Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược: Cấp chứng chỉ hành nghề dược quá dễ dãi

Bạch Dương Thứ ba, ngày 16/04/2024 18:30 PM (GMT+7)
Tại buổi góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược diễn ra ngày 16/4 tại đoàn ĐBQH TP.HCM, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quản lý dược hiện nay.
Bình luận 0
Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược: Cấp chứng chỉ hành nghề dược quá dễ dãi- Ảnh 1.

Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: B.D

Ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Việt Nam hiện có hơn 50 cơ sở đào tạo dược sĩ đại học, nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa được kiểm soát. Điều này dẫn đến tình trạng dược sĩ dù không đủ chuẩn vẫn có thể xin được chứng chỉ hành nghề dược.

"Từ khi có Luật Dược năm 2016 đến nay, chưa có ai được cấp chứng chỉ hành nghề theo cách thi", ông Danh nêu thực trạng và đề xuất cần có các kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề cho các dược sĩ và chỉ những ai vượt qua kỳ thi mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Việc này sẽ giúp sàng lọc được một số người dù tốt nghiệp dược sĩ đại học nhưng không đạt chuẩn.

"Việc tổ chức thi để cấp chứng chỉ hành nghề vừa đáp ứng nhu cầu thực tế bởi hiện có rất nhiều dược sĩ mong muốn được thi để lấy chứng chỉ hành nghề vừa có thể giải quyết được vấn đề chưa chuẩn hóa trong công tác đào tạo dược sĩ", ông Danh nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, việc có nhiều đơn vị được phép cấp chứng chỉ hành nghề dược như Bộ Y tế, sở y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... dẫn đến tình trạng một người có 2 chứng chỉ hành nghề. Điều này là vi phạm pháp luật.

Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược: Cấp chứng chỉ hành nghề dược quá dễ dãi- Ảnh 3.

Ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: B.D

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Khoa Dược, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, số lượng dược sĩ đại học trên 100.000 dân đã vượt chỉ tiêu nhưng chất lượng dược sĩ đang còn nhiều băn khoăn.

Bên cạnh đó, bà Yến cũng kiến nghị cần có những quy định liên quan đến biện pháp quản lý, giám sát và chế tài phù hợp đối với việc đăng ký lưu hành dược phẩm. Thực tế đã có những trường hợp dù đã được cấp phép lưu hành ở Việt Nam nhưng trong suốt thời gian hiệu lực của số đăng ký thì lại không thương mại hóa bất cứ sản phẩm nào lưu hành trên thị trường.

Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều trường hợp khác muốn đăng ký lại không được. Nếu kiểm soát chặt vấn đề này thì sẽ loại bỏ được các số đăng ký thuốc ảo, ổn định thị trường dược phẩm. Ngoài ra, theo bà Yến, nhà nước cũng nên có các chính sách điều tiết việc sản xuất dược phẩm, tránh tình trạng quá nhiều cơ sở cùng sản xuất 1 sản phẩm, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh về giá.

Bên cạnh đó là các ý kiến về cần có một số trung tâm dự trữ thuốc hiếm quốc gia, quản lý việc mua bán thuốc trên các trang thương mại điện tử…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem