Bộ NNPTNT: Huy động 1.958 tỷ đồng xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông lâm sản, nơi nào đầu tư lớn nhất?

Trần Khánh – Quốc Hải Thứ ba, ngày 29/03/2022 14:16 PM (GMT+7)
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn tại 13 tỉnh là 1.958,3 tỷ đồng. Đây sẽ là các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.
Bình luận 0

Đây là thông tin được Bộ NNPTNT cho biết tại hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, tổ chức tại TP.HCM ngày 29/3.

Khắc phục điểm yếu vùng nguyên liệu nông, lâm sản

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu. Và vùng nguyên liệu cũng là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững.

Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị.

Hội nghị triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, tổ chức tại TP.HCM ngày 29/3. Ảnh: Trần Khánh

Hội nghị triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, tổ chức tại TP.HCM ngày 29/3. Ảnh: Trần Khánh

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp nói chung và việc phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa nói riêng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn là phổ biến. 

Nhiều nhà máy chế biến nông sản được xây dựng nhưng thiếu các vùng nguyên liệu.

Một số vùng nguyên liệu đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị tốt, hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh yếu kém.

Thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng.

Nhiều vùng nguyên liệu vẫn chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, nhất là ở các vùng nguyên liệu hàng hóa liên vùng, phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết các doanh nghiệp nên việc triển khai các chính sách của nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ. Nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Tất cả những hạn chế trên đây góp phần dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế.

"Hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí còn thường xuyên xảy ra, khiến lợi nhuận dành cho các nông hộ nhỏ còn thấp", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo xây dựng "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025".

Vùng nguyên liệu trồng thanh long sạch để xuất khẩu ở tỉnh Long An. Ảnh: Trần Khánh

Vùng nguyên liệu trồng thanh long sạch để xuất khẩu ở Long An, một trong những tỉnh tham gia đề án. Ảnh: Trần Khánh

Đề án nhằm thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, đề án thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 13 tỉnh thành, triển khai trên các sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, rừng trồng gỗ lớn.

Qua đó, Đề án sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả ra cả nước.

Triển khai tại 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn tại 11 tỉnh

Dự án 1: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện: 727,2 tỷ đồng. 

Dự án 2: Tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu. Tổng nhu cầu kinh phí: 439,6 tỷ đồng.

Dự án 3: Phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện: 71 tỷ đồng.

Dự án 4: Phát triển liên kết chuỗi giá trị. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện: 720,5 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án tại 11 tỉnh là 1.958,3 tỷ đồng.

Nếu tính trên nhu cầu chia theo vùng nguyên liệu:

Vùng Cây ăn quả miền núi phía Bắc: 268,7 tỷ đồng (13,72%);

Vùng gỗ rừng trồng Duyên Hải miền Trung: 396,6 tỷ đồng (20,26%);

Vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên: 519 tỷ đồng (26,5%);

Vùng lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên: 355,3 tỷ đồng (18,14%);

Vùng Cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười: 413,2 tỷ đồng (21,1%).

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Khánh

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Khánh

Cũng tại Hội nghị, Bộ NNPTNT công bố đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Mục tiêu của đề án này nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ; phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông thôn, góp phần củng cố xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam, đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản.

Tổng kinh phí của Đề án này là 40 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025.

Các đề án có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển ngành nông nghiệp. Việc hình thành các chuỗi giá trị liên kết trong các vùng nguyên liệu trên địa 13 tỉnh sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Kết quả đầu tư sẽ từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn và chất lượng sản phẩm đồng đều tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân.

Việc đầu tư nguồn vốn nói trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng nông sản và giảm giá thành đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị gia tăng cho người sản xuất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đã có rất nhiều địa phương mong muốn tham gia vào 2 đề án này của Bộ NNPTNT. Tuy nhiên, đây là những đề án thí điểm bước đầu, sau đó mới nhân rộng ra các tỉnh thành.

"Các đề án có thành công hay không cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan tham gia vào đề án", Thứ trưởng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem