Thứ sáu, 17/05/2024

Chiến lược nuôi biển

27/10/2021 7:00 AM (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược nuôi biển - Ảnh 1.

Lồng nuôi cá trên biển.

Quyết định trên được kỳ vọng đưa công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng của kinh tế biển nước ta và sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển khu vực châu Á và đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm nuôi biển. Với mục tiêu đến năm 2030, đưa tổng điện tích nuôi biển đạt 300.000ha, tổng sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn...

Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển kéo dài từ Móng Cái, Quảng Ninh đến mũi Cà Mau cùng hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm trên hải phận Biển Đông; vùng biển có đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2. Đây là tiềm năng lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Theo các chuyên gia thủy sản, nuôi biển sẽ góp phần giảm phụ thuộc vào khai thác hải sản tự nhiên, Việt Nam có thể phát triển từ 2-3 triệu tấn hải sản nuôi biển gồm những loài thủy sản ăn lọc, giáp xác, nhuyễn thể... có thể tận dụng thức ăn tự nhiên mà không mất chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, lại có tác dụng hấp thu các tác nhân gây ô nhiễm khác trong khí quyển và đại dương.

Thực tế, nuôi biển đã và đang phát triển tại nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang, Cà Mau. Từ 38.800ha nuôi biển vào năm 2010, đến năm 2020, tổng diện tích nuôi biển cả nước đã đạt 256.479ha với sản lượng thu hoạch gần 604.000 tấn.

Nuôi biển đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy vậy, nghề nuôi biển ở nước ta hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế vốn có. Đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi biển còn dàn trải, thiếu đồng bộ, việc quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Thế nên, nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu, nuôi gần bờ là chính, lồng bè cũng đơn giản, sơ sài. Một số vùng nuôi nằm chồng lấn, xung đột với các ngành kinh tế khác, mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi.

Đặc biệt, việc nghiên cứu sản xuất con giống cũng còn hạn chế, chưa được nghiên cứu, sản xuất theo quy trình, công nghệ cao chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm. Dẫn đến, nuôi biển hiện nay chủ yếu sử dụng cá tạp, dễ gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát được dịch bệnh.

Rõ ràng, diện tích nuôi biển chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước là một “lỗ hổng” cần được ngành thủy sản sớm khắc phục trong thời gian tới. Hiện, chúng ta đang còn “bỏ ngỏ” diện tích nuôi biển ước đạt 500.000ha; trong đó, vùng bãi triều 153.300ha, vùng vũng vịnh và ven đảo 79.790ha, biển xa bờ 166.910ha. Ngoài ra, ngành thủy sản cũng chưa phát huy hết năng lực của 51 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng sản xuất thực tế đạt 509 triệu con, 764 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp...

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tăng mạnh được sản lượng nghề nuôi biển, phải mạnh dạn phát triển nuôi xa bờ thay vì chỉ nuôi ven bờ như hiện nay. Muốn vậy, lĩnh vực này rất cần vốn đầu tư lớn với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn sẵn sàng đầu tư công nghệ, thúc đẩy chuyển hướng nuôi biển xa bờ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc về việc giao mặt biển nuôi trồng; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình nuôi biển quy mô công nghiệp; đồng thời có chính sách thu hút đầu tư, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ nuôi biển tiên tiến và phương thức quản lý khoa học, hiện đại.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà

Điện mặt trời mái nhà có thể mang lại lợi ích đa chiều về môi trường, kinh tế - xã hội. Thực tế, nhiều mô hình kết hợp điện mặt trời với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản đã thành công ở nhiều địa phương, tạo ra những mô hình phát điện mặt trời phi tập trung với nhiều ưu thế.

Xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, tại sao không?

Xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, tại sao không?

Giá vàng “nhảy múa”, biến động bất thường, càng khiến dư luận đòi hỏi câu trả lời, tại sao không xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng?

Ai đang thao túng và trục lợi từ giá vàng?

Ai đang thao túng và trục lợi từ giá vàng?

Giá vàng càng biến động mạnh, chênh lệch mua vào - bán ra càng lớn, càng tạo nhiều lợi nhuận cho các “nhà cái”. Giải pháp bình ổn bằng cách nhập khẩu vàng hay phá thế độc quyền vàng miếng SJC đều không phải giải pháp căn cơ để bình ổn thị trường vàng mà là điều kiện mang lợi ích cho doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Thăng trầm tỷ phú đô la Việt Nam, tài sản tỷ USD vẫn chưa được xướng tên

Thăng trầm tỷ phú đô la Việt Nam, tài sản tỷ USD vẫn chưa được xướng tên

Tài sản của các tỷ phú có đóng góp lớn của cổ phiếu nắm giữ, do đó tài sản thường biến động liên tục dưới tác động của thị trường. Không thiếu doanh nhân Việt từng cán mốc tài sản 1 tỷ USD nhưng vẫn chưa được bảng xếp hạng thế giới điểm tên.

Xu hướng mới của văn phòng cho thuê để giữ chân khách

Xu hướng mới của văn phòng cho thuê để giữ chân khách

Thị trường văn phòng cho thuê đang ghi nhận xu hướng chuyển dịch về nhu cầu từ phía khách thuê, buộc chủ đầu tư văn phòng thay đổi không chỉ về giá mà còn nhiều yếu tố để giữ chân khách thuê.

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

Chiều ngày 6/5, giá vàng miếng SJC tăng lên trên 86 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất cao nhất trong lịch sử và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.