Bão số 5 đổ bộ đất liền, người dân ở khu vực có dịch Covid-19 được chăm sóc ra sao?

Trần Quang - Phạm Anh Thứ sáu, ngày 10/09/2021 13:41 PM (GMT+7)
Dù trong giai đoạn này công tác phòng chống bão của chúng ta hết sức khó khăn, vì các địa phương đang phải tập trung phòng chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta sao nhãng công việc phòng chống bão số 5 (bão Côn Sơn).
Bình luận 0
Bão số 5 sắp đổ bộ đất liền, người dân ở khu vực có đại dịch Covid-19 được chăm sóc ra sao? - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) chia sẻ về đường đi của cơn bão số 5 (bão Côn Sơn). Ảnh: HĐ

Chia sẻ với PV, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, thời điểm này, các bộ ngành, các địa phương và đặc biệt là cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đang nỗ lực và bám sát, theo dõi cũng như điều chỉnh các kịch bản để phòng chống cơn bão số 5 (bão Côn Sơn) hiệu quả trong điều kiện có đại dịch.

Cụ thể đến nay có trên 71.000 tàu, thuyền ở trong vùng ảnh hưởng của cơn bão này đều đã được thông tin về cơn bão và đều đã di chuyển về các đảo tránh trú an toàn. Hiện nay chỉ còn 224 tàu với 2.000 lao động chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về vấn đề bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khi bão số 5 (bão Côn Sơn) đổ bộ vào, ông Hoài cho hay: Hiện cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai cùng với các địa phương đã xây dựng và tổng hợp chi tiết từng thôn, bản, xã, huyện, tỉnh. 

Theo đó, tổng số có 6 tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng của cơn bão này với hơn 29 huyện, thị xã thì có tới trên 4.000 F0 đều đã được các địa phương xây dựng kịch bản cụ thể đảm bảo an toàn trong bão và không lây nhiễm dịch bệnh thêm.

Ví như tỉnh Nghệ An hiện có ca nhiễm Covid-19 ở khu vực ven biển tương đối lớn, đến giờ tỉnh chủ động xây dựng kịch bản điều động lực lượng y tế đến sàng lọc, bóc tách đưa F0 đến các vùng riêng, độc lập tại các trường học và một số công trình công cộng khác.

 Đến nay phần lớn các địa phương đều triển khai các công việc phòng chống bão và dịch bệnh rất quyết liệt. Cũng phải nói thêm là thời điểm này cũng đang vào thu hoạch lúa mùa chính vụ và lúa hè thu, các địa phương đã tập trung máy móc hiện đại tiến hành gặt nhanh cho dân nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã lên kế hoạch điều động các lực lượng đảm bảo mọi hoạt động như giao thông, sản xuất, lưới điện, thông tin liên lạc, hoạt động công nhân tại khu công nghiệp... vận hành an toàn trong mọi tình huống.

Ông Hoài thông tin thêm, mới đây, cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đã xây dựng một cuốn sổ tay về phòng chống dịch Covid-19 khi thiên tai xảy ra. Thêm nữa là cơ quan này đã liên hệ chuyên công văn sang Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện nhiệm vụ kép.

"Đến nay Bộ Y tế đã có 2 văn bản hướng dẫn các tỉnh lên phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể về sàng lọc, di chuyển F0, cũng như huy động trang thiết, lực lượng để không để lây nhiễm dịch ra cộng đồng.

Đặc biệt, các địa phương cũng đã xây dựng được phương án bố trí lực lượng, phương tiện, địa điểm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực sơ tán", ông Hoài nhấn mạnh.

Được biết, sau hơn một tuần phong toả, đến nay tại xã ven biển Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi phát hiện gần 70 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là khu vực có mật độ dân cư đông đúc với khoảng 4.700 hộ dân, hơn 19.400 nhân khẩu. Nhà cửa san sát nhau, kiệt hẻm nhỏ hẹp, nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng rất cao.

Bão số 5 sắp đổ bộ đất liền, người dân ở khu vực có đại dịch Covid-19 được chăm sóc ra sao? - Ảnh 2.

Quảng Ngãi cách ly tất cả ngư dân về từ vùng dịch. Ảnh: Theo VOV

Theo Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi, Quảng Ngãi đã triển khai xét nghiệm toàn dân truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng và tăng cường công tác giám sát, đảm bảo công tác y tế trong khu cách ly, phong toả, đảm bảo chăm sóc y tế cho cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tại khu vực ven biển, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng kiểm soát chặt ngư dân ở các vùng biển trở về cập bờ tại các cảng cá, các bến, vũng neo đậu. Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát phương tiện, ngư dân đi đánh bắt thủy sản thông qua thiết bị giám sát hành trình, từ lúc rời cảng đến khi về, đồng thời có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới giải quyết cho lên bờ.

Bão mạnh cấp 10 hướng vào miền Trung

Sáng 10/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 5 đã mạnh lên trong những giờ qua. Lúc 4h, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 220 km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12.

Ngày và đêm nay, bão đi ngang theo hướng tây, vận tốc 15 km/h và khả năng mạnh thêm. Sáng 11/9, tâm bão nằm ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.

Hình thái này sau đó giữ nguyên hướng đi nhưng di chuyển chậm lại, vận tốc giảm xuống chỉ còn 5 km/h. Sáng 12/9, tâm bão ở ngay phía tây quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 300 km về phía đông. Cường độ gió vẫn ở cấp 11.

Sau thời điểm này, bão đổi hướng, đi chếch theo phía tây tây bắc và tăng tốc trở lại. Sáng 13/9, với vận tốc 10 km/h, bão đi vào vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Lúc này, sức gió mạnh nhất duy trì cấp 10-11, giật cấp 13.

Bão số 5 sắp đổ bộ đất liền, người dân ở khu vực có đại dịch Covid-19 được chăm sóc ra sao? - Ảnh 3.

Ảnh: Đường đi của bão số 5 theo mô hình dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: VNDMS.

Bão sẽ đi theo hướng Tây Bắc ở những giờ tiếp theo và cường độ suy giảm. Cơ quan khí tượng chưa đưa ra nhận định cụ thể về mức độ ảnh hưởng của bão tới đất liền nước ta.

Theo bản đồ dự báo bão, hình thái này nhiều khả năng hướng vào đất liền các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Hoàn lưu do bão ảnh hưởng rộng khắp đến toàn bộ khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Cùng nhận định trên, mô hình dự báo của Nhật Bản cho thấy rạng sáng 14/9, khi tâm bão nằm trên vùng biển Quảng Trị - Quảng Nam, sức gió mạnh nhất là 108 km/h, tương đương cấp 11, giật cấp 13.

Với cường độ này, tâm bão khả năng quét qua các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An rồi suy yếu dần. Nếu kịch bản này xảy ra, toàn bộ khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ Quảng Trị đến Quảng Nam sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng do bão.

Trong khi đó, cơ quan khí tượng Hong Kong đưa ra kịch bản lạc quan hơn. Ở thời điểm nằm trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi vào sáng 14/9, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 5 chỉ còn 85 km/h, tương đương cấp 9, giật cấp 11.

Hình thái này sau đó đi chếch theo hướng tây bắc, tiến vào đất liền khu vực Bắc Trung Bộ. Sáng 15/9, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh với sức gió mạnh nhất cấp 8.

Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 2 ngày tới nằm từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,5 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 107 đến 113,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong khu vực này nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông có mưa bão với gió xoáy mạnh cấp 7-8. Vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13. Sóng biển cao 4-6 m.

Ngoài ra, ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.

Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 1360/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ yêu cầu triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 5 (tên quốc tế là Côn Sơn) và mưa lớn.

Văn bản nêu rõ thực hiện Công điện số 10/CĐ-TW ngày 7/9/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 và Công văn số 7439/BYT-KHTC ngày 8/9/2021 của Bộ Y tế.

Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Côn Sơn, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống; rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng chống dịch Covid-19 vừa đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn.

Các lực lượng chức năng tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; triển khai phương án bảo vệ cơ sở y tế tại vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung bệnh nhân Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...), Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện xây dựng phương án, kịch bản sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bố trí khu vực phù hợp với từng đối tượng, tình hình dịch tại địa phương trình Ủy ban Nhân dân tỉnh để chỉ đạo các lực lượng liên quan tổ chức thực hiện.

Bộ Y tế đề nghị tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán: test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng) theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương.

Việc tổ chức sơ tán người dân và kiểm tra các điểm tránh trú an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 (theo Quyết định số 16/QĐ-TWPCTT ngày 23/8/2021 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) và hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm sơ tán, nơi tập trung đông người cần phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Các cơ sở y tế đề nghị lực lượng công an, dân quân tự vệ, bộ đội, đoàn thanh niên... hỗ trợ việc sơ tán dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của mưa bão, lũ; chú ý ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ có thai; bảo đảm an toàn trong quá trình sơ tán và tại khu sơ tán; hỗ trợ chằng chống nhà cửa khi người nhà sơ tán.

Đồng thời, các lực lượng chức năng bảo đảm giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể, bảo đảm các phương tiện sát khuẩn, khẩu trang đủ cho người được sơ tán và những người làm việc tại khu sơ tán; tổ chức trực bảo đảm y tế, phòng chống dịch 24/24 tại khu sơ tán, tổ chức xét nghiệm hoặc tiêm vaccine cho người dân (nếu có điều kiện).

Đối với các công trường xây dựng, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống bão, lụt đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với y tế, công an và lực lượng khác của địa phương hỗ trợ công tác cách ly, giãn cách và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương; đặc biệt là các khu thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem