Chủ tịch Hội Nông dân xã giúp đặc sản trà Phú Hội tìm lại thời vàng son, bán gần 1 triệu/kg trà đặc sản

Trần Khánh Thứ tư, ngày 02/03/2022 06:30 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là nhân tố tích cực tham gia vào nỗ lực gìn giữ, hồi sinh danh tiếng và hương vị đặc trưng của trà Phú Hội - trà đặc sản nổi tiếng nơi đây.
Bình luận 0

Từ việc đưa trà Phú Hội tham gia đề án OCOP (mỗi xã một sản phẩm), rồi tổ chức thương mại hóa, nỗ lực của cán bộ Hội Nông dân đang giúp trà Phú Hội lấy lại danh tiếng sau thời gian dài mai một.

Hồi sinh danh tiếng trà Phú Hội

Gia đình ông Nguyễn Huy Sang vốn có kinh nghiệm trồng trà Phú Hội qua nhiều thế hệ. Thời gian công tác ở Hội Nông dân giúp ông có điều kiện bao quát về thị trường tiêu thụ các loại trà, trong đó có trà Phú Hội.

Trà Phú Hội từng là đặc sản nổi tiếng vùng Nhơn Trạch. Nhưng đó là câu chuyện trước ngày đất nước giải phóng. Hồi đó, diện tích trà Phú Hội đạt khoảng 50ha.

Người dân trồng trà Phú Hội ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ảnh: Trần Đáng

Người dân trồng trà Phú Hội ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ảnh: Trần Đáng

Sau năm 1975, cây trà và nghề rang, ướp trà vẫn còn trong dân. Tuy nhiên, cây trà Phú Hội đem lại thu nhập không cao bằng lúc trước. Diện tích trồng trà thu thu hẹp, chỉ còn 5-7ha.

Người dân Phú Hội lần lượt bỏ hoang vườn trà, hoặc chuyển đất trồng trà sang trồng các cây ăn trái khác. Vì thế, nghề rang, ướp trà thủ công chỉ còn được duy trì ở những hộ không nỡ bỏ nghề. Chỉ vài năm trở lại đây, khi danh tiếng trà Phú Hội được nhiều người nhắc nhớ trở lại, thì vùng trà ngày xưa tìm thấy cơ hội hồi sinh.

Ông Sang là người mạnh dạn đề xuất ý tưởng khôi phục vùng nguyên liệu trà Phú Hội, giúp đặc sản quê nhà tìm trở lại thời vàng son.

Đầu năm 2019, Hội Nông dân xã đã thông qua kế hoạch thành lập tổ hợp tác trồng trà Phú Hội.

Ông Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: T.L

Ông Sang cho biết, toàn xã hiện có 32 hộ trồng, trong đó có 18 hộ đang là hội viên trong Tổ hợp tác. Hiện nay, diện tích trồng trà trên toàn xã khoảng 10ha.

Hội Nông dân xã đang tiếp tục vận động hội viên tận dụng đất tại các khu triền đồi, để mở rộng mô hình trồng trà Phú Hội theo hướng bền vững.

Tạo dựng thương hiệu trà Phú Hội

Trà khô Phú Hội được chế biến thủ công hiện có mức giá khá cao, từ 600.000-900.000 đồng/kg trà thành phẩm.

Ông Đặng Thanh Phong đang trồng 0,4ha trà ở xã Phú Hội cho biết, mỗi tháng, ông thu hoạch từ 10-20 kg trà.  

Trà gia đình ông chế biến không đủ để bán. Bởi vậy, trà Phú Hội nay trở thành mặt hàng cao giá, không còn bình dân và dễ mua như trước nữa.

Tuy nhiên, các hộ buôn bán trà đều theo dạng nhỏ lẻ và gia đình tự sản xuất là chủ yếu. Việc gầy dựng lại thương hiệu trà Phú Hội trên thị trường thì hầu như chưa có ai làm được.

Tổ chức thương mại hóa sao cho bài bài bản là bước đi tiếp theo mà người đứng đầu Hội Nông dân xã Phú Hội phải tính đến.

Ông Sang giới thiệu sản phẩm trà Phú Hội. Ảnh: NVCC

Ông Sang giới thiệu sản phẩm trà Phú Hội. Ảnh: NVCC

Ông Sang mò mẫn thực hiện từng bước một, từ khâu đăng ký sở hữu trí tuệ đối với logo nhãn hiệu trà Phú Hội. Rồi ông gửi mẫu trà đến cơ quan chuyên môn xét nghiệm, đảm bảo không chứa các thành phần độc hại, dư lượng thuốc trừ sâu.

Năm 2020, ông Sang chính thức khai trương cửa hàng Phúc Bảo. Đây vừa là đầu mối thu mua lá trà nguyên liệu, vừa là nơi sao ướp và chế biến trà Phú Hội thành phẩm.

Và những thành viên trong Tổ hợp tác chính là đầu mối cung cấp nguồn trà cho cửa hàng Phúc Bảo của ông Sang.

Ông chủ động đứng ra thu mua trà nguyên liệu từ nông dân với giá cao. Có thời điểm, đọt trà tươi lên đến 500.000 đồng/kg.

Ông Phong cho biết, từ việc Hội Nông dân xã hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chính sách phát triển cho đến tổ chức thu mua, người trồng trà có thêm thu nhập ổn định và yên tâm sản xuất.

Đã có nhiều hộ dân tích cực nhân giống cây con và xem nghề trồng trà là nguồn thu nhập chính.

"Nhất là người lớn tuổi, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc cây trà, vừa có thu nhập vừa bảo tồn được vùng nguyên liệu trà của địa phương", ông Phong nói.

Hội Nông dân xã đang hướng dân nông dân mở rộng mô hình trồng trà Phú Hội theo hướng bền vững. Ảnh: Trần Đáng

Hội Nông dân xã đang hướng dân nông dân mở rộng mô hình trồng trà Phú Hội theo hướng bền vững. Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Sang, nếu chỉ bán trà theo dạng đóng gói bình thường và ướp trà theo kiểu truyền thống thì thời hạn sử dụng không lâu. Cách làm truyền thống khiến trà dễ bị ẩm mốc.

Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, ông đã tìm ra phương pháp bảo quản tối ưu. Trà giữ được lâu với thời hạn sử dụng lên đến 2 năm sau khi đóng gói.

Hiện tại, sản phẩm trà Phú Hội được thiết kế bao bì, mẫu mã đa dạng theo nhiều quy cách đóng gói để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.  

Cuối năm 2021 vừa qua, sản phẩm trà Phú Hội được công nhận đạt chuẩn Ocop 3 sao. Ông Sang cũng là người tiên phong đưa sản phẩm trà Phú Hội tham gia Ocop.  

Ông Sang cho biết, Hội Nông dân xã đang định hướng cho người dân trồng trà theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

"Có như vậy mới đảm bảo giữ vững chất lượng và từng bước nâng hạng cho đặc sản trà Phú Hội", ông Sang nói.

Trà Phú Hội sẽ được nghiên cứu để đang dạng thêm mẫu mã. Giống trà cũng được cải tạo theo phương pháp chiết cành để nâng cao chất lượng cây trà, và mở rộng diện tích.

"Hội Nông dân xã đang hướng dẫn Tổ hợp tác sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để trồng và kinh doanh trà Phú Hội ", ông Sang chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem