Căn cước khổ A4

Đinh Đức Hoàng Thứ hai, ngày 12/06/2023 19:00 PM (GMT+7)
Tôi đã bịa ra mục Quê quán trong căn cước của mình gần 20 năm về trước. Và việc này, hình như không có ý nghĩa gì.
Bình luận 0

Các đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa và Trần Hoàng Ngân, trong thảo luận tại tổ, nêu ý kiến: trên căn cước cá nhân không nên chỉ có quê quán của cha – mà nên có cả của mẹ. Lý do được đưa ra là "quê mẹ cũng mang rất nhiều ý nghĩa".

Không ai dám nói rằng quê cha hay quê mẹ không mang ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa này là ý nghĩa nào? Ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa tinh thần hay là ý nghĩa quản lý xã hội?

Nếu căn cước công dân là một công cụ để khẳng định tính nhân văn, uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam, thì mục "Quê quán" chắc chắn là một biểu hiện của điều đó. Và nó đưa căn cước công dân của nước ta vào hàng nhân văn bậc nhất. Trên thế giới hiện nay chỉ còn vài nước – theo một thống kê không đầy đủ là chỉ còn 2 nước – Việt Nam và Thụy Sĩ thể hiện nguyên quán trên giấy tờ tùy thân.

Và người Thụy Sĩ cũng chỉ ghi một quê – là quê của người mà đứa trẻ mang họ - quê cha hoặc quê mẹ đơn thân. Nếu Việt Nam có cả quê cha và quê mẹ trên giấy tờ tùy thân thì căn cước của chúng ta đúng là nhân văn bậc nhất, không còn nghi ngờ gì nữa. 

Nhưng trên nhiều diễn đàn mạng, độc giả lại băn khoăn rằng sao căn cước lại phải có ý nghĩa tinh thần? Vai trò quản trị xã hội của đầu mục "Quê quán" là gì?

Đến đây thì câu hỏi lại khó trả lời. Giá trị định danh, và qua đó là quản lý xã hội của mục "Quê quán" thực chất rất đáng ngờ. Người ta hoàn toàn có thể bịa ra quê của mình trên căn cước – như chính tác giả bài viết này.

Tôi vẫn nhớ mục Quê quán trong căn cước công dân của mình được khai như thế nào. Đó là sân của công an phường Đông Khê, Hải Phòng cách đây gần 20 năm. Một cậu bé đến tuổi làm chứng minh thư tự ra phường viết tờ khai. Tôi chỉ biết quê mình là Yên Bái. Bố tôi đã mất trước đó vài năm, khi tôi còn rất bé, và chúng tôi cũng không nói nhiều về nguyên quán (vì chính ông cũng chẳng lớn lên ở đó). Tôi về thăm bà nội mỗi năm vài lần - ở thị xã Yên Bái – nơi có căn nhà bố tôi đã lớn lên. Ông bà cũng không kể chuyện quê cũ. Hoặc có kể, thì một đứa trẻ cũng không nhớ nổi.

Cậu bé khi đó nghĩ, thị xã Yên Bái chính là quê mình rồi. Rồi lại nghĩ, thị xã mới lên thành phố mà. Tôi viết vào tờ khai.

Trên căn cước công dân của tôi bây giờ viết quê quán là "Thành phố Yên Bái, Yên Bái". Nó chắc chắn không giống mục quê quán trên giấy tờ của bố tôi, cũng không giống giấy khai sinh của chính tôi. Đơn giản là vì trước năm 2002 còn chẳng có địa danh thành phố Yên Bái. Đó là lời khai vội vàng của cậu bé năm xưa.

Nguyên quán của tôi thực chất ở Vân Hội, Trấn Yên, Yên Bái. Thậm chí có cả một quyển tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng viết về vùng đất này, trong đó có cả nhân vật là ông nội tôi. Nhưng về sau này, khi đã đến tuổi trưởng thành, tôi mới biết, mới nhớ – và tiếp nhận được ý nghĩa của nó. Quê cha tất nhiên có ý nghĩa. Việc ông bà nội tôi đã cùng xây dựng chiến khu Vần, chiến khu nổi tiếng của vùng Việt Bắc ở đó, tất nhiên có ý nghĩa.

Nhưng đó vẫn là ý nghĩa tinh thần. Đó vẫn là dạng ý nghĩa dành cho một người trưởng thành có mong muốn tinh thần với cội nguồn của mình.

Còn ý nghĩa quản trị xã hội, thì nó đã thành chuyện vớ vẩn ngay từ lúc tôi viết tờ khai làm chứng minh nhân dân năm 16 tuổi. Tôi không gặp vấn đề gì với cái địa danh "Thành phố Yên Bái" tự suy luận đó cả. Con trai tôi cũng ghi giấy khai sinh theo chứng minh thư của bố. Cũng chẳng quan trọng. Vì tôi – như bao người Việt Nam khác – không hiểu được dòng "quê quán" đó có ý nghĩa gì về mặt hành chính.

Đầu mục về quê quán đã ở đó, trong giấy tờ tùy thân của một người Việt Nam, ngay từ những sắc lệnh đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày mới thành lập. Nhưng trong một giai đoạn, nguyên quán thực sự có giá trị về mặt quản lý hành chính. Đó là khi con người thực sự có mối gắn kết với nguyên quán của mình, nơi vẫn còn gia đình, dòng họ. Những tấm giấy báo tử thời chiến được gửi về nguyên quán; những suất ruộng trong Cải cách ruộng đất được chia theo nguyên quán; những tấm huân chương được gửi về nguyên quán – mang theo niềm tự hào của cả dòng họ còn ở đó. 

Nhưng sau rất nhiều cuộc di cư, như khi ông nội tôi rời khỏi chiến khu và về thị xã Yên Bái, bố tôi rời khỏi Yên Bái để về Hải Phòng lập nghiệp, rồi tôi rời khỏi Hải Phòng để lên Hà Nội xây dựng gia đình, nguyên quán chỉ còn là một dòng vu vơ trên chứng minh thư và căn cước công dân.

Trong các nước phát triển, chỉ có Thụy Sĩ có nguyên quán trên giấy tờ. Nhưng chúng ta đơn giản là không thể tham khảo Thụy Sĩ về mặt quản lý hành chính được: chi tiêu ngân sách trên đầu người của họ nhiều gấp 30 lần nước ta. Họ chỉ có 8 triệu dân.

Ở một đất nước 100 triệu dân, đã trải qua 3 lần thay đổi định dạng giấy tờ tùy thân trong hơn một thập kỷ qua (mà vẫn còn chưa hoàn thiện), bớt đi được một đầu mục trên giấy tờ là việc đáng cân nhắc.

Tất nhiên, trở lại với lập luận của các đại biểu quốc hội nêu ở đầu bài, Việt Nam có thể quyết tâm xây dựng một nền quản lý hành chính giàu giá trị tinh thần. Tấm giấy tùy thân không chỉ hàm chứa giá trị định danh, mà còn thể hiện cả gốc gác, niềm tự hào, lịch sử và di sản văn hóa mỗi cá nhân mang theo.

Nếu xác định như vậy, việc ghi quê cha, quê mẹ là rất cần thiết. Thậm chí, tên cha, tên mẹ, tên vợ chồng con cái và quê quán của tất cả những người quan trọng đều đáng để ghi lên tấm giấy này.

Trên mạng, đã có độc giả, khi bàn đến việc "quê mẹ cũng rất có ý nghĩa", đã đề xuất việc căn cước công dân cần phải in khổ A4.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem