Vụ giòi bò lúc nhúc trong pate ở Thái Bình có thể xử lý như thế nào?

Phi Long Thứ sáu, ngày 10/05/2024 14:51 PM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh trả lời vấn đề pháp lý này như sau:
Bình luận 0

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, trên các phương tiện báo chí truyền thông hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều những tin tức hình ảnh về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển trong các loại đồ ăn, thức uống. Bên cạnh đó, việc các cơ sở sử dụng sản phẩm không bảo đảm vệ sinh, không rõ nguồn gốc đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, thậm chí tính mạng.

Vụ giòi bò lúc nhúc trong pate ở Thái Bình có thể xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Đại diện chuỗi hệ thống bánh mỳ chảo Cột Điện Quán cho biết: Ban quản trị chuỗi bánh mì chảo này đã quyết định đình chỉ vĩnh viễn hoạt động của cơ sở ở Thái Bình vì đã không tuân thủ các nội quy và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của chuỗi, đồng thời chưa quản lý sát sao nhân viên trong quá trình bảo quản nguyên liệu. Ảnh IT

Gần đây nhất là vụ giòi bò lúc nhúc trong pate tại quán bánh mỳ chảo ở Thái Bình. Cụ thể, ngày 8/5, đoạn video ghi lại hình ảnh những thực khách khi đến thưởng thức món bánh mì chảo tại Bánh mì chảo Cột Điện Quán cơ sở Thái Bình đã thấy những con dòi bò lúc nhúc trong miếng pate. Thực khách thấy vậy đã tá hỏa đứng dậy nói không ăn nữa. Dù nhân viên đề nghị đổi chảo mới, nhưng nhóm khách vẫn từ chối việc tiếp tục dùng bữa và rời đi.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Đề Thám, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đến tối 9/5, đoàn kiểm tra liên ngành của phường vẫn chưa liên hệ được với chủ cơ sở bánh mì chảo ở Thái Bình. Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục liên hệ để làm rõ thông tin và xử lý theo quy định.

Trước đó, đã có vụ ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai được cho là từ việc ăn bánh mì khiến hơn 568 người nhập viện.

Đây là dấu hiệu đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như lời nhắc nhở giúp nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề này. Qua đó, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cũng được quan tâm.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết; Theo Luật An toàn thực phẩm 2010, khái niệm an toàn thực phẩm như sau: An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Đối với trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì sẽ dựa vào tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý vi phạm khác nhau. Đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, phải bồi thường và khắc phục hậu quả nếu gây ra thiệt hại. (Căn cứ theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm ).

Vậy kinh doanh thực phẩm như thế nào là an toàn thực phẩm?

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngoài có giấy phép kinh doanh còn phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Trong quá trình hoạt động cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác của pháp luật.

Hình thức xử phạt hành chính đối với vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ các trường hợp khác theo quy định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

Vụ giòi bò lúc nhúc trong pate ở Thái Bình có thể xử lý như thế nào?- Ảnh 2.

Vụ giòi bò lúc nhúc trong pate ở Thái Bình sẽ xử lý như thế nào?

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm cho người khác mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội có thể chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, hiện nay tình trạng kinh doanh thực phẩm không giấy phép, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là chuyện khá phổ biến của gần như ở các địa phương trên cả nước. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, lựa chọn cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp xử lý nghiêm ngặt, tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem