Chiêu trò "tẩy trắng" sâm nhập lậu thành "sâm Ngọc Linh" giá rẻ (Bài 3)

Nhóm PV Điều tra Thứ năm, ngày 10/08/2023 07:45 AM (GMT+7)
Những cây sâm thành phẩm và cả cây sâm giống từ vườn ở Vân Nam (Trung Quốc) được xếp gọn trong các thùng xốp. Sau đó, thương lái tìm cách vận chuyển qua đường mòn lối mở, thậm chí là thả trôi sông, sang đến bờ bên kia là Việt Nam. Từ đây, cái gọi là "quốc bảo sâm Ngọc Linh giá rẻ" xuất hiện nhan nhản.
Bình luận 0
Chiêu trò "tẩy trắng" sâm nhập lậu thành "sâm Ngọc Linh" giá rẻ (Bài 3) - Ảnh 1.

Có nhiều cách để đưa sâm từ Trung Quốc về Việt Nam đội lốt thành sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu. Trên thị trường, tràn ngập "sâm Ngọc Linh" giá rẻ. Clip: Dân Việt.

Chiêu trò "tẩy trắng" sâm nhập lậu thành "sâm Ngọc Linh" giá rẻ (Bài 3) - Ảnh 2.

Trà trộn sâm với rau củ đưa lậu sâm giá rẻ về Việt Nam

Trong hành trình đi tìm nguồn gốc sâm Ngọc Linh giá rẻ, ngày tiếp theo ở Kim Bình (Vân Nam), chúng tôi vẫy taxi để muốn đến một vườn sâm khác. Sau khi trao đổi với người phiên dịch, tài xế taxi khoe ngay có người quen cũng buôn bán sâm với số lượng lớn và sẵn sàng đưa chúng tôi đến gặp.

Cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu vào Việt Nam (Bài 3) - Ảnh 2.

Người buôn sâm ở Trung Quốc không ngần ngại mở điện thoại cho phóng viên xem những "đầu nậu" thường xuyên lấy hàng của họ bên Việt Nam.

Sau khoảng 20 phút di chuyển, chiếc taxi đi sâu vào một ngõ nhỏ, dừng lại trước cửa một gia đình, đúng lúc họ đang vận chuyển sâm (tam thất) mới thu mua.

Người lái xe taxi chỉ tay vào một người đàn ông mảnh khảnh, giới thiệu đây là chú của mình tên Vũ Gia, chuyên thu mua và giao dịch với các thương lái người Việt Nam.

Chúng tôi đặt vấn đề mua sâm, Vũ Gia khẳng định ngay bao nhiêu cũng có và tùy từng mẫu mã sẽ có giá cả khác nhau. Để lấy lòng tin, ông chủ buôn sâm Vũ Gia cho chúng tôi xem hình ảnh những bạn hàng Việt Nam chuyên nhập sâm trên tài khoản mạng xã hội Wechat.

Chỉ vào màn hình điện thoại là hình ảnh một người đàn ông trẻ tuổi người Việt Nam, Vũ Gia cho biết người này ở Sì Lở Lầu, vừa mới lấy 5 tạ sâm. Cũng theo Vũ Gia, có những khách hàng lớn, mỗi lần lấy hàng tấn.

Thu mua sâm loại gì cũng có, nếu mua số lượng lớn, Vũ Gia hứa đưa khách vào từng nhà để thỏa thuận giá cả tại vườn. Vị này chỉ đứng giữa giới thiệu và phụ trách vận chuyển. Mức phí đi qua đường mòn, lối mở chừng 40 tệ/tạ.

Cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu vào Việt Nam (Bài 3) - Ảnh 4.

Những thùng sâm được cái thương lái Trung Quốc thu mua ở các vườn trồng trên địa bàn huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) sau đó đóng hàng và vận chuyển sang Việt Nam.

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, tình cờ một người đàn ông miệng phì phèo điếu thuốc lá, tay dắt theo một chú chó to đi tới. Vũ Gia giới thiệu người này tên là Vĩnh Kỳ, một tay buôn sâm còn lớn hơn cả anh ta. Ngay lập tức, chúng tôi thông qua người phiên dịch làm quen với Vĩnh Kỳ.

"Hiện chỉ có vận chuyển qua cửa khẩu chính ngạch, bằng cách để lẫn với hàng tạp hoá, rau, củ quả là đi được số lượng lớn. Tôi vừa giao một đơn hàng 7 tạ trót lọt", Vĩnh Kỳ khoe. Đồng thời anh ta cho chúng tôi xem hình ảnh để chứng minh đơn hàng của mình đã được xuất thành công. Tất nhiên, thông tin tay buôn này nói cần được cơ quan chức năng ở Việt Nam kiểm chứng.

Theo Nghị định 69/2018 của Chính phủ, nhân sâm không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu nhưng khi nhập khẩu thì phải kiểm dịch thực vật theo Thông tư 30/2014 của Bộ NNPTNT. Doanh nghiệp phải có bộ hồ sơ nhập khẩu, giấy đăng ký kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu, giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu nếu có.

Trong lúc vui vẻ, các tay buôn gom sâm ở Vân Nam còn cho chúng tôi xem danh sách các thương lái thường xuyên đón hàng ở phía Việt Nam. Địa điểm nhận hàng đều ở Lào Cai và Lai Châu. 

Tay buôn người Trung Quốc kể có ngày đưa sang cho "đối tác" bên Việt Nam khoảng 5 tạ đến 1 tấn, lượng hàng có thể bằng sản lượng cả một vùng trồng sâm quý của Việt Nam thu hoạch trong một năm.

Cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu vào Việt Nam (Bài 3) - Ảnh 6.

Những củ sâm tươi nguyên còn cả gốc lẫn lá khi sang tới Việt Nam sẽ thành những củ sâm vip, đội lốt "sâm Ngọc Linh" giá rẻ

Cách thức như các tay buôn sâm Trung Quốc chỉ cho chúng tôi, nói trắng ra là buôn lậu cây sâm vào Việt Nam, không khai báo với cơ quan Hải quan hay Biên phòng, không thực hiện nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Trường hợp nếu nhập khẩu nhân sâm về làm thuốc, cần có giấy phép và công bố chất lượng theo quy định tại Thông tư 48/2018 của Bộ Y tế.

Mục sở thị quy trình xếp sâm vận chuyển về Việt Nam, gia nhập thị trường sâm Ngọc Linh giá rẻ

Chiếc taxi đưa chúng tôi tiếp tục lên "thủ phủ" sâm ở Vân Nam. Sau khoảng 30 phút, chiếc xe đỗ trước cửa nhà một tiểu thương tên Xìn Khang, người đang đóng hàng xuất sang Việt Nam ngay trong buổi sáng chúng tôi đến thăm.

Dưới sàn phòng khách rộng chừng khoảng 20m2 bày la liệt sâm, trông khá giống như củ riềng, củ gừng. Thấy chúng tôi đến, Xìn Khang chỉ kịp ngẩng đầu lên chào hỏi, tay vẫn tiếp tục nhặt từng củ sâm bỏ vào thùng.

Cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu vào Việt Nam (Bài 3) - Ảnh 7.

Người Trung Quốc thường đóng sâm vào thùng có trọng lượng khoảng 20 kg để tiện vận chuyển.

Xìn Khang tiết lộ, đã đóng khoảng 4 thùng sâm, gồm nhiều chủng loại từ hàng đẹp (loại củ to và còn nguyên thân lá) đến loại không lá và loại hàng xấu hơn để chuyển sang Việt Nam.

Số hàng này được thu mua từ ngày hôm trước, khoảng hơn 2 tạ. Khang cho hay, sâm được thu mua ở nhiều vùng trồng khác nhau trên địa bàn Kim Bình, được đóng gói với trọng lượng trên dưới 20kg/thùng. "Đóng hàng với khối lượng 20kg/thùng để vận chuyển sang Việt Nam cho thuận tiện", Xìn Khang cho biết.

Xong việc, Xìn Khang ngồi sụp xuống chiếc ghế sofa, tay cầm điếu thuốc rồi từ từ châm lửa hút. Vừa nhả khói thuốc một cách điệu nghệ, Xìn Khang vừa nhanh chóng bấm cuộc gọi Wechat. 

Một chiếc xe tải nhỏ đỗ trước cửa nhà, người đàn ông cao to bước xuống xe rồi cùng Xìn Khang lần lượt cho những thùng hàng vào bao tải xác rắn màu xanh rồi chất lên xe. Công việc diễn ra nhanh chóng, như hàng ngày họ vẫn thực hiện. Một lát sau, người đàn ông cùng chiếc xe tải rời đi.

Cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu vào Việt Nam (Bài 3) - Ảnh 8.

Hàng loại một chỉ khoảng 9 hay 10 củ là đủ 1 kg.

Hàng đi rồi, Xìn Khang cũng bật mí cho chúng tôi: "Bên Vân Nam có địa hình, khí hậu giống như bên Lai Châu, từ năm 2008 nhiều người thu mua sâm tại Lai Châu của Việt Nam. Đến nay, làm chủ được công nghệ nên giá cây giống và sâm thương phẩm giảm rất nhiều so với trước đây".

Để xác nhận quy trình vận chuyển, chúng tôi cũng đã tiếp xúc với một số thương lái người Việt Nam ở Lai Châu, Lào Cai. Họ cũng đã mô tả cách thức nhận hàng như những tay buôn sâm bên Vân Nam đã kể với chúng tôi.

Nghĩa là, sâm được đóng thùng xốp trà trộn vào hàng rau củ để tìm cách lách qua cửa chính ngạch hoặc vận chuyển qua đường mòn, thả qua sông để về đến Việt Nam.

Dù vậy, rất ngạc nhiên là, theo thống kê của các cơ quan chức năng tại Lào Cai và Lai Châu, từ đầu năm 2023 đến nay chưa có doanh nghiệp nào nhập khẩu chính ngạch sâm tươi từ Trung Quốc.

Còn tình trạng vận chuyển lậu sâm Trung Quốc về Việt Nam là có, cơ quan chức năng, nhất là trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã nhiều lần phát hiện, bắt giữ các đối tượng. 

Thông tin từ Công an huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) cung cấp cho PV, từ năm 2022 đến nay, đã có nhiều vụ buôn lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam được đơn vị này phát hiện và bắt giữ, trong đó có 4 vụ đã khởi tố. Đáng lưu ý, có hai vụ việc bị khởi tố xảy ra ở xã Sì Lở Lầu khi các đối tượng vác bao tải đựng thùng sâm về Việt Nam thì bị lực lượng công an phát hiện.

Sì Lở Lầu cũng là địa bàn giáp ranh với các vườn trồng sâm bên phía Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) mà nhóm PV Dân Việt đã mục sở thị.

Còn Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu trong năm 2022 cũng đã chủ trì bắt giữ, khởi tố điều tra theo thẩm quyền 2 vụ việc, thu giữ 172,9kg củ, thân, lá, hạt thực vật có đặc điểm tương đồng với sâm. Đồng thời, phát hiện, xử phạt hành chính 7 vụ (151,1kg củ, thân, lá, hạt) với hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu vào Việt Nam (Bài 3) - Ảnh 9.

Sau khi đóng hàng, những thùng sâm sẽ được đưa lên ô tô để vận chuyển tới biên giới Việt Nam, đợi thời cơ tới sẽ chuyển sang Việt Nam.

Đau đầu với vấn nạn sâm Ngọc Linh giá rẻ

Làm việc với PV Dân Việt, Thượng tá Đỗ Đình Cường – Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội biên phòng Lai Châu xác nhận có hiện tượng các đối tượng vận chuyển sâm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam rất tinh vi. 

Chúng lợi dụng đêm tối để ném các thùng hàng qua hàng rào biên giới hoặc cho vào thùng xốp để thả trôi sông. Rất nhiều lần, cơ quan chức năng chỉ bắt được hàng là các thùng xốp trôi sông có sâm, nhưng không bắt được đối tượng vận chuyển. Chúng như bóng chim tăm cá.

Cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu vào Việt Nam (Bài 3) - Ảnh 10.

Một lô sâm Trung Quốc vận chuyển sang Việt Nam thì bị cơ quan chức năng tại Lai Châu bắt giữ (Ảnh: Công an huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cung cấp).

Táo tợn hơn, sau khi qua được biên giới, các đối tượng còn vận chuyển sâm lậu, kể cả cây giống sâm lậu đến tận vùng trồng "bảo vật quốc gia" sâm Ngọc Linh của Việt Nam để "tẩy trắng" sâm nhập lậu.

Trao đổi với Dân Việt, ông Ngụy Đình Phúc - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục QLTT Kon Tum cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô vây bắt một vụ vận chuyển 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum, được vận chuyển bằng xe khách từ các tỉnh phía Bắc đưa vào.

"Các đối tượng buôn lậu thường thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc, hoặc sâm Trung Quốc rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum để đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô rồi "đội lốt" sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán cho người tiêu dùng", ông Phúc thông tin.

Tại một địa phương khác là quê hương của sâm Ngọc Linh - huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), ông Chủ tịch huyện này cũng đang rất đau đầu với vấn nạn sâm Ngọc Linh giá rẻ, sâm Ngọc Linh giả. 

Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (huyện có dãy núi Ngọc Linh) cho biết: “Bây giờ, đi cả nước đều thấy người ta giao bán sâm Ngọc Linh. Trong khi, có cá nhân, tổ chức không có vùng trồng cũng có sản phẩm sâm để bán và còn cam kết có thể cung ứng số lượng lớn". 

Dù chưa xuất hiện nhiều, nhưng ông Dũng cũng xác nhận ngay trên địa bàn cũng đã có tình trạng giả mạo sâm Ngọc Linh. Mới đây, ngày 1/8, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản trong khuôn khổ Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 do UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam tổ chức, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện khoảng 2kg củ sâm Ngọc Linh có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ là sâm giả nên lập biên bản tạm giữ, không cho đưa vào phiên chợ bán. Sau đó, cơ quan chức năng đã đem đi kiểm nghiệm và xác định nguồn gốc. Hiện đang chờ kết quả. 

"Thậm chí, vào mùa đông, sâm Ngọc Linh ngủ đông, rụng hết lá nhưng trên mạng vẫn thấy người ta rao bán loại sâm Ngọc Linh có cả cây, lá, củ với giá rẻ đến giật mình, 1 đến 2 triệu/1kg loại 20 đến 30 củ/1kg. Trong khi, tại Nam Trà My, giá của lá sâm cũng được giao dịch từ 12 đến 14 triệu đồng/1kg" - ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My.

Còn tình trạng giả mạo sâm Ngọc Linh trên không gian mạng là "không có khoảng cách", đây thực sự là vấn nạn khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm các giải pháp ngăn chặn. 

Theo ông Dũng, ngoài việc các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt vấn nạn sâm giả thì những người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trồng sâm phải có ý thức tự bảo vệ thương hiệu của mình, không vì lợi ích trước mắt mà làm mất thương hiệu sâm Ngọc Linh quý giá.

Để bảo vệ cây sâm Ngọc Linh quý giá, các hộ trồng sâm ở Nam Trà My đã liên kết lại với nhau để thay phiên nhau trồng, chăm sóc và bảo vệ. Họ phải thay nhau tuần tra, kiểm tra liên tục để tránh tình trạng mất cắp. Ngoài ra, họ còn kiểm soát lẫn nhau, không để giống sâm ngoại lai mang vào trồng để bảo vệ nguồn gen sâm Ngọc Linh quý giá.

Còn ở các phiên chợ sâm định kỳ, ông Dũng cũng cho biết tất cả những người bán sâm mang tới đều phải qua kiểm tra kỹ nguồn gốc của sâm mới được vào chợ. 

*Tên nhân vật tại Trung Quốc trong bài đã được thay đổi.

Đón đọc Bài 4: Trắng đêm tìm bắt sâm lậu về Việt Nam 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem