Cây biến đổi gene không phải “con ngáo ộp”

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 27/09/2014 08:00 AM (GMT+7)
“Truyền thông không chỉ có vai trò quan trọng, mà là quyết định trong việc hiểu đúng về cây trồng biến đổi gene” - GS-TS Lê Đình Lương- Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam đã nhận xét như trên tại Hội thảo “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gene tại Việt Nam”, ngày 26.9.
Bình luận 0

Hiểu sai và lo sợ

Một nhận thức sai lầm cơ bản của dư luận hiện nay là nếu ăn thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gene (BĐG) vào cơ thể có thể khiến mình cũng bị... BĐG. Đánh giá về “thái độ” của truyền thông trong thời gian qua đối với loại cây trồng này, PGS - TS Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết, ở nước ta và cả các nước trên thế giới vẫn đang tồn tại hai quan điểm, đó là ủng hộ và phản đối cây trồng BĐG.

“Chỉ cần một thông tin phản đối đưa ra thì phải cần tới 5 thông tin của phía ủng hộ mới có thể cân bằng được thông tin. Qua đó có thể thấy, định hướng về mặt truyền thông là rất quan trọng trong tiến trình ứng dụng công nghệ chuyển gene ở nước ta” - ông Hàm nói.

Để chứng minh cho những luận điểm này, ông Hàm đã lấy ví dụ về báo cáo “Độc tính lâu dài của thuốc trừ cỏ Roundup và ngô BĐG chống chịu thuốc trừ cỏ Roundup” của nhà khoa học Gilles Eric Séralini (Pháp) và cộng sự được đăng trên chính tạp chí khoa học Food and Chemical Toxicology đã gây chấn động vào cuối năm 2012. Bản báo cáo này cho rằng, cho chuột ăn ngô BĐG có khả năng gây u bướu (trên thực tế sau đó đã có tới 18 nhà khoa học phải “đính chính” là không phải như vậy). Tuy nhiên, ngay khi có thông tin này, báo chí trong nước đã dịch ra và đăng tải trên các trang mạng gây ra sự sợ hãi cho người dân. Thực tế cho thấy, nghiên cứu này sau đó đã bị phản đối do thiếu cơ sở khoa học và cuối cùng là bác bỏ hoàn toàn kết quả nghiên cứu này.

GS - TS Lê Đình Lương cho rằng, về mặt tâm lý khi nhắc đến cây trồng BĐG, nhiều người thường lo sợ. Theo ông Lương, hiện đang tồn tại một nghịch lý trong xã hội: Trong khi có nhiều loại thuốc, thực phẩm mà người tiêu dùng biết rõ 100% là có hại nhưng người ta... vẫn dùng, thì họ lại phản đối cây trồng BĐG và nó đã bị biến thành con “ngáo ộp” chỉ vì những nỗi sợ chưa có căn cứ.

Thông tin chính xác sẽ có lợi cho người dân

PGS - TS Phạm Văn Toản (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, hiện nay trên thế giới, cây trồng BĐG được khẳng định là một trong những thành tựu khoa học nổi bật của nhân loại. Theo thống kê, cây trồng BĐG hiện là lựa chọn của 18 triệu nông dân trong canh tác nông nghiệp ở 29 nước trên thế giới, và 61 quốc gia, vùng lãnh thổ đã cho phép sử dụng cây trồng này làm thực phẩm. Trong 17 năm qua, diện tích canh tác cây trồng BĐG tăng gấp hơn 100 lần, từ 1,7 triệu ha vào năm 1996 lên 175 triệu ha vào năm 2013. Việt Nam xác định phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia.



PGS-TS Nguyễn Hồng Kỳ
 
Việc đưa ra những nguồn tin chưa được cập nhật và cách thức tuyên truyền không rõ định hướng đã dẫn đến những hiểu lầm và tâm lý lo ngại của dư luận về cây trồng BĐG. Vì vậy, truyền thông phải đóng vai trò then chốt trong định hướng dư luận và phổ biến kiến thức ứng dụng công nghệ cây trồng BĐG này đến người dân nói chung và nông dân nói riêng”. 
Theo “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, Việt Nam hướng tới đưa một số giống cây trồng BĐG vào sản xuất đến năm 2015 và đến năm 2020 sẽ phát triển từ 30% đến 50% các giống cây trồng BĐG trong trồng trọt. Đến nay, đã có hơn 600 công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố chứng minh trong nước về tính vô hại của sinh vật BĐG, trong khi chưa có một minh chứng khoa học nào cho luận điểm rằng, sản phẩm BĐG có nguy cơ không an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ KHCN-MT (Bộ NNPTNT), Việt Nam đã và đang hoàn thiện khung pháp lý về cây trồng BĐG. “Tranh cãi về cây trồng BĐG tồn tại ở nhiều nước chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT hoạt động với mục đích vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của người nông dân và an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, những quyết định vừa nêu được đưa ra dưới sự cân nhắc xem xét rất kỹ lưỡng sau khi tiếp thu các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý” - bà Thuỷ nói.

PGS-TS Nguyễn Hồng Kỳ - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, các cơ quan báo chí truyền thông phải tiếp cận truyền tải thông tin một cách đầy đủ đến người dân là yếu tố quan trọng nhất. Muốn làm được điều này, các nhà báo cũng như các cơ quan quản lý về báo chí và truyền thông phải có định hướng trong việc thông tin cũng như tạo điều kiện để phóng viên của mình tiếp cận thông tin cây trồng BĐG ở Việt Nam như thế nào. Nếu không có những thông tin và am hiểu về lĩnh vực này thì thông tin đưa đến người dân nói chung và nông dân nói riêng sẽ không đầy đủ và toàn diện, thậm chí là sai lệch thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem