải tiêm vắc xin phòng bệnh cho cá trong quá trình nuôi."

Để phục vụ cá chép đỏ cho ngày 23 tháng Chạp, gia đình chị nuôi cá bố mẹ quanh năm, tự ấp nở rồi bán cá con. Bắt đầu khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch, gia đình chị bắt đầu phối giống cho cá hoặc mua cá hương về thả. Thời điểm này, tỷ lệ ấp nở của cá sẽ đạt cao hơn so với lúc ra Giêng. Sau khoảng 5 – 6 tháng, khi cá đạt trọng lượng trung bình khoảng 45 – 50 con/kg thì bắt đầu xuất bán.

Thái Nguyên: Người nuôi cá chuẩn bị gì cho ngày Tết ông Công ông Táo? - Ảnh 3.

Sau khoảng 5 -6 tháng nuôi, khi những con cá chép đỏ đạt trọng lượng trung bình khoảng 35 - 50 con/kg sẽ được xuất bán (Ảnh: NVCC)

Với tình hình giá cả như hiện tại, dự tính gia đình chị Phú thu về khoảng trên 30 triệu đồng từ 3 tạ cá chép đỏ.

Ngoài nuôi cá chép đỏ, gia đình chị Phú còn có kinh nghiệm nuôi các loại cá bố mẹ và làm cá bột với quy mô lớn. Khác với cá chép đỏ, năm nay, cá thịt được giá hơn. Trung bình mỗi năm thu nhập từ nuôi cá của gia đình chị đạt khoảng vài tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem