Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau nắm chắc tình hình thương lái thu mua lúa

P.V Chủ nhật, ngày 03/03/2024 09:29 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị lãnh đạo 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau nắm chắc tình hình thương lái thu mua lúa, tránh tình trạng thương lái bỏ cọc, ép giá nông dân; có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp đủ tài chính thu mua lúa của người dân.
Bình luận 0

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, giá lúa gạo hôm nay 3/3 vẫn duy trì ổn định. Cụ thể, giá lúa tươi mua tại ruộng ở mức 7.200 – 8.000 đồng/kg. Lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.800 – 8.000 đồng/kg, lúa IR 504 ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.300 - 7.400 đồng/kg; lúa Nàng hoa 9 dao động 7.500 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang… thị trường lúa mới giao dịch ổn định trong phiên cuối tuần, giá các loại lúa bình ổn.

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo có địa chỉ ở TP.Hồ Chí Minh, sau khi có thông tin Indonesia nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, giá lúa đã chặn được đà giảm và quay đầu tăng nhẹ. 

Cụ thể, sau khi giảm mạnh từ 1.199 - 1.300 đồng/kg trong tuần trước đó, tuần qua giá lúa các loại đã tăng trở lại với mức tăng từ 50 - 400 đồng/kg. Theo đó, giá Đài thơm 8 tăng 400 đồng/kg so với tuần trước; lúa OM 18 tăng 200 đồng/kg; Năng Hoa 9 tăng 300 đồng/kg; IR 504 tăng 100 đồng/kg; OM 5451 tăng 100 đồng/kg.

Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến với 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị lãnh đạo địa phương nắm chắc tình hình thương lái thu mua lúa, tránh tình trạng thương lái bỏ cọc, ép giá nông dân; có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp đủ tài chính thu mua lúa của người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau nắm chắc tình hình thương lái thu mua lúa- Ảnh 1.

Thương lái thu mua lúa của nông dân ở Tiền Giang. Ảnh: Báo Ấp Bắc.

Trong khi đó, trong phiên giao dịch gần nhất, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã rơi mất mốc 600 USD/tấn, hiện đạt 594 USD/tấn với gạo 5% tấm. 

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nguyên nhân chủ yếu khiến giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là do yếu tố tâm lý. Hiện nay, các nhà nhập khẩu gạo biết rằng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nên chưa vội mua vào nên chờ giá tốt. Trong khi yếu tố thời vụ đã trở thành quy luật từ nhiều năm qua, tuy nhiên năm nay do giá gạo Việt Nam ở mức khá cao nên mức giảm mạnh hơn.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp này cũng cho rằng, giá gạo giảm chỉ là tạm thời, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước vẫn ở mức cao sẽ nhanh chóng đưa giá gạo tăng trở lại, nhất là trong bối cảnh El Nino gây hạn hán khiến nguồn cung lúa gạo giảm sút tại nhiều nước như hiện nay.

Lúa gạo là hàng hóa thiết yếu với trên 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hàng ngày và được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh tình hình thương mại gạo toàn cầu chịu tác động bởi nhiều yếu tố (lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia;…) đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới.

Việt Nam là một trong 03 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.

Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. 

“Xuất khẩu gạo có thể được coi là một điểm sáng với nhiều thành tích đáng ghi nhận sau những nỗ lực xuyên suốt của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân.” - ông Trần Quốc Toản nhận định.

Năm 2024, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng, cụ thể, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo, cùng với đó, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Tín hiệu khả quan trong dự báo nhập khẩu vẫn xuất hiện tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines; các thị trường Việt Nam có lợi thế với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; hay các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ hay các quốc gia Trung Đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem