Vingroup có đại diện trong nhóm chuyên gia soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai

20/08/2019 14:16 GMT+7
Bộ TN&MT mới đây đã công bố quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Nhóm chuyên gia và ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Trong danh sách chuyên gia có đại diện của Vingroup là bà Hồ Ngọc Lâm.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 2080/QĐ-BTNMT. Tại Quyết định này ở phụ lục III Danh sách nhóm chuyên gia Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, bên cạnh nhiều chuyên gia về đất đai đã và đang công tác tại các bộ ngành, tổng cục, viện,… có tên của bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng Ban Pháp chế của Tập đoàn Vingroup. Bà Lâm được xếp vào nhóm các vấn đề chung trong việc xây dựng Luật.

Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp duy nhất có tên trong danh sách những chuyên gia được tham gia Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà là Trưởng ban Soạn thảo, đồng thời cũng là Tổ trưởng Tổ biên tập và Thường trực Tổ biên tập.

Theo như Điều 2 trong Quyết định này, nhóm chuyên gia có trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp đơn vị được giao chủ trì soạn thảo và các đơn vị có liên quan để hoàn thành việc soạn thảo dự án Luật bảo đảm chất lượng, tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định để trình Chính phủ và Quốc hội.

Kinh phí chi cho nhiệm vụ soạn thảo dự án luật do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Quyết định cũng chỉ rõ, Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Nhóm chuyên gia có trong văn bản sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Một số nội dung liên quan đến kế hoạch xây dựng, trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai: Tham vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tham vấn kinh tế đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Tham vấn quy định chung, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến đất đai…

Luật Đất đai 2013 sau 5 năm triển khai thực hiện tuy đã đạt được những kết quả quan trọng song còn nổi lên nhiều hạn chế, bất cập. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn chưa thực sự thống nhất, đồng bộ. Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai có nơi, có lúc thực hiện còn hình thức, chưa thường xuyên, thiếu thực chất.
Còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Xây dựng, Nhà ở…gây khó khăn cho tổ chức thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật. Chính sách tài chính về đất đai còn có những điểm bất cập.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại trên là cần thiết. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 vào tháng 2/2020.

 

Phương Thảo
Tags:
Cùng chuyên mục