Chuyển đổi số nhìn từ những nông dân livestream bán hàng ở vùng cao: 30 phút bán 8 tạ quýt

Tố Loan Thứ hai, ngày 29/11/2021 11:00 AM (GMT+7)
Ma Thị Chú (ở xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai) rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số, nhưng bản thân cô cũng như nhiều nông dân khác ở xã đã trực tiếp tham gia quá trình chuyển đổi số từ 2 năm nay, thông qua việc bán hàng livestream trên mạng.
Bình luận 0

30 phút bán gọn 8 tạ quýt

Những ngày này, các vườn quýt ở Mường Khương đang chín rộ. Nếu trước kia bà con phải thu hoạch, mang quýt xuống chợ huyện hoặc chờ thương lái đến vườn thu mua, thì nay nhiều hộ đã có cách làm khác là tự livestream bán hàng, chốt đơn nhanh chóng qua mạng.

Ma Thị Chú chính là một trong những người đầu tiên mạnh dạn bán hàng kiểu này, cô bảo: "Những năm trước khi quýt vườn nhà chín, em chỉ đăng lên mạng cho vui thôi, nhưng nhiều người comment hỏi mua, rồi họ yêu cầu chụp ảnh, quay video. Từ đó em nghĩ tại sao không livestream trực tiếp cho khách xem".

Chuyển đổi số từ mỗi mảnh vườn thửa ruộng (bài 2): Livestream bán hàng từ vùng cao - Ảnh 1.

Ma Thị Chú trong buổi livestream bán quýt, ảnh cắt từ clip. FB Ma Thị Chú

Thế là 2 năm nay, Ma Thị Chú tập trung xây dựng fanpage, trang Facebook cá nhân để bán hàng. Ngoài sản phẩm của gia đình, cô còn hỗ trợ bán thêm nhiều sản phẩm khác của bà con nông dân trong xã.

Ông Giàng Quốc Hưng - Bí thư Huyện ủy Mường Khương (Lào Cai) cho biết, thời gian qua, chính quyền và người dân tích cực, chủ động xây dựng và tham gia các sàn giao dịch điện tử để kết nối các mặt hàng nông sản của địa phương đến với các địa bàn trong nước cũng như nước ngoài. Nhờ đó, các mặt hàng nông sản của địa phương đã giải quyết tốt đầu ra, đảm bảo đời sống của nhân dân.

Page (trang) chuyên bán hàng của Chú có hơn 17.000 lượt người thích, hơn 32.000 lượt người theo dõi, chính vì thế Chú bán hàng cứ "vèo vèo". Mỗi lần livestream bán quýt, Chú đều "chốt đơn" đều đặn 5-6 tạ, cao điểm có thể lên tới 8 tạ quýt/ngày. Quả thực là những con số trong mơ.

Toàn huyện Mường Khương hiện có khoảng 650ha quýt, trong đó có

250ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bán hàng qua mạng đang giúp địa phương tiêu thụ được khoảng 800 tấn trên tổng số 3.000 tấn thu hoạch của cả huyện. Con số này cho thấy hiệu quả của việc làm mà trước đây kể cả Ma Thị Chú cũng như nhiều nông dân khác không mấy tin tưởng.

Chuyển đổi số từ mỗi mảnh vườn thửa ruộng (bài 2): Livestream bán hàng từ vùng cao - Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Hoa (ở thị trấn Tủa Chùa, Tủa Chùa, Điện Biên) livestream bán hàng tại chợ phiên. Ảnh: T.L

Cũng không rành "chuyển đổi số" là gì, nhưng từ 2 năm nay, nông dân huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đi chợ phiên cuối tuần, ngoài hàng hóa ra, họ không thể thiếu điện thoại di động. Trước đây chị Bùi Thị Hoa đi chợ chủ yếu để trao đổi hàng hóa, hoặc bán những sản phẩm nhà chị có: măng, mật ong, các loại nông sản khô... 

Nhưng chợ phiên chỉ họp ngày cuối tuần, còn hàng thì tồn quanh năm. Từ đó, chị Hoa nghĩ nên giới thiệu các sản phẩm đó trên trang cá nhân. Nhưng cách quảng bá đơn thuần trên Facebook cá nhân cũng không có hiệu quả cao.

Chị bắt đầu tham gia các hội nhóm chuyên trao đổi, buôn bán nông sản. Chị chọn cách livestream để nhiều người biết đến sản phẩm của mình hơn. Không ngờ cách tiếp cận này được nhiều người đón nhận, học theo. Nhờ đó các đơn hàng của chị cũng ngày một nhiều hơn.

Chuyển đổi số từ mỗi mảnh vườn thửa ruộng (bài 2): Livestream bán hàng từ vùng cao - Ảnh 4.

Đa phần người đi chợ phiên Tủa Chùa đều mang theo điện thoại thông minh có kết nối internet để tiện cho việc livestream, bán hàng. Ảnh: TL

Giờ đây cứ đến phiên chợ cuối tuần thì không chỉ có chị Hoa mà rất nhiều nông dân, tiểu thương khác cũng lựa chọn cách tiếp cận với khách hàng thông qua mạng xã hội, thay vì trông chờ khách đến mua trực tiếp. Mỗi người một kiểu giới thiệu khác nhau, một cách quảng bá khác nhau, nhưng họ đều dựa trên nền tảng mạng xã hội, thông qua việc kết nối internet và kết nối các hội nhóm mua bán trên không gian mạng.

Chính điều này đã làm nên sự khác biệt ở một phiên chợ vùng cao, nơi mà trước đây, trong suy nghĩ của nhiều người chỉ đơn thuần là phiên chợ mua bán, trao đổi nông sản, thực phẩm của nông dân các dân tộc thiểu số. Vì thế ngoài những lợi ích về thúc đẩy phát triển kinh tế, nó còn mang màu sắc văn hóa độc đáo, thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của nhiều du khách.

Đừng để nông dân 1 mình

Theo Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, để kinh doanh trên nền tảng số, nông dân phải giỏi từ kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trên mạng và điều quan trọng là chữ tín. Chuyên gia về bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng: "Mất lòng tin là mất tất cả, chính vì vậy để có thể xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, duy trì lượng khách hàng ổn định và ngày càng mở rộng, chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết, nhất là với hàng nông sản".

Tuy nhiên, "quãng đường" đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử của người nông dân cũng còn không ít gian nan. Cụ thể, nông sản phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, kiểm định hàng hóa do các sàn đặt ra, đồng thời "vòng đời" ngắn ngủi của hàng nông sản cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc lên sàn gặp khó khăn. 

"Cần cải thiện những điểm hạn chế này để có thể thúc đẩy việc đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đây không chỉ là kênh tiêu thụ nông sản đầy tiềm năng mà còn là "tấm vé" để gián tiếp xuất khẩu hàng nông sản ra thị trường thế giới"- ông Phú nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng khẳng định: Sẽ cử người đến tận nơi đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm quen với thương mại điện tử, hướng dẫn từ cách chụp ảnh sản phẩm, viết content quảng cáo, lựa chọn kênh bán, livestream... 

Các nhân viên bưu điện hướng dẫn, đào tạo bà con trở thành một chủ doanh nghiệp, chủ động nắm thông tin thị trường, mở rộng kênh phân phối, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng và biết kinh doanh online thực thụ. 


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem