Chủ tịch quận Cẩm Lệ bị cáo buộc nhận hối lộ, đối mặt khung hình phạt nào?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 09/04/2023 11:56 AM (GMT+7)
Ông Hồ Văn Khoa - Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến dự án nạo bùn hệ thống thoát nước. Theo luật sư, nếu bị chứng minh có tội, ông này có thể phải đối mặt với khung hình phạt rất nặng.
Bình luận 0

Công an Đà Nẵng bắt Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ

Công an TP. Đà Nẵng đã thực hiện quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Hồ Văn Khoa - Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ và ông Trần Phước Mỹ  - Phó Phòng Quản lý đô thị UBND quận Cẩm Lệ.

Chủ tịch quận Cẩm Lệ bị cáo buộc nhận hối lộ, đối mặt khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Hồ Văn Khoa. Ảnh: CACC

Hai người này bị cáo buộc Nhận hối lộ, theo khoản 4, Điều 354 BLHS. Các quyết định tố tụng đã được VKSND Đà Nẵng phê chuẩn.

Theo công an, việc thực hiện các quyết định trên là diễn biến mới nhất khi cơ quan chức năng mở rộng điều tra vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến việc đấu thầu và thi công gói thầu nạo vét hệ thống cống thoát nước trên địa bàn quận Cẩm Lệ.

Theo xác minh ban đầu, Chủ tịch UBND quận Hồ Văn Khoa và một số cá nhân khác đã nhận hối lộ gần 3 tỷ đồng từ Công ty TNHH Thy Nghĩa Hưng (có trụ sở tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Mục đích của việc nhận hối lộ là để giúp doanh nghiệp này trúng một số gói thầu trên địa bàn.

Đối mặt khung hình phạt cao nhất của tội nhận hối lộ

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin ban đầu, thấy việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các bị can là đúng quy định pháp luật, đúng trình tự, thủ tục.

Vị luật sư phân tích, theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền.

Chủ thể của tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

Khách thể của tội nhận hối lộ là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.

Người phạm tội nhận hối lộ thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là, họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Theo luật sư Khuyên, người thực hiện hành vi nhân hối lộ thuộc một trong bốn hành vi sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Và cuối cùng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác lợi ích phi vật chất, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Từ bình luận trên, vị luật sư cho biết, trong vụ án này, ông Hồ Văn Khoa và ông Trần Phước Mỹ bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền gần 3 tỷ đồng.

Như vậy, nếu bị chứng minh có tội, với số tiền trên, hai người này sẽ bị truy tố theo khoản 4, Điều 354 với khung hình phạt là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem