Tâm điểm trong bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm

16/08/2019 12:11 GMT+7
Bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 7 tháng đầu năm duy trì những chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS), mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới. ADB đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%, IMF dự báo tăng 6,5%, WB là 6,6%, HSBC là 6,7%. 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%. Tăng trưởng quý II/2019 thấp hơn tăng trưởng quý II/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý II các năm 2011-2017.

Trên góc độ sử dụng GDP quý II năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,54%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,38%.

Trên góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,06%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,98%.

 

Hiện tại, GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 2.590 USD/người/năm. Mới đây, tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thay đổi cách tính GDP, đơn vị này đã hoàn tất và sắp sửa công bố kết quả với cách tính mới về thu nhập bình quân đầu người (GDP). Theo cách tính mới, GDP sẽ tăng lên khoảng 3.000 USD/năm, tăng khoản 400 USD so với cách tính hiện nay.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước. Trong mức tăng 0,18% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33% (lương thực tăng 0,05%; thực phẩm tăng 0,4%); giáo dục tăng 0,22% (dịch vụ giáo dục tăng 0,17%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15% (giá du lịch trọn gói tăng 0,22%; khách sạn tăng 0,58%; dịch vụ giải trí tăng 0,74%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%...

CPI bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây; CPI tháng 7/2019 tăng 1,59% so với tháng 12/2018 và tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.... Lạm phát cơ bản tháng 7/2019 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 1,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Tính chung 7 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 143,34 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 60,83 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,51 tỷ USD, tăng 5,3%.

Xuất siêu 7 tháng 1,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,6 tỷ USD.

Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm nay đạt 11.698 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018 - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận sự biến động mạnh trong tháng 7 vừa qua. Để ứng phó, nhiều quốc gia mới nổi đã nới lỏng tiền tệ và tại Việt Nam, lãi suất cũng điều chỉnh giảm ở kỳ hạn ngắn. Cụ thể, NHNN đã giảm 25 điểm cơ bản lãi suất tín phiếu ngắn hạn (lãi suất tín phiếu 7 ngày ở mức 2,75%/năm), trong khi mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng ở mức thấp hơn.

Lãi suất tái cấp vốn: Sau đợt giảm cặp lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn hồi tháng 7 năm ngoái, NHNN Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ thay đổi nào đối với lãi suất điều hành, tiếp tục giữ nguyên ở mức 6,25% trong 7 tháng đầu năm 2019.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.107 đồng/USD trong ngày làm việc cuối cùng tháng 5 (31/07/2019), tăng 41 đồng so với tháng trước, và tăng 1,24% đầu năm 2019 đến nay. Giá USD giao dịch tự do niêm yết ở mức 23.232,5 VND/USD trong ngày 31/07/2019, giảm 72,5 đồng, tương ứng mới mức giảm (-0,31%) so với tháng trước.

 

Lê Thúy
Tags:
Cùng chuyên mục