16 năm đi XKLĐ mang bí kíp trồng rau "hái ra tiền" ở xứ người về quê lập nghiệp

Thùy Anh Thứ hai, ngày 20/02/2023 15:01 PM (GMT+7)
“Từ thượng cổ tới giờ tôi chưa thấy ai trồng rau mà giàu bao giờ”. Trước lời nói của chồng, bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, Hà Nội (Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2022) đã quyết tâm đưa chồng sang Đài Loan để xem “nhà người ta” làm giàu từ trồng rau sạch.
Bình luận 0

Bà Đặng Thị Cuối chia sẻ về mô hình trồng rau hữu cơ theo công nghệ Đài Loan. VD: NT

Cô gái nghèo và hành trình ra nước ngoài học trồng rau hữu cơ 

Những năm cuối thập niên 1990, cũng như nhiều gia đình ở xã Đan Phượng (Đan Phượng, thành phố Hà Nội) gia đình bà Đặng Thị Cuối cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Kinh tế bấp bênh, con cái nhỏ dại, đã thôi thúc bà Cuối sang Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu lao động.

Trong thời gian sinh sống tại Đài Loan, bà Cuối làm việc cho một công ty chuyên sản xuất rau hữu cơ của Nhật Bản đặt tại Đài Loan. Tại đây, bà được chứng kiến phương pháp làm rau mới lạ. Người làm nông an nhàn, năng suất cao, chất lượng rau ngon hơn hẳn so với rau trồng ở nhà.

trồng rau hữu cơ

Sau 16 năm bôn ba xứ người làm lao động, bà Cuối quyết định trở về quê hương khởi nghiệp làm giàu với mô hình trồng rau hữu cơ. Ảnh: N.T

Từ đó, người phụ nữ nhỏ bé luôn ấp ủ giấc mơ làm rau sạch. "Khi tôi sang đấy tôi thấy choáng ngợp với quy trình sản xuất rau vừa lớn vừa chất lượng do người Nhật làm ở Đài Loan. Cũng làm rau nhưng năng suất, chất lượng phải gấp 3 lần so với ở Việt Nam. Lúc nào tôi cũng ấp ủ ý định mang công nghệ trồng rau này về quê", bà Cuối nói.

Chia sẻ câu chuyện với chồng, ông Nguyễn Đăng Quý (chồng bà Đặng Thị Cuối) chỉ lắc đầu “Từ thượng cổ tôi chưa thấy ai làm rau mà giàu bao giờ”. Đáp lại câu nói đó, bà Cuối đã rủ ông Quý sang Đài Loan trồng rau sạch. Sau 8 năm, 2 vợ chồng bà đã hội ngộ trên đất nước Đài Loan để cùng nhau học làm rau sạch với những ấp ủ sẽ mang công nghệ trở về quê hương để cùng giúp đỡ những nông dân khác làm giàu.

Đưa công nghệ vào trồng rau hữu cơ hoàn thành giấc mơ "nông nghiệp nông nhàn"

Sau 16 năm bôn ba ở nước ngoài, năm 2017, bà Đặng Thị Cuối cùng chồng trở về quê hương chính thức làm chủ mảnh ruộng của mình. Bà đã dành toàn bộ số tiền tích cóp để đầu tư hệ thống nhà màng hiện đại bậc nhất lúc đó cho diện tích gieo trồng hơn 5 ha. 

Nhớ lại những ngày tháng đầy khó khăn, chị Cuối chia sẻ: “Tôi cứ ấp ủ ý định, cóp dần gửi từ cái đinh con ốc ở nước ngoài về. 11 năm trời tôi gửi về mới tích cóp đủ cái mô hình của tôi đấy. Khi tôi về làm không ai hưởng ứng, ở Việt Nam làm ai cũng bảo vỡ nợ nhưng tôi cứ cố gắng làm. Tôi làm từ nhỏ đến lớn. Đầu tiên tôi làm 3 sào xong đến 3 mẫu, giờ 15 mẫu. Hiện giờ rau của tôi phát triển tốt lắm, thị trường nhu cầu cao làm ra không đủ bán".

Chia sẻ về công nghệ trồng rau này, bà Cuối nói: Điểm đặc biệt của hệ thống nhà màng này đó chính là người trồng chỉ việc gieo rau, khóa cửa chờ đến ngày thu hoạch. Người trồng không phải thực hiện thêm bất cứ công đoạn nào.

Cây rau vẫn lớn lên xanh tốt, các loài sâu bọ không thể xâm hại… nhờ hệ thống lưới thu hút côn trùng. Các loài sâu bọ chỉ có đường vào, không có đường ra. Khi chúng tìm đường chui ra sẽ bị tiêu diệt bởi các túi lưới đặt ở 4 góc nhà màng. Đây cũng chính là lý do, rau của bà Cuối không phải phun bất cứ thứ thuốc bảo vệ thực vật nào trong quá trình cây rau sinh trưởng.

16 năm đi xuất khẩu lao động mang bí kíp trồng rau "hái ra tiền" ở xứ người về quê lập nghiệp - Ảnh 3.

Để rau có thể lớn lên xanh tốt, không phải chăm bón trong quá trình sinh trưởng, khâu làm đất, bón phân được chú trọng. Trước mỗi đợt gieo trồng, bà Cuối tiến hành làm đất, sau đó ủ một lượt phân chuồng, tính toán đủ dinh dưỡng cho từng loại rau cho đến khi được thu hái.

Nhờ những đóng góp cho cộng đồng, giúp nhân rộng mô hình trồng rau hữu cơ cho người nghèo khó mà bà Đặng Thị Cuối vinh dự được bình chọn là 1 trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội năm 2022.

Bà Đặng Thị Cuối cho biết: “Mỗi lần nhổ rau xong tôi dọn phụ phẩm, khò đất thì được đốt hết các nấm bệnh, bọ nhảy. Rau tôi không bao giờ phun gì, làm đất, bỏ phân, gieo hạt xong đóng cửa lại, bao giờ thu hoạch là được thu. 20 ngày được từ 5 tạ - 1 tấn rau/ sào. Mình tính toán ví dụ đối với từng loại rau mình biết là nửa sào bao nhiêu phân thì bỏ cho vừa. Ví dụ rau dền, rau muống ăn nhiều phân bỏ gấp đôi ngay từ lúc làm đất, nhờ đó không phải chăm bón gì”.

... Và tâm nguyện xây dựng cộng đồng làm nông nghiệp hữu cơ

Tôn chỉ mục đích của bà Đặng Thị Cuối khi trở về Việt Nam là xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra giá trị cho cộng đồng. Theo bà Cuối, làm rau hữu cơ phải chuẩn phân, giống và nước. Đối với nông trại của mình, bà áp dụng quy tắc 5 Không bao gồm: không dùng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc trừ sâu hoá học, không sử dụng phân đạm hoá học, không dùng giống biến đổi gen, và không sử dụng chất kích thích sinh trưởng.

Bà Cuối chia sẻ: “Làm cái rau hữu cơ này phải người có tâm, chứ ham tiền quá không làm nổi. Rau hữu cơ không nhanh như rau khác, làm phải có quy trình, không hấp tấp được. Ví dụ như rau có sâu thì tôi đem máy khò ra chết cả sâu, thì cày đất lên làm lại sau 20 ngày mà không cần phải chữa chạy gì cả.”

Để sản xuất rau sạch, bảo đảm chất lượng, toàn bộ giống rau của gia đình bà được nhập từ Đài Loan. Nước tưới được bà xử lý thông qua hệ thống lọc. Sau đó, đưa vào tưới tự động. Nhờ đó, bà Cuối giảm được nhân công trong quá trình chăm sóc ruộng rau của mình.

Đến nay, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đã tạo công ăn việc làm cho 13 lao động thường xuyên, thu nhập mỗi tháng 7 triệu đồng. Không chỉ tạo ra của cải vật chất nhờ thay đổi tư duy trồng rau. Bà Đặng Thị Cuối mong muốn lan tỏa công việc của mình để tạo ra giá trị cho cộng đồng. Bên cạnh công việc trồng rau, bà Cuối hiện đã chuyển giao mô hình kỹ thuật cho trên 20 nông hộ tại miền Bắc.

16 năm đi xuất khẩu lao động mang bí kíp trồng rau "hái ra tiền" ở xứ người về quê lập nghiệp - Ảnh 5.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người nông dân từ khắp mọi miền Tổ quốc quy tụ về trang trại của bà Cuối để học hỏi mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao. Anh Nguyễn Tuấn Khanh là một người dân ở tỉnh Vĩnh Long. Thời gian tới, anh dự định xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao tại Phú Quốc. Khi được nghe về mô hình trồng rau an nhàn, giảm bớt sức lao động, anh Khanh đã lặn lội hơn 1000 cây số để ra Hà Nội học tập mô hình này. 

Anh Khanh chia sẻ: “Tôi học nhà cô chú Cuối Quý hơn 1 tháng. Tôi học vì đam mê trồng rau. Qua quá trình tìm hiểu trên internet thì tôi thấy mô hình ứng dụng công nghệ nhà màng, chủ động thời tiết, phòng chống dịch bệnh nên bảo vệ người trồng và người tiêu dùng. Ra đây học thì khi trở về Phú Quốc tôi sẽ làm mô hình như này, cây ăn trái hữu cơ nữa”.

Hiện tại, Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cung cấp cho 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch khoảng 5 - 7 tạ rau xanh các loại, thu về từ hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Năm 2022, lợi nhuận từ việc trồng rau sạch của HTX đạt trên 1 tỉ đồng.

Bà Cuối chia sẻ về hành trình lan tỏa làm nông nghiệp tử tế: “Họ đến đây vì họ biết mình sản xuất từ phân, nước, giống đều rất an toàn. Bởi vậy nhà tôi lúc nào cũng có người đến học từ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Họ học để đi Bồ Đào Nha làm mô hình, người thì học để đi Phú Quốc làm. Có người nghèo quá không có tiền thì tôi giúp họ trồng cây bông hẹ, khoai môn rồi tôi thu mua. Trồng ra sản phẩm không phải nhà màng mà thu hái hàng ngày. Trường hợp nào tôi cũng giúp được”.

16 năm học nghề trồng rau sạch cũng là quãng thời gian bà Đặng Thị Cuối nằm gai, nếm mật nơi xứ người. Chính những thay đổi tư duy trong sản xuất, sự táo bạo, bản lĩnh từ những trải nghiệm cuộc đời đã làm nên thành công của người nông dân Đặng Thị Cuối. Mong muốn xây dựng một cộng đồng trồng rau sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng vẫn đang được người nông dân này ấp ủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem