Vì sao thanh long rơi vào khủng hoảng thừa ở thị trường nội địa, nên chăng giám sát quy hoạch vùng trồng?

Đặng Dũng Thứ bảy, ngày 16/04/2022 19:05 PM (GMT+7)
“Giá thanh long còn 500 - 1.500 đồng/kg, nông dân Bình Thuận ứa nước mắt”; “Thanh long 2.500 đồng/3kg không ai mua”; “Thanh long không bán được, nhà vườn điêu đứng”…
Bình luận 0

Chỉ điểm qua vài cái tít trên các báo những ngày qua là hình dung được hoàn cảnh của người trồng thanh long ở Bình Thuận, khi sản phẩm không tiêu thụ được vì ảnh hưởng dịch Covid-19 từ năm 2021 tới nay.

Cả 63 tỉnh, thành đã trồng thanh long, bảo sao rơi vào khủng hoảng thừa ở thị trường nội địa - Ảnh 1.

Một vườn thanh long bị phá bỏ ở Bình Thuận.

Nhiều nhà vườn lỗ nặng, không còn khả năng đầu tư điện, nước, phân, thuốc, nhân công để chăm sóc thanh long nữa. Nông dân đã phá bỏ diện tích thanh long trồng trên chân ruộng, quay lại trồng lúa. 

Đối với diện tích thanh long trồng trên đất màu, nông dân bỏ mặc chết cháy trong nắng hạn. Chỉ riêng huyện Hàm Thuận Bắc, thống kê bước đầu giảm khoảng 1.500 ha thanh long, xã giảm nhiều vài trăm ha, xã giảm ít vài chục ha. 

Dự báo diện tích thanh long còn tiếp tục giảm trong thời gian tới, khi dịch bệnh vẫn hoành hành, thị trường tiêu thụ chưa có chuyển biến. Liệu có phải thời hoàng kim của cây thanh long đã hết? Hay là điệp khúc “trồng - chặt” lại bắt đầu với cây thanh long, như với nhiều cây trồng khác? 

Nhưng chắc chắn rằng nhà nông đã rất đau lòng phải phá bỏ diện tích thanh long nhiều năm mới gây dựng được.

Những năm qua, diện tích thanh long ở Bình Thuận liên tục phát triển “nóng”, vượt xa quy hoạch (đến năm 2025 đạt 30.000 ha - NV), tập trung ở Hàm Thuận Nam (15.000 ha), Hàm Thuận Bắc (9.000 ha), Bắc Bình (4.700 ha)… Chính quyền luôn khuyến cáo không mở rộng diện tích thanh long, còn người dân cứ tự phát mạnh ai nấy trồng. 

Hậu quả là cạn kiệt nguồn nước tưới, quá tải nguồn cung ứng điện, thị trường, giá cả tiêu thụ luôn bấp bênh do khủng hoảng thừa, cung vượt cầu, nhiều lần phải kêu gọi cộng đồng giải cứu.

Không chỉ cây thanh long phát triển “nóng” ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, mà nay cả 63 tỉnh, thành đã trồng thanh long, khiến việc tiêu thụ nội địa thêm khó khăn. Còn xuất khẩu, thị trường chính là Trung Quốc đã liên tục mở rộng diện tích trồng thanh long, nay đã vượt Việt Nam. Sức ép tiêu thụ sản lượng 700.000 tấn quả thanh long hàng năm (riêng của Bình Thuận) ngày càng lớn.

Trong tương lai, Bình Thuận xác định thanh long vẫn là cây trồng chủ lực, nhưng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, lấy thị trường làm chủ, dẫn dắt sản xuất. 

Trả lời bổ sung thêm về các câu hỏi về ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc, tại phiên trả lời chất vấn của Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Nếu nông sản không ùn ứ ở cửa khẩu thì cũng sẽ ùn ứ ở các vùng nguyên liệu, hoặc nơi nào đó. 

Theo Bộ trưởng: Cần nhìn vấn đề rộng ra, dưới góc nhìn cung - cầu, tư duy sản xuất và tư duy thị trường. Để khắc phục căn cơ, tận gốc rễ tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, trước tiên cần tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát… Tránh tình trạng sau thời gian nữa nông sản bán chạy, chúng ta lại quên ngay những tháng ngày ùn tắc, gây thiệt hại vô cùng to lớn vừa qua.

Nếu tiếp cận vấn đề theo cách Bộ trưởng Hoan, thì nên nhìn nhận một cách tích cực việc nông dân phá bỏ diện tích thanh long không còn hiệu quả, chuyển sang cây trồng khác. Nói cách khác, hãy coi đây như một cơ hội để tổ chức lại sản xuất cây thanh long.      

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem