Bầu Đức: 10 năm tới sầu riêng vẫn là cây trồng tiềm năng, bán giá 30.000 đồng/kg cũng có lãi

Minh Huệ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 17/11/2023 06:05 AM (GMT+7)
"Giá sầu riêng hiện nay vẫn quá đắt, chỉ 10% người dân Trung Quốc được ăn sầu riêng chứ không phải ai cũng có tiền mua về ăn. Do đó, tôi tin rằng 10 năm tới sầu riêng vẫn là cây trồng tiềm năng, không phải lo lắng về giá" - Bầu Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) vừa cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh tháng 10/2023. Trong đó, doanh thu chiếm nhiều nhất đến từ mảng cây ăn trái, đạt 410 tỉ đồng; chăn nuôi đạt 198 tỉ đồng; ngành phụ trợ 103 tỉ đồng. Tổng doanh thu của HAGL trong tháng 10 đạt 711 tỉ đồng. 

Về sản lượng tiêu thụ từng ngành, trong tháng 10 HAGL đã xuất bán 35.300 con heo thịt và 39.542 tấn trái cây. Trong đó, có 39.100 tấn chuối và 442 tấn sầu riêng.

Bầu Đức: 10 năm tới sầu riêng vẫn là cây trồng tiềm năng

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT HAGL đã có chia sẻ riêng với Báo Dân Việt về tình hình kinh doanh mảng nông nghiệp và chiến lược phát triển thời gian tới. 

Bầu Đức: 10 năm tới sầu riêng vẫn là cây trồng tiềm năng, bán giá 30.000 đồng/kg cũng có lãi - Ảnh 1.

Bầu Đức (áo vàng) tại buổi gặp gỡ cổ đông tại TP.HCM hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: Ngọc Ánh

Thưa ông, trước kết quả kinh doanh tháng 10/2023 của HAGL có thể thấy, doanh thu từ mảng cây ăn trái khá thuận lợi, trong khi mảng chăn nuôi chưa bằng một nửa. Thực tế thị trường chăn nuôi cả nước cũng khá ảm đạm, giá heo hơi ở mức thấp, ông có thể cho biết tình hình chăn nuôi của HAGL hiện nay ra sao?

- HAGL vẫn chăn nuôi bình thường, lời thì không có nhưng cũng không bị lỗ như các doanh nghiệp khác. Lí do là HAGL tận dụng được nguồn chuối thải loại làm thức ăn cho heo. Chuối thải phối trộn với các nguyên liệu khác làm thành thức ăn rất tốt cho heo mà lại giúp giảm giá thành chăn nuôi. Vì thế chúng tôi vẫn cầm cự được, trong khi hầu hết người chăn nuôi heo khác đều bị lỗ.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang bị vào thế khó rồi. Song ngay từ đầu năm tôi đã chủ động không đưa mảng chăn nuôi heo vào kế hoạch lợi nhuận. Tụi tôi không trông chờ vào con heo vì qua nghiên cứu thị trường thấy rõ bức tranh không mấy sáng sủa. Theo đó kế hoạch lợi nhuận HAGL tập trung vào cây ăn trái, nếu mà thị trường khá lên, chúng tôi có thêm lời từ con heo nữa thì quá tốt.

Xét về lâu dài, khi Việt Nam thúc đẩy các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh thì biết đâu 2-3 năm nữa, con heo sẽ có cửa sáng ở thị trường xuất khẩu, thưa ông?

- Tôi thấy là năm nay chăn nuôi heo sẽ gặp nhiều khó khăn, quy luật thị trường là khi rớt giá sâu, nông dân bị thua lỗ rất nhiều thì chắc chắn sẽ bỏ đàn, không dám tái đàn nữa. Như vậy thì 5-6 tháng sau, heo có thể lên giá trở lại. Người nào trụ được những lúc khó khăn nhất thì người đó sẽ thắng.

Với cây sầu riêng, được biết kế hoạch của HAGL sẽ tiếp tục tăng diện tích trong năm tới. Tuy nhiên do sức hấp dẫn của loài cây tiền tỷ này nên không chỉ HAGL đặt mục tiêu trồng thêm mà ở nhiều nơi, người dân cũng đang mở rộng diện tích. Vài năm nữa Việt Nam sẽ thu hoạch ồ ạt, ông có lo bị dội chợ không? Ông đã tính giải pháp dài hơi cho HAGL chưa?

- Đã làm thì phải tính toán chứ, nhất là với diện tích lớn như vậy (hiện HAGL đang có 1.200 ha sầu riêng, trong đó 700ha sầu riêng thu hoạch tháng 10-11/2024. HAGL cũng đang trồng thêm sầu riêng, tiến tới đạt tổng diện tích 2.000ha vào năm 2026 - PV). 

Đầu tiên tôi khẳng định, trong 10 năm tới sầu riêng vẫn chưa đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng. Sầu riêng là cây lâu năm, sau khi trồng 6-7 năm mới ra quả. Mà cây sầu riêng rất khó trồng, không phải nơi nào cũng ra quả được. Ví dụ miền Bắc Việt Nam không trồng được, Trung Quốc cũng không trồng được. 

Sản lượng sầu riêng nhiều nhất hiện nay là Thái Lan chứ không phải Việt Nam. Tổng sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 10% thị phần thế giới. Nhưng bạn nên biết rằng, giá sầu riêng hiện nay vẫn quá đắt, chỉ 10% người dân Trung Quốc được ăn sầu riêng chứ không phải ai cũng có tiền mua về ăn. Do đó, 10 năm sau sầu riêng vẫn là cây trồng tiềm năng, không vấn đề gì.

Thứ hai, sầu riêng bây giờ đã có thể xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu ở dạng cấp đông nguyên trái, cấp đông múi. Hiện Trung Quốc vẫn là nước "ăn" sầu riêng mạnh nhất, các nước khác mới bắt đầu tìm hiểu mà thôi. Vì vậy tôi tin chắc thị trường ngày càng lớn, có trồng khắp Việt Nam cũng không đủ bán đâu.

Thêm nữa, sầu riêng không phải chỉ dùng ăn tươi. Trái sầu riêng có thể chế biến thành vô vàn sản phẩm khác như chè sầu riêng, kem sầu riêng, bánh sầu riêng, bánh trung thu sầu riêng. Bữa nay người ta còn làm cả lẩu sầu riêng nữa...

Cho nên sầu riêng sẽ thành nguồn nguyên liệu tương đối đặc thù cho ngành chế biến thực phẩm. Đó là lí do tại sao giá sầu riêng cứ luôn ở mức cao. Đúng ra, giá sầu riêng chỉ 30.000 đồng/kg là người trồng đã có lãi rồi.

Với diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, HAGL có dự định làm nhà máy chế biến không, thưa ông?

- Không. Tôi chỉ bán tươi và cấp đông thôi. Khách hàng mua sầu riêng của tôi rất đông, đều là khách hàng lớn tại Trung Quốc. Vừa rồi sản lượng thu hoạch ít nên tôi mới bán được mấy trăm tấn. Đương nhiên năm tới, HAGL sẽ tăng sản lượng thu hoạch lên vài ngàn tấn. 

Giá xuất khẩu sầu riêng vừa rồi rất tốt, gần 100.000 đồng/kg.

Năm 2024, ông có dự định gì mới không?

- Chúng tôi xác định sẽ tập trung giữ đàn heo, tăng diện tích chuối và sầu riêng, tập trung khai thác tốt những gì đã gây dựng được, ví dụ sản phẩm thịt heo ăn chuối đang tiêu thụ khá tốt.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem