Cá hoàng đế xuất xứ từ đâu, ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá "ngon hết nước chấm" này?

An Nguyên Thứ năm, ngày 10/08/2023 18:55 PM (GMT+7)
Cá hoàng đế là một trong những loài cá dữ và ăn tạp, có thể thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau nên loài cá này đang dần mất đi sự cân bằng tự nhiên.
Bình luận 0

Trước đây loài cá này sống nhiều ở khu vực hồ Trị An, vài năm trở lại đây, loài cá này còn xuất hiện ở cả một vùng hồ Thác Bà. Tuy nhiên thời gian gần đây do sự khai thác bừa bãi đã làm cho loài cá này suy giảm số lượng khá lớn.

Cá hoàng đế có xuất xứ từ đâu?

Cá hoàng đế, còn được gọi là Cichla ocellaris. Chúng thuộc họ Cichlidae và được biết đến với tên gọi "Cá hoàng đế" do hình dạng và màu sắc đẹp mắt.

Cá hoàng đế là loài cá săn mồi và có thể ăn hầu hết tất cả mọi thứ vừa miệng. Chúng có kích thước lớn, thường có chiều dài từ 30 đến 60 cm, và có khả năng di chuyển nhanh trên nước. Chúng là loài cá nước ngọt và thích sống trong môi trường nước ấm.

Cá hoàng đế xuất xứ từ đâu, ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá này - Ảnh 1.

Cá hoàng đế đực thường có một cái u ở trên đầu còn con cái thì không. Cá cái đẻ mỗi lần từ 2.000 - 3.000 trứng. (Ảnh 4so9)

Cá hoàng đế có tên tiếng Anh là Peacock Bass, tên khoa học Cichla ocellaris, thuộc họ cá Hoàng đế Cichlidae và bộ cá Vược Perciformes. Loài này thường gặp ở vùng nước ngọt. Giống như hầu hết các loài thuộc họ Cichlidae, cá Hoàng đế phân chia lãnh thổ và rất hiếu chiến.

Cá hoàng đế là loài ăn thịt. Chúng bắt mồi nhờ vào tốc độ truy đuổi nhanh, ngược lại với cách săn mồi phục kích thường thấy ở các loài cá ăn thịt khác. Ở Việt Nam, thức ăn của chúng thường là các loài cá nhỏ như mè dinh, cá trắng, cá lòng tong đá... Với cách tấn công con mồi nhanh, gọn như vậy, nguy cơ tiềm ẩn về một số loài bản địa bị tuyệt chủng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cá hoàng đế xuất xứ từ đâu, ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá này - Ảnh 2.

Mặc dù là loài cá ăn thịt hung dữ có khả năng làm thay đổi môi sinh quanh khu vực chúng sinh sống nhưng thịt cá hoàng đế lại rất thơm ngon và bán được giá. (Ảnh Staticflickr)

Cá hoàng đế là giống cá nước ngọt được tìm thấy nhiều ở khu vực Bắc Mỹ, Trung và Nam Mỹ, ngoài ra còn có khu vực Ấn Độ và Châu Phi. Loài cá này có thân hình không quá lớn nhưng lại di chuyển nhanh và khá hung dữ, chúng thích phá hoại các thảm thực vật khác cũng như ăn tất cả mọi sinh vật nhỏ bé hơn chúng.

Loài cá này có ruột khá ngắn và chiều dài cơ thể có thể lên đến 70cm. Một số loài cá hoàng đế có khả năng thích nghi với môi trường khá cao và khả năng sinh sản mạnh nên trước đây loài cá này luôn là một nỗi kinh hoàng làm mất cân bằng tự nhiên.

Ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá hoàng đế này

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là khu bảo tồn) là đơn vị quản lý 32.400 ha mặt nước hồ Trị An. Ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt phó Hạt kiểm lâm (thuộc khu bảo tồn) kể, khoảng năm 2006 cá hoàng đế xuất hiện ở hồ Trị An.

Chỉ trong thời gian ngắn, loài cá này đã sinh sôi nảy nở và nhanh chóng chiếm lĩnh khắp vùng hồ rộng lớn. "Thấy cá lạ, thả lưới dính rất nhiều nhưng ngư dân cũng chỉ gỡ rồi ném đi chứ không dám mang về ăn. Cá có màu vàng khá rực rỡ nên người ta gọi tên là cá hoàng đế, riết dần thành quen", ông Phước cho biết.

Cá hoàng đế xuất xứ từ đâu, ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá này - Ảnh 3.

Cá hoàng đế đi săn theo bầy và có tốc độ bơi nhanh nên nó trở thành “hung thần” đối với một số loài cá khác nhỏ hơn như cá cơm, cá linh, cá lòng trong....(Ảnh Cloudinary)

Lúc bấy giờ, thông tin về loài cá lạ xâm chiếm lòng hồ gây xôn xao và dấy lên lo ngại việc cá hoàng đế sẽ hủy hoại môi trường sinh thái ở hồ Trị An. Nhiều người còn cho rằng đây là loại cá hổ Piranha ở Nam Mỹ, chuyên ăn thịt và có sức tàn phá khủng khiếp. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra. Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức đoàn đi khảo sát và tìm được người phát tán con cá hoàng đế ra hồ.

Sau đó một số ngư dân bắt cá hoàng đế làm thịt ăn và truyền tai nhau rằng cá khá ngon, có nhiều thịt, không có xương dăm nên việc đánh bắt loài cá này bắt đầu trở nên rầm rộ. Hằng ngày, mỗi ghe có thể bắt được cả chục ký cá hoàng đế.

Cá hoàng đế có màu vàng nhạt, miệng rộng, trên lưng có ba sọc màu đen, ở đuôi có một chấm đen khá lớn, bao quanh là một vòng màu vàng giống lông chim công. Cá hoàng đế sinh sản hữu tính, mỗi lần đẻ 2.000 - 3.000 trứng, có sức chịu đựng cao với mọi môi trường thời tiết.

Chúng thường đi săn theo bầy hàng ngàn con, tốc độ truy đuổi nhanh và ăn tạp, nên được ngư dân xem là "hung thần" của các loài cá nhỏ như: mè dinh, cá cơm, cá linh, cá lòng tong... "Tôi đã từng kiểm tra răng và mổ cá hoàng đế để xem thì thấy cấu trúc bao tử và ruột cá rất ngắn, giống với loại cá ăn động vật. Trong bao tử cá hoàng đế khi mổ ra vẫn thường có cá nhỏ chưa được tiêu hóa hết", ông Phước nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, khi cá hoàng đế ra ngoài và phát triển dưới hồ Trị An thì cũng chưa có cơ quan khoa học nào khảo sát đánh giá tác động của nó với môi trường tự nhiên. "Xuất hiện trên hồ Trị An, tôi thấy cá hoàng đế cũng tương đối hòa thuận với cá bản địa. Ngoài ra đây cũng là nguồn thu nhập khá của người dân. Đến nay, người dân đánh lưới, đi câu vẫn còn bắt được cá hoàng đế nhưng số lượng giảm rất nhiều so với lúc trước", ông Phước nói.

Cá hoàng đế xuất xứ từ đâu, ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá này - Ảnh 5.

Cá hoàng đế rất thích ăn các loại mồi tự nhiên, đặc biệt là những con tép sống. Người ta có thể câu được loài cá này cả vào ban ngày lẫn ban đêm. (Ảnh Vncreatures)

Để kiểm soát số lượng cá hoàng đế, các ngư dân trong khu vực đã tiến hành khai thác quy mô lớn và sử dụng các phương pháp đánh bắt hiện đại. Đến nay cá hoàng đế gần như vắng bóng tại hồ Trị An bởi sự đánh bắt kiểu tận diệt của ngư dân.

Tình trạng giảm số lượng cá hoàng đế cũng có thể làm giảm sự tác động tiêu cực của chúng đến môi trường. Tuy nhiên, việc duy trì cân bằng giữa việc kiểm soát loài và bảo vệ môi trường là một thách thức đối với quản lý và bảo tồn các loài cá trong khu vực.

Nếu cá hoàng đế xuất hiện ở hồ Trị An từ năm 2006 thì mấy năm trở lại đây, trên vùng hồ Thác Bà cũng đã thấy xuất hiện loài cá này.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Hà ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái kể lại: "Khoảng năm 2022, thi thoảng thấy một con mắc lưới. Thấy lạ, tôi lên mạng tìm hiểu thì biết đây là giống cá hoàng đế. Thời gian sau, số lượng cá đông dần. Nhiều người tranh thủ đi câu nhằm cải thiện bữa ăn. Do con cá này khá phàm ăn nên câu cũng dễ". Thế rồi cùng với sự xuất hiện và gia tăng giống cá ngoại lai này trên hồ Thác Bà là sự giảm sút đáng kể của số lượng tôm. Tình trạng này đòi hỏi những nhà khoa học cần lên tiếng, nhà quản lý cần vào cuộc, biến nguy cơ thành lợi thế.

Cá hoàng đế xuất xứ từ đâu, ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá này - Ảnh 6.

Săn cá hoàng đế ở hồ Thác Bà. Ảnh: Nếm TV.

Hoàng, 43 tuổi, chủ một chuỗi cửa hàng đồ câu ở Hà Nội và lân cận có thâm niên vài chục năm cầm cần. Anh bảo nghe dân câu nói ở hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái) gần đây xuất hiện cá hoàng đế, loài quái ngư ngoại lai xưa nay chỉ nghe thấy có ở hồ thủy điện Trị An tít trong Nam nên quyết lên săn tìm cho thỏa chí tò mò.

Ở hồ thủy điện Thác Bà, dân câu muốn săn cá hoàng đế thường dùng 2 cách. Một là câu ngâm (thả mồi rồi chờ cá đến cắn câu) bằng mồi cá sống, giun và được "tín nhiệm cao nhất" là mồi tôm sống. Cách thứ hai là câu rê (câu lure) bằng mồi giả.

Cá hoàng đế xuất xứ từ đâu, ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá này - Ảnh 7.

Ảnh: Tuan Do (thegioicauca)

Điều đặc biệt ở loài cá hoàng đế là càng động nước, chúng càng kéo đến nhanh. Cách bắt mồi nhanh, hung tợn của chúng chính là yếu tố kích thích dân câu. Đối với những tay câu như Hoàng, cá hoàng đế ở hồ thủy điện Thác Bà mang lại niềm vui săn bắt bên khung cảnh non nước bao la và hùng vĩ. Có thêm các tay câu kéo đến vùng lòng hồ Thác Bà, những người kinh doanh homestay ở đây cũng có thêm thu nhập. Ngư dân không tỏ ra lo lắng mấy vì cho đến nay chưa thấy gì xảy ra.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái cho hay, sau khi nghe người dân phản ánh về loài cá lạ xuất hiện trên vùng hồ Thác Bà, đơn vị đã cử cán bộ chuyện môn kiểm tra, xác định đây là loại cá có tên tiếng Anh là Peacock bass, tên khoa học Cichla ocellaris, thuộc họ cá hoàng đế. Đây không phải là giống cá bản địa. Người dân vùng lòng hồ, Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái không nuôi, thả loại cá này xuống hồ Thác Bà...

Cá hoàng đế xuất xứ từ đâu, ở Việt Nam từng có 2 hồ thủy điện có loài cá này - Ảnh 8.

Những thợ săn câu cá hoàng đế.

Có giả thiết cho rằng, vì loại cá này nhìn khá bắt mắt nên có thể người dân nào đó đem về nuôi cảnh và vô tình để lọt ra môi trường. Và, đầu nguồn hồ Thác Bà là con sông Chảy được bắt nguồn từ Trung Quốc, vì vậy cũng không loại trừ cá này từ một ao hồ nào đó từ phía Trung Quốc theo mưa lũ đã di chuyển về hồ Thác Bà. "Chúng tôi chưa có điều kiện đánh giá tác động của việc cá hoàng đế xuất hiện ở hồ Thác Bà. Nghe bà con nói thì cũng chưa thấy có gì ảnh hưởng", ông Thắng cho biết.

Sông Chảy, nguồn nước chính của hồ Thác Bà, khởi nguồn từ Hà Giang. Đoạn chảy qua huyện Si Ma Cai của Lào Cai có khoảng 5 km con sông là biên giới tự nhiên giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Vì thế, giả thiết cá theo lũ từ ao hồ bên Trung Quốc trôi về cũng không loại trừ. "Chúng tôi đã khảo sát khu vực lòng hồ Thác Bà thì thấy không ai nuôi loài cá này cả", ông Nguyễn Ngọc Thắng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem