Chuyên gia khuyến cáo chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho người đái tháo đường

Diệu Linh Thứ hai, ngày 12/12/2022 06:05 AM (GMT+7)
Theo TS, bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người đái tháo đường có thể làm giảm triệu chứng bệnh, tránh các biến chứng nhờ chế độ ăn uống, luyện tập đúng cách.
Bình luận 0

Theo TS Phan Hướng Dương, thay đổi lối sống, thực hành ăn uống khoa học, hợp lý, tăng cường luyện tập thể dục là cách tốt nhất để người bệnh đái tháo đường tránh được các biến chứng.

Người bệnh đái tháo đường cần thay đổi hành vi ăn uống

TS Dương khuyến cáo:

- Người bệnh cần biết đọc các nhãn mác các sản phẩm dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm, tự theo dõi và ngừng ăn vặt, bỏ bữa;

- Chỉ ăn khi cảm thấy đói và dừng lại khi cảm thấy no;

- Ngồi xuống bàn khi ăn (không đứng hoặc đang đi) và không làm việc gì khác: xem tivi, xem điện thoại, nghe đài, đọc sách…

- Hãy ăn chậm và thưởng thức bữa ăn, chú ý mùi vị, hương vị, thành phần và nhiệt độ món ăn

Chuyên gia khuyến cáo chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho người đái tháo đường - Ảnh 1.

Thực hành ăn uống khoa học, hợp lý, tăng cường luyện tập thể dục là cách tốt nhất để người bệnh đái tháo đường tránh được các biến chứng (Kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh. Ảnh BVCC)

Người đái tháo đường cần tăng cường vận động thể lực

- Tăng cường vận động hàng ngày, tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động: hạn chế xem tivi, chơi điện tử, đi cầu thang bộ thay vì cầu thang máy, làm việc gia đình, làm vườn…

- Vận động thể lực thường xuyên có thể cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa ở người trưởng thành thừa cân, béo phì, các rối loạn tâm sinh lý (trầm cảm, lo âu…).

- Người bệnh được khuyến khích tập thường xuyên, ít nhất là 30 phút/ngày với cường độ vận động trung bình như: đi bộ nhanh, chạy, bơi, đạp xe đạp tốc độ trung bình.

Chuyên gia khuyến cáo chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho người đái tháo đường - Ảnh 2.

Ngồi nhiều, ít vận động, ăn nhiều đồ ăn sẵn, nước uống có đường là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ đái tháo đường. Ảnh minh họa Istockphoto

"Đái tháo đường là một bệnh mạn tính mà dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị. Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh không nhất thiết phải "kiêng khem" quá mức như mọi người từng nghĩ.

Người bệnh cần hiểu rõ được tầm quan trọng của dinh dưỡng điều trị, biết cách phân bố bữa ăn hợp lý và lựa chọn thực phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Người bệnh đái tháo đường vẫn có thể đảm bảo khẩu vị bằng các thực đơn đa dạng, phong phú với đầy đủ các nhóm thực phẩm mà vẫn duy trì được mức đường huyết ổn định lâu dài", TS Dương nhấn mạnh.

Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.

Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%.

Đáng lưu ý, có hơn 55% bệnh nhân đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ, bệnh đái tháo đường đang gia tăng phần nhiều do lối sống hiện đại. Thói quen ăn nhiều thức ăn nhanh, lười vận động gây thừa cân, béo phì và làm gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

"Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó", TS Dương nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem