Tổng thống Trump sẵn sàng giảm thuế thu nhập, chấp nhận suy thoái để trừng phạt Bắc Kinh

21/08/2019 09:49 GMT+7
Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 20.8 rằng Nhà Trắng đang xem xét cắt giảm thuế thu nhập và thuế đánh trên lợi tức bán tài sản như cổ phiếu, điều làm tăng mối quan ngại suy thoái trong nền kinh tế Mỹ.

Nhà Trắng xem xét giảm thuế thu nhập để kích thích kinh tế

Giảm thuế thu nhập là một trong những biện pháp chính quyền Trump đang xem xét để kích thích kinh tế

“Nhà Trắng đang xem xét giảm các mức thuế khác nhau, thuế thu nhập chỉ là một trong nhiều loại thuế mà chúng tôi cân nhắc” - ông Trump chia sẻ với giới truyền thông. Điều này được xem như một nỗ lực kích thích nền kinh tế của chính quyền Trump sau khi đường cong lợi suất 10 năm và 2 năm đảo ngược hồi tuần trước làm dấy lên quan ngại suy thoái. 

Hôm 18.8, Tổng thống Trump từng gạt bỏ nỗi lo kinh tế giảm tốc với nhận định:  “Tôi nghĩ suy thoái là một từ không phù hợp. Nước Mỹ đang ở rất xa một cuộc suy thoái”. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh các chỉ số năng suất lao động và doanh số bán lẻ tháng 7 được công bố hôm 15.8 đều cho thấy triển vọng khả quan của kinh tế Mỹ, bất chấp dấu hiệu lạ của đường cong lợi suất trên thị trường trái phiếu. Nhưng giờ đây, việc ông Trump cân nhắc giảm thuế thu nhập có vẻ là dấu hiệu cảnh báo Mỹ không xem thường rủi ro suy thoái như những gì vị Tổng thống thể hiện trong bài phát biểu vài ngày trước.

Dù vậy, kế hoạch giảm thuế vẫn chưa được Chính phủ Mỹ thông qua và các nhà lập pháp vẫn bày tỏ những quan điểm đối lập về hành động này. 

Joe Biden, Cựu Phó Tổng thống Mỹ và là ứng viên tiềm năng của Đảng Dân chủ chuẩn bị tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới đã kịch liệt phản đối hành động giảm thuế thu nhập trong cuộc vận động tranh cử ở Iowa mới đây. “Tuyến đường mà ông Trump đang đưa nước Mỹ đi là một sai lầm lớn. Chúng ta nên kích thích tăng trưởng việc làm chứ không phải bơm thẳng tiền vào túi người dân”. Cũng theo ông Joe Biden, hành động giảm thuế thu nhập chủ yếu có lợi cho tầng lớp trung lưu hơn là tầng lớp bình dân, người thu nhập thấp.

Ngoài ra, các khoản thuế thu nhập là nguồn tài trợ chủ yếu cho những gói bảo hiểm y tế cho người già, lương hưu và an sinh xã hội nước Mỹ. Việc giảm thuế trong ngắn hạn có thể sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng nhưng đồng thời cũng tước đi nguồn thu thuế đáng kể của Chính phủ, một số chuyên gia phân tích thuế cho hay.

Còn Tổng thống Trump có vẻ như đang nghiêng về quan điểm giảm thuế, bởi bất cứ dấu hiệu kinh tế giảm tốc nào sẽ là bất lợi với ông trên cương vị một ứng viên Tổng thống tái tranh cử trong nhiệm kỳ 2020 sắp tới. Nhất là khi xung đột thương mại kéo dài hơn một năm với Trung Quốc đang có nguy cơ kéo dài đến sau cuộc bầu cử và phủ bóng ảm đạm lên tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Trump quyết mạnh tay với Trung Quốc bất chấp rủi ro cho kinh tế Mỹ

Trump sẽ mạnh tay với Bắc Kinh ngay cả khi điều này gây tác động tiêu cực với kinh tế Mỹ

Bên cạnh việc xem xét giảm thuế thu nhập, ông Trump còn khẳng định sẽ tiếp tục tỏ lập trường cứng rắn trong xung đột thương mại với Trung Quốc ngay cả khi điều đó gây tác động tiêu cực với kinh tế Mỹ trong ngắn hạn. Nguyên nhân mà ông Trump đưa ra là không thể tha thứ cho hành động lừa dối Washington mà Bắc Kinh đã thực hiện trong nhiều thập kỷ qua.

“Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong 25 năm và có lẽ còn lâu hơn thế. Bất kể xung đột này ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực đến kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, rồi sẽ có ai đó phải làm điều này” - ông Trump phát biểu trước giới truyền thông chỉ vài giờ trước khi Mỹ tuyên bố đồng ý bán 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16 trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan, một động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh “sôi máu”. Mỹ thậm chí còn nêu quan điểm về một chủ đề nhạy cảm khác là Hồng Kông trong bối cảnh phong trào biểu tình dâng cao liên quan đến quyền dân chủ.

Những mâu thuẫn giữa Washington với Bắc Kinh đã lên đỉnh điểm từ nửa tháng trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, điều khiến tỷ giá NDT của Trung Quốc xuyên ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD và đưa Bắc Kinh đến các động thái trả đũa. Trung Quốc hiện đã dừng nhập khẩu nông sản Mỹ. Một số nhà phân tích còn chỉ ra dường như Bắc Kinh đang có ý định hạn chế nhập khẩu dầu thô Mỹ như một phần trong biện pháp đối phó với leo thang thương chiến.

Những động thái căng thẳng của hai bên đang khiến thị trường chứng khoán Mỹ rung chuyển trong nỗi lo suy thoái kinh tế và thị trường tài chính cũng lao đao. Đảng Dân chủ hôm 18.8 đã phê phán chính sách thương mại của Trump đưa kinh tế Mỹ đến một rủi ro cấp tính trong ngắn hạn, bất chấp việc ông Trump nhiều lần khẳng định kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng tốt, người tiêu dùng giàu có và gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20.8 tiết lộ các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc điện đàm về tranh chấp thương mại trong khoảng 1 tuần tới, trước khi vòng đàm phán trực tiếp diễn ra tại Washington vào đầu tháng 9. 

Cũng trong cuộc họp với các nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ mới đây, ông Pompeo bày tỏ sự tin tưởng thương chiến Mỹ Trung sẽ kết thúc trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. “Khá khó khăn để Trung Quốc tiến tới một thỏa thuận, nhưng chúng ta đang có một nhà lãnh đạo cứng rắn” - ông Pompeo nhận định. “Tôi trò chuyện với Bộ trưởng Mnuchin (một trong những thành viên chủ chốt của phái đoàn đàm phán Mỹ ) mỗi ngày, và tôi nhìn thấy sự tiến bộ thực sự.”

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục