Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, sản lượng đạt 32 triệu tấn vào năm 2030

Thiên Hương Thứ ba, ngày 19/12/2023 18:40 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030. Đề án nhằm tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước đảm bảo chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và giảm dần nhập khẩu...
Bình luận 0

Đề án này nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Đổi mới trình độ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi

Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 phấn đấu công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế như: Chế biến vi sinh vật, enzyme, thảo dược, các loại hợp chất thiên nhiên, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, khoáng tự nhiên..., nhằm cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu vào năm 2025 và 30-35% vào năm 2030. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm... làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030; đáp ứng tối thiểu 70% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh. Mở rộng một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu.

Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, sản lượng đạt 32 triệu tấn vào năm 2030 - Ảnh 1.

Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 nhằm tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước đảm bảo chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và giảm dần nhập khẩu... Ảnh: T.L

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra nhiệm vụ, giải pháp về phát triển và đổi mới trình độ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại vùng có định hướng phát triển chăn nuôi. 

Trong đó, rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị gắn với vùng phát triển chăn nuôi; đánh giá thực trạng về công nghệ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay để khuyến cáo đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở vùng đang còn không gian chăn nuôi lớn; hạn chế mở mới và mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở khu vực đang có mật độ chăn nuôi và mật độ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cao.

Song song đó, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về: Phát triển công nghiệp sản xuất các loại thức ăn bổ sung và chế biến các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu.

Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, sản lượng đạt 32 triệu tấn vào năm 2030 - Ảnh 2.

Theo Cục Chăn nuôi, cả nước hiện có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn; sản lượng sản xuất thực tế đạt 20,8 triệu tấn trong năm 2022. Ảnh: T.L

Đặc biệt khi triển khai Đề án này, cần ưu tiên các nhiệm vụ, dự án sau: Đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố: Căn cứ nội dung Đề án, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương; chỉ đạo tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt kế hoạch và kinh phí triển khai các nội dung của Đề án; trình HĐND cấp tỉnh tập trung bố trí vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định. 

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án tại địa phương, hàng năm tổng họp báo cáo tình hình thực hiện Đề án của địa phương gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác truyền thông đến toàn thể người dân được biết và phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án này trên phạm vi địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem