Bình Phước: Trồng cây lạ mang tên cây sachi, bán giống nói như "rót mật vào tai", dân vỡ mộng làm giàu

Thứ bảy, ngày 19/12/2020 06:37 AM (GMT+7)
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Bình Phước đã lựa chọn cây sachi thay thế cây tiêu dù chưa có bất cứ đánh giá cụ thể nào về hiệu quả kinh tế. Hậu quả, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nhà vườn rơi vào cảnh dở khóc, dở cười bởi sản phẩm bán không ai mua.
Bình luận 0

Bình Phước được biết đến là một trong những tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn của cả nước. Những năm gần đây, hồ tiêu không chỉ mất mùa, rớt giá, một số nơi còn bị chết hàng loạt khiến nhiều hộ nông dân rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Bình Phước: Trồng cây lạ mang tên cây sachi, bán giống nói như "rót mật vào tai", dân tự phát dẫn tới tự hại - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 4, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) đang để lại 3 sào cây sachi với hy vọng công ty quay trở lại thu mua quả và hạt sachi, nhằm gỡ gạc ít vốn đầu tư

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ đã lựa chọn cây sachi thay thế dù chưa có bất cứ đánh giá cụ thể nào về hiệu quả kinh tế. 

Hậu quả, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nhà vườn rơi vào cảnh dở khóc, dở cười bởi sản phẩm trái sachi, hạt sachi bán không ai mua. 

Từ chỗ được quảng cáo là “vua của các loại hạt”, nhiều hộ đã vỡ mộng làm giàu từ cây sachi. Đây cũng là hậu quả của việc chuyển đổi cây trồng một cách cảm tính, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Trước tình trạng cây hồ tiêu mất mùa, rớt giá, nhiều vườn cây hồ tiêu chết hàng loạt và trong lúc chưa biết lựa chọn giống cây trồng thay thế phù hợp, một số hộ dân tại huyện Bù Đốp như “chết đuối vớ được cọc” khi được một số công ty giới thiệu sản phẩm cây sachi với hiệu quả kinh tế rất cao. 

“Người trồng sẽ được công ty hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với mức giá sàn 35.000 đồng/kg hạt đen, trái sachi khô giá 17.000 đồng/kg và thu mua liên tục trong 15 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Sachi chỉ trồng khoảng 6-8 tháng có thể cho thu hoạch, vòng đời kéo dài tới 20 năm. Không những vậy cây sachi còn bán được từ lá, hoa, thân, cành cho đến rễ. Có một loại cây như vậy để trồng, người dân chúng tôi làm giàu chả mấy chốc” - anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 4, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) kể lại.

“Rót mật vào tai”

Cây sachi được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam từ năm 2014 nhưng chỉ với diện tích nhỏ lẻ, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng như công ty để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. 

Tại huyện Bù Đốp của tỉnh Bình Phước, dù ngành nông nghiệp đã có khuyến cáo về tính thích nghi, hiệu quả kinh tế, cũng như đầu ra của sản phẩm từ cây sachi, thế nhưng bị hấp dẫn bởi những cụm từ quảng cáo của một số công ty, hợp tác xã như: “vua của các loại hạt”, “cây tiền tỷ”, “nữ hoàng cây tỷ đô”, một số hộ dân đã mạnh dạn bỏ tiền mua giống về trồng dù hoàn toàn mờ mịt về đầu ra của sản phẩm.

Bình Phước: Trồng cây lạ mang tên cây sachi, bán giống nói như "rót mật vào tai", dân tự phát dẫn tới tự hại - Ảnh 3.

Bảng hiệu Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Thành Phát (đơn vị liên kết cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm từ cây sachi) đã bị rách tả tơi

Từng gắn bó nhiều năm với cây tiêu, thế nhưng vườn tiêu của gia đình bị chết vì bệnh lạ, cuối năm 2019, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 4, xã Thiện Hưng chuyển qua trồng thử nghiệm 6 sào cây sachi. 

Anh Hùng cho biết, cuối năm 2019, gia đình tôi mua 1.200 cây sachi, mỗi cây 5.000 đồng và 16 bao phân, mỗi bao 500 ngàn đồng của Công ty TNHH TMNN Tân Gia Phát có trụ sở tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Thành Phát có văn phòng làm việc tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng. 

“Thấy người ta xuống tận nhà tư vấn, cho nợ 50% tiền giống, tiền phân, lại được hỗ trợ cách trồng, chăm sóc cây sachi nên gia đình tôi trồng 6 sào. Tính rộng ra cả công chăm sóc thì gia đình đầu tư ngót nghét gần 50 triệu đồng. Công ty còn cho biết, cây sachi nhanh cho thu, thu hoạch quanh năm, giá bán cao, lại được bao tiêu sản phẩm nên gia đình tôi mới mạnh dạn trồng thử” - anh Hùng cho biết.

Bình Phước: Trồng cây lạ mang tên cây sachi, bán giống nói như "rót mật vào tai", dân tự phát dẫn tới tự hại - Ảnh 4.

Chị Hoàng Thị Tuyến ở thôn 5, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) đã hết kiên nhẫn đợi chờ công ty đến thu mua nên chặt bỏ vườn sachi chuyển qua trồng cây thiên lý.

Cách đó không xa, gia đình chị Hoàng Thị Tuyến ở thôn 5, xã Thiện Hưng cũng trồng thử nghiệm 2 sào cây sachi thay thế hồ tiêu đã chết dù bản thân chưa nắm được bất kỳ thông tin gì về loại cây này. 

Chị Tuyến cho biết: Sau khi được tham gia hội thảo, nghe chồng tôi nói trồng loại cây sachi này dễ chăm sóc, cho năng suất cao, giá ổn định. Sau đó, thấy một số hộ dân trồng nên gia đình tôi cũng trồng theo.

Tự phát dẫn đến tự hại

Trước tình trạng một số hộ dân ở địa phương chuyển đổi qua trồng cây sachi, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng Trần Chí Công cho biết: Trước đây, đại diện Hợp tác xã tiêu bền vững Thiện Hưng, đơn vị trung gian cung cấp cây giống có liên hệ địa phương để trồng thử nghiệm cây sachi. 

Tuy nhiên, địa phương không đồng ý, thậm chí còn nghiêm cấm tổ chức các buổi hội thảo tại các khu dân cư. 

“Địa phương đã khuyến cáo người dân về việc trồng cây sachi. Tuy nhiên, công ty về tận địa bàn các thôn tư vấn, ký hợp đồng với người dân để cung cấp cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hứa bao tiêu sản phẩm nên người dân làm theo, địa phương không can thiệp được” - ông Trần Chí Công cho biết thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp: Cây sachi là loài thực vật họ thầu dầu có xuất xứ từ Nam Mỹ, đã du nhập vào Việt Nam khá lâu. 

Đặc điểm của giống cây sachi này chủ yếu trồng để lấy hạt ép tinh dầu. Tinh dầu của cây sachi được sử dụng làm thực phẩm, dược phẩm cao cấp có giá trị kinh tế cao bởi lượng Omega-3 trong hạt sachi khá lớn giúp phát triển và nâng cao trí nhớ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch.

Không chỉ huyện Bù Đốp, thời gian qua tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước như huyện Bù Gia Mập, thị xã Bình Long, một số hộ dân cũng thay thế vườn tiêu chết sang trồng cây sachi.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với tỉnh Bình Phước, giống cây sachi chưa có đơn vị chuyên môn nào đăng ký khảo nghiệm, thử nghiệm để đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển, về tính thích nghi của thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, sâu bệnh gây hại và chất lượng của sản phẩm.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: Trước tình trạng nhiều hộ trên địa bàn tỉnh chọn trồng cây sachi để thay thế cây hồ tiêu một cách tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sở đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý giống và rà soát diện tích trồng cây sachi trên địa bàn tỉnh.

Trong công văn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chức năng không trồng cây sachi đại trà, chỉ trồng thử nghiệm để đánh giá tính thích nghi, hiệu quả cũng như đầu ra của sản phẩm nhằm thử nghiệm, tránh rủi ro trong sản xuất.

Đồng thời phải tiến hành thanh - kiểm tra các hộ kinh doanh giống cây sachi theo quy định của pháp luật.

Xuân Túc (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem