Chân dung thành viên HĐQT vừa được bầu bổ sung của VietinBank

03/11/2021 13:24 GMT+7
Ông Lê Thanh Tùng, vừa được bầu bổ sung vào Hội đồng Quản trị (HĐQT) của VietinBank sinh năm 1978. Ông Tùng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Ngày 3/11/2021 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021.

Đại hội đã bầu bổ sung ông Lê Thanh Tùng - Trợ lý nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vào HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Chân dung thành viên HĐQT vừa được bầu bổ sung của VietinBank - Ảnh 1.

VietinBank bầu bổ sung thành viên HĐQT. (Ảnh: CTG)

Ông Lê Thanh Tùng sinh năm 1978 là cử nhân Kế toán, Đại học Kinh tế Quốc dân, là thạc sỹ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng Đại học Paris Dauphine (CFVG).

Ông Tùng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ông Tùng gia nhập vào VietinBank giai đoạn từ 2003-2014 và đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro của VietinBank, Chủ tịch HĐTV của Công ty Cho thuê Tài chính VietinBank.

Trước khi đầu quân về VietinBank, ông Lê Thanh Tùng từng làm việc tại Công ty kiểm toán KPMG.

Chân dung thành viên HĐQT vừa được bầu bổ sung của VietinBank - Ảnh 2.

Ông Lê Thanh Tùng - thành viên HĐQT VietinBank. (Ảnh: Ban kinh tế trung ương)

Sau đó từ 2014-2016 ông làm việc tại Ngân hàng Nhà nước. Tại đây, ông đảm nhiệm các vị trí như Chánh văn phòng, Vụ trưởng, trợ lý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước khi chuyển công tác tới Ban Kinh tế Trung ương.

Về hoạt động của VietinBank, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 13.911 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 6,8% lên gần 1,085 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, số dư nợ xấu tăng hơn 90% trong 9 tháng đầu năm lên 18.097 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,67% cuối quý III/2021.

Lãnh đạo VietinBank cho biết, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nguy cơ tăng nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro, VietinBank đang tăng cường các giải pháp kiểm soát chất lượng nợ, xây dựng những kịch bản sẵn sàng để ứng phó với các khó khăn trong năm 2022.

VietinBank đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn mức quy định để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Dự kiến cuối năm 2021, VietinBank phấn đấu tỷ lệ nợ xấu là 1,4%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 169%, chi phí dự phòng rủi ro dự kiến 17.000 tỷ đồng.

Huyền Anh
Tags:
Cùng chuyên mục