Các Đại biểu Quốc hội chia sẻ những điều ấn tượng nhất của kỳ họp thứ 5

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 24/06/2023 09:35 AM (GMT+7)
Chiều 24/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV sẽ bế mạc. Các đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ tâm huyết với Dân Việt khi đánh giá về kỳ họp này.
Bình luận 0

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Chủ tịch Quốc hội đi vào trực diện những vấn đề mà đại biểu quan tâm

Đại biểu Quốc hội: Kỳ họp thứ 5 thẳng thắn, xây dựng, trực diện, không né tránh - Ảnh 1.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh PV

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV là một kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng, nhiều vấn đề về kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong bối cảnh chúng ta đang phải quyết định rất nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư công. Do vậy, các quyết định liên quan đến kinh tế trong kỳ họp không chỉ giải "nút thắt" cho thúc đẩy kinh tế trước mắt mà có tác động lâu dài đến các hoạt động đầu tư công.

Đặc biệt, theo ông Cường, kỳ họp này có nhiều dự án luật quan trọng, vừa là dự án luật thông qua, vừa là dự án luật lấy ý kiến giai đoạn cuối. Chính vì vậy, những quyết định của kỳ họp này tác động rất mạnh đến các khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động kinh tế của đất nước.

Về mặt tổ chức, kỳ họp thứ 5 chia thành 2 đợt, ở giữa có một tuần để các cơ quan soạn thảo chuẩn bị tốt hơn, tiếp thu ý kiến để đưa vào luật trước khi biểu quyết. Đồng thời, nhiều đại biểu ở các địa phương kiêm nhiệm cũng có thời gian để xử lý công việc cá nhân. Nhờ cách tổ chức và nội dung đã khiến cho kỳ họp đạt được chất lượng tốt và hiệu quả.

Về các ý kiến thảo luận của đại biểu, đại biểu Cường chia sẻ, trong kỳ họp này ông thấy từ việc thảo luận luật cho đến thảo luận kinh tế, xã hội cũng như chất vấn các thành viên Chính phủ, các đại biểu luôn đưa ra những vấn đề trực diện, thẳng thắn, hầu như không nhắc lại báo cáo.

Quá trình điều hành của Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu rất trực diện những vấn đề mà các đại biểu đang muốn hỏi, thậm chí Chủ tịch Quốc hội cũng đưa thêm ý kiến của mình vào.

"Tôi cho rằng không khí làm việc của kỳ họp Quốc hội này là một không khí hết sức thẳng thắn, xây dựng và mang tính chất trực diện, không né tránh", ông Cường đánh giá.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương): 3 ấn tượng về kỳ họp

Đại biểu Quốc hội: Kỳ họp thứ 5 thẳng thắn, xây dựng, trực diện, không né tránh - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh QH

Đánh giá chung về kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đã đề ra, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân, trong đó kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp là dấu ấn quan trọng, nổi bật, đóng góp ý nghĩa vào thành công chung của kỳ họp.

Bà Nga có ba ấn tượng về dấu ấn nổi bật, đóng góp vào thành công chung kỳ họp thứ 5. Điều đầu tiên được bà Nga nhắc đến là về công tác tổ chức. Theo đó, kỳ họp đã được chia thành hai đợt thay vì một đợt như những lần trước đây. Trong một tuần nghỉ giữa hai đợt đã để cho các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội; tổng hợp báo cáo và giải trình các nội dung được đại biểu quan tâm. Tại đợt họp thứ hai của kỳ họp, Quốc hội đã xem xét thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng.

Ấn tượng thứ hai là về công tác lập pháp, kỳ họp có khối tượng công việc rất khổng lồ, lên đến 20 dự án luật và các nghị quyết quan trọng. Đây là một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như bản thân các đại biểu phải làm việc hết công suất.

Ấn tượng thứ ba là về thái độ, tinh thần làm việc của các đại biểu Quốc hội. Theo bà Nga, kỳ họp thứ 5 diễn ra trong không khí sôi nổi, các ý kiến đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí những con số đăng ký phát biểu cũng rất kỷ lục. Đại biểu lấy dẫn chứng trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành cũng dao động từ 100-120 lượt; có những phiên thảo luận như về Luật Đất đai (sửa đổi) có đến hơn 170 đại biểu đăng ký phát biểu.

Trong khi đó, đây là một dự án luật chuyên ngành khó, đồ sộ và liên quan đến hơn 100 luật, bộ luật khác nhau. Dù vậy, với tinh thần làm việc trách nhiệm, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận rất nhiều, thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu của đại biểu Quốc hội.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM): Các cuộc thảo luận rất sôi nổi

Đại biểu Quốc hội: Kỳ họp thứ 5 thẳng thắn, xây dựng, trực diện, không né tránh - Ảnh 5.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh QH

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm nên không khí các cuộc thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường luôn rất sôi động, các đại biểu đã có những phát biểu tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm trong việc chuẩn bị thông qua các dự thảo luật và cho ý kiến luật. Những nội dung liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội luôn được đại biểu quan tâm, không chỉ được phản ánh thực tế mà còn hiến kế đưa ra những kiến nghị về tình hình kinh tế xã hội của nước ta.

Theo đại biểu, từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã có những tác động rất lớn đối với những độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Điều này khiến kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, sang quý 1 là tăng trưởng thấp so với kỳ vọng. Mặc dù Chính phủ đã có quyết tâm, hành động quyết liệt nhưng để đạt được sự mong đợi ở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chúng ta cần tập trung cho 3 động lực tăng trưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng gồm: Đầu tư (nhất là đầu tư công); hỗ trợ tiêu dùng; xuất khẩu.

Với riêng mảng đầu tư, các đại biểu đã quan tâm rất nhiều về danh mục đầu tư bổ sung, quyết liệt để đẩy nhanh trong giải ngân đầu tư công. Số tiền dự toán cho giải ngân đầu tư công năm 2023 của nước ta là trên 700.000 tỷ đồng, chưa kể khoản đầu tư từ gói hỗ trợ về phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến gói an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm đến sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm trong việc đơn hàng cắt giảm.

Ngoài ra, theo ông Ngân, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã quan tâm đến việc giảm thuế. Chúng ta cần tiếp tục giảm thuế, phí nhiều hơn để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng tổng cầu trong nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế): Đại biểu Quốc hội ngày càng thể hiện trách nhiệm

Đại biểu Quốc hội: Kỳ họp thứ 5 thẳng thắn, xây dựng, trực diện, không né tránh - Ảnh 7.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh QH

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) nhận định, mỗi kỳ họp Quốc hội đều có sự đổi mới về phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức. Từ chuẩn bị các dự luật, dự thảo Nghị quyết, các chương trình lấy ý kiến Quốc hội, công tác tham gia nghiên cứu tài liệu, tham gia phát biểu, thảo luận đến công tác tiếp thu, giải trình, kết luận trước khi thông qua... rất chặt chẽ, cặn kẽ.

Theo bà Sửu, đại biểu Quốc hội ngày càng thể hiện được trách nhiệm bằng cách đầu tư thời gian, đăng ký phát biểu. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu ngày càng nhiều, điều này cũng phải có sự xem xét điều chỉnh lại nội dung chương trình làm sao cho phù hợp, phải có dự đoán, tính toán nội dung chương trình nào có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu để làm sao tiệm cận số lượng đăng ký với số lượng được phát biểu.

"Thực tế, công tác chuẩn bị tài liệu rất tốn kém thời gian, công sức của đại biểu. Khi đại biểu được phát biểu trực tiếp tại hội trường với việc gửi văn bản đến ban soạn thảo, đến cơ quan chức năng sẽ có những cái khác. Phát biểu bao giờ cũng mang tính chất sống động, có thể phát sinh những phát kiến mới rất hiệu quả so với văn bản giấy. Vì vậy, cần có một sự điều chỉnh thực sự nghiêm túc", bà Sửu nêu ý kiến.

Bà Sửu cho biết, kỳ họp Quốc hội nhiệm kỳ mới có thêm sự đổi mới là rút ngắn về mặt thời gian, có sự sắp xếp cho những đại biểu kiêm, đại biểu chuyên trách. Tuy nhiên, theo bà, cần có sự xem xét, đánh giá, điều chỉnh lại các nội dung, phương pháp lấy ý kiến, làm sao có nhiều ý kiến đại biểu được tổng hợp vào ác dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là các dự luật. Với sự đổi mới này sẽ bớt đi những "sạn, cát", những khuyết thiếu trong dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị ở cơ quan soạn thảo hay UBTVQH.

Nữ đại biểu cũng đánh giá cao về tần suất tranh luận của đại biểu Quốc hội. Theo bà, nội dung tranh luận mang tính chất lợi ích chung chứ không vì ý kiến cá nhân hay quyền lợi của cá nhân nào đó.

Bà cũng đánh giá cao các cơ quan truyền thông, báo chí tại kỳ họp có sự phân công, bố trí, sắp xếp hài hòa và truyền tải thông tin rất nhanh.

"Những phát biểu của đại biểu, có những ý kiến sáng tạo đều được các cơ quan truyền thông lĩnh hội tạo thành những tác phẩm càng ngày càng thể hiện trình độ, tính văn hóa trong truyền thông, điều này rất nên phát huy", bà Sửu nói.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem