Bình Thuận nhân rộng mô hình ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở sau phản ánh của Dân Việt

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 12/09/2023 06:05 AM (GMT+7)
Ngày 11/9, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác đã đến vùng biển mũi Kê Gà huyện Hàm Thuận Nam để khảo sát thực tế mô hình “Ngư dân góp tiền xây ‘túp lều vàng’ giữa biển cho cá ở” mà Dân Việt đã phán ánh.
Bình luận 0

Chiều 11/9, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong sáng cùng ngày ông và đoàn công tác của UBND tỉnh đã có chuyến khảo sát mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại huyện Hàm Thuận Nam. Đây là mô hình hay mà Dân Việt đã có loạt bài “Ngư dân góp tiền xây ‘túp lều vàng’ giữa biển cho cá ở” trước đó.

Bình Thuận nhân rộng mô hình “Ngư dân góp tiền xây ‘túp lều vàng’ giữa biển cho cá ở” sau phản ánh của Dân Việt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận( thứ hai từ phải sang) tại buổi khảo sát và trao đổi với bà con cộng đồng ngư dân ở vùng biển mũi Kê Gà huyện Hàm Thuận Nam sáng 11/9. Ảnh: Nguyễn Phương

Cộng đồng ngư dân hưởng ứng

Theo đó, ông Nguyễn Hồng Hải cùng và các sở, ngành, địa phương liên quan đã đi khảo sát mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại xã Thuận Quý, Tân Thành và xã Tân Thuận ở vùng biển Mũi Kê Gà huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Báo cáo với đoàn công tác, UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, năm 2015 dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý Sò lông góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam” được Hội nghề cá tỉnh xây dựng, Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP/GEF SGP) tài trợ kinh phí thực hiện.

Cho đến năm 2018, chương trình được UNDP/GEF SGP tiếp tục tài trợ thực hiện nhân rộng thêm 2 xã: Tân Thành, Tân Thuận.

Thông qua dự án nhằm thúc đẩy trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng liên quan, kết quả của dự án đã huy động và phát huy được vai trò của ngư dân, chính quyền và các Đoàn thể tại cơ sở trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Thông qua chương trình này đã xây dựng được Hội cộng đồng ngư dân tại các xã Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận trên vùng biển mũi Kê Gà huyện Hàm Thuận Nam.

Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, hiện nay, Hội cộng đồng ngư dân ở các xã trên đã đã kết nạp gần 290 hộ tham gia.

Bình Thuận nhân rộng mô hình “Ngư dân góp tiền xây ‘túp lều vàng’ giữa biển cho cá ở” sau phản ánh của Dân Việt - Ảnh 2.

Thả phao đánh dấu vùng biển có những "túp lều vàng" cho các loại cá tôm ở vùng biển mũi Kê Gà: Ảnh: PV

Điều đáng trân trọng là công đồng ngư dân còn tự huy động đóng góp được 210 triệu đồng để xây dựng nguồn quỹ duy trì sinh hoạt và tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển này.

Để tạo thuận lợi cho cộng đồng, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã ban hành Quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho Hội cộng đồng ngư dân các xã: Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận. Tổng diện tích vùng biển được giao là 43,4 km2.

Qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo của các sở, ngành, địa phương, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận những nỗ lực của các thành viên thường trực Hội cộng đồng ngư dân các xã: Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận trong việc duy trì hoạt động của Hội.

Mô hình thiết thực, hiệu quả

Ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định: Mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại huyện Hàm Thuận Nam rất thiết thực, hiệu quả. Mô hình này đã mang lại nguồn lợi thủy sản nhiều hơn, nâng cao thu nhập cho ngư dân, được đông đảo ngư dân đồng tình ủng hộ.

Bình Thuận nhân rộng mô hình “Ngư dân góp tiền xây ‘túp lều vàng’ giữa biển cho cá ở” sau phản ánh của Dân Việt - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận( thứ hai từ trái sang) tại buổi khảo sát và trao đổi với bà con cộng đồng ngư dân ở vùng biển mũi Kê Gà huyện Hàm Thuận Nam sáng 11/9. Ảnh: Nguyễn Phương

Ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn vị trí phù hợp để tiếp tục nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các địa phương ven biển, mục tiêu của tỉnh là khai thác thủy sản bền vững.

Riêng việc những cá nhân khác cố tình khai thác trái phép trong vùng biển thực hiện mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại xã Tân Thành, ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Đồn Biên phòng xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Những vùng "biển chết"đang hồi sinh

Trước đó vào những ngày 25 và 26/5 vừa qua, Dân Việt đã có loạt bài phản ánh Ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở.

Loạt bài phản ánh nhờ tuyên truyền giữa Nhà nước và bà con cộng đồng ngư dân ven biển huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), 100% hội viên chấp hành đúng các quy định của pháp luật nên giảm thiểu, chấm dứt việc sử dụng ngư cụ cấm (kích điện, lờ dây), khai thác cạn cạn kiệt những loài thủy hải sản còn non, hồi sinh những vùng "biển chết"…

Bình Thuận nhân rộng mô hình “Ngư dân góp tiền xây ‘túp lều vàng’ giữa biển cho cá ở” sau phản ánh của Dân Việt - Ảnh 4.

Ngư dân trong cộng đồng huyện Hàm Thuận Nam bàn tính chuyện đóng góp cho nguồn thủy sản phong phú hơn. Ảnh: Bùi Phụ

Theo ông Đồng Văn Triểm, Chủ tịch Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý, nhiều năm qua ông và nhiều người trong hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cho những ngư dân khác ở trong và ngoài địa phương hiểu rõ sự tác hại khi khai thác cá – tôm – sò – mực còn non.

"Bà con sống trong cộng đồng rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, đặc biệt là thực hiện các chính sách, các quy định của pháp luật về khai thác hải sản trên biển. Mình tuyên truyền đúng, có hiệu quả kinh tế nên bà con rất ủng hộ…", ông Triểm chia sẻ.

Trao đổi với Dân Việt, ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Bình Thuận cho biết, thông qua tổ chức Hội cộng đồng ngư dân, những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng, ngư dân… được các cấp nắm bắt và xử lý kịp thời. Việc này đã tránh được những mâu thuẫn nội bộ, tạo sự đoàn kết lớn trong cộng đồng dân cư.

"Hội cộng đồng đang phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống nghề cá của địa phương. Các thông tin phục vụ hoạt động sản xuất được các ngư dân chia sẻ với nhau nhiều hơn. Các thành viên thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạt động trên biển, đặc biệt thông qua dự án đã tạo sự liên hệ, gắn kết giữa cộng đồng 3 xã ở huyện Hàm Thuận Nam…", ông Huỳnh Quang Huy tâm sự.

Bình Thuận nhân rộng mô hình “Ngư dân góp tiền xây ‘túp lều vàng’ giữa biển cho cá ở” sau phản ánh của Dân Việt - Ảnh 5.

Vùng biển mũi Kê Gà ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: TTXTDL Bình Thuận.

Sự đóng góp của cộng đồng ngư dân mũi Kê Gà 

Theo Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận, tính đến nay, Hội cộng đồng xã Thuận Quý đã huy động đóng góp kinh phí mua lại 113,4 tấn sò lông bị người dân khai thác thả lại về biển. Các Hội đã tổ chức thi công 41 điểm rạn nhân tạo trên biển để đánh dấu, ngăn chặn nghề lưới kéo, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi.

Các hội tự tổ chức phân công cho thành viên theo dõi, nắm tình hình về khai thác, thời tiết, nguồn lợi, vụ việc vi phạm trên biển, ghi chép vào sổ nhật ký.

Những thông tin quý giá trên, được cộng đồng cung cấp cho Chi cục Thủy sản thường xuyên. Tin có độ tin cậy cao, từ đó, giúp lực lượng chức năng có những giải pháp, biện pháp xử lý kịp thời.

Hội đã báo cáo hàng trăm lần thông tin các tàu vi phạm về hoạt động khai thác, ngư trường, nguồn lợi thủy sản không đúng quy định…

Bình Thuận nhân rộng mô hình “Ngư dân góp tiền xây ‘túp lều vàng’ giữa biển cho cá ở” sau phản ánh của Dân Việt - Ảnh 6.

Những khối bê tông nặng được thả xuống biển để ngư dân dùng chà nối vào thành những "túp lều vàng" cho cá ở. Ảnh: PV

Nhờ những nguồn tin này, tình hình vi phạm pháp luật thuỷ sản trong vùng biển thực hiện đồng quản lý giảm rất nhiều so với trước đây. Qua đó, hạn chế những thiệt hại về ngư lưới cụ do lưới kéo gây ra. Đặc biệt là giảm các mâu thuẫn, tranh chấp, nguy cơ xung đột trên biển.

"Có thể nói, Hội cộng đồng ngư dân do dự án xây dựng là nền tảng, cơ sở cho việc xây dựng nghề cá hiện đại, văn minh; góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa phương. Đây là mô hình phù hợp để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng trong thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017…", ông Huỳnh Quang Huy nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem