Bạo lực học đường: Học sinh ám ảnh vì 1 tháng 10 lần bị "chị đại" lớp trên đòi đánh (bài 2)

Tào Nga Thứ ba, ngày 18/04/2023 06:48 AM (GMT+7)
Là nạn nhân của bạo lực học đường, một học sinh cho biết em rất sợ khi đi học phải trốn chui trốn lủi hoặc nhờ người đưa về. Mới vào học 1 tháng mà bị đòi đánh 10 lần...
Bình luận 0

Học sinh ám ảnh bị bạo lực học đường

Một học sinh ở Hà Nội cho biết từng bị bắt nạt bằng cách bắt làm bài tập về nhà và phải đưa tiền cho bạn. Lo sợ bị đánh nên nhiều lần em phải trộm tiền của bố mẹ để đưa cho bạn và có lần bị phát hiện khiến bố mẹ nghi ngờ hư hỏng. "Em không dám nói với ai vì bạn đe dọa nếu mách cô hoặc người lớn thì sẽ bị đánh. Có lần em đứng đợi bố đón ở cổng trường mà bạn đi qua lườm rồi huých vào người em khiến em sợ vô cùng. Ngày nào đi học em cũng sợ hãi", học sinh này kể lại.

Bạn Lê Phương Uyên (tên đã thay đổi), ở Khánh Hòa, kể lại câu chuyện của chính mình gặp phải: "Vừa vào năm học em đã bị mấy "chị đại" lớp trên suốt ngày kiếm chuyện để đánh. Nào là "Nghe nói mày tự xưng là hot girl"; "Mày muốn làm trùm trường hả?"... Ngày nào cũng réo tên em khiến em rất sợ, đi học trốn chui trốn lủi hoặc nhờ người đưa về. Mới vào học 1 tháng mà bị đòi đánh 10 lần. Có lần thì đầu buổi học, có lần thì tan trường, thậm chí có lần bị đóng cửa đánh trong nhà vệ sinh. Nỗi ám ảnh không bao giờ quên được".

Bạo lực học đường: Học sinh ám ảnh trộm tiền bố mẹ, 1 tháng 10 lần bị bạn bắt nạt (bài 2) - Ảnh 1.

Một nữ sinh bị bạn học đánh ngay trong lớp học. Ảnh: CMH

Liên quan đến vấn đề trên, TS Đặng Văn Cường, giảng viên bộ môn Luật hình sự, Trường Đại học Thủy lợi cho hay: "Tình trạng bạo lực học đường hiện nay ở một số địa phương rất đáng báo động khi liên tục xảy ra những vụ học sinh đánh nhau, có những vụ việc gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Đáng buồn là không chỉ ở lứa tuổi thanh thiếu niên mà thậm chí các em nhỏ ở cấp tiểu học cũng có thể thực hiện hành vi bạo lực học đường hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực học đường".

Theo TS Cường, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, trong đó có thể kể đến nguyên nhân từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Các em nhận thức chưa đầy đủ về hành vi của mình, thiếu kỹ năng sống, rất khó kiểm soát hành vi, dễ bị kích động, lôi kéo, thậm chí gây nên những hành vi nguy hiểm cho xã hội. 

Phía nhà trường thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, cơ chế quản lý lạc hậu, thiếu nhân văn dẫn đến không phát hiện kịp thời, kiểm soát tình trạng bạo lực học đường. Nhiều nhà trường chưa có sự phối hợp thường xuyên với phụ huynh cũng như chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.

Ngoài ra, những học sinh thực hiện hành vi bạo lực hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực đều có một phần lỗi của cha mẹ trong việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, quan tâm đến tâm lý, tình cảm. Nhiều phụ huynh có sai lầm khi nuông chiều con cái, thường xuyên đáp ứng quá đầy đủ điều kiện về vật chất và bênh con vô điều kiện, thiếu suy xét trong mọi tình huống.

Theo PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giáo dục nhân sinh trong trường học hiện nay đang có vấn đề. Nhà trường chỉ dạy chữ, còn giáo dục đạo đức, cách ứng xử giữa con người chưa đạt được. Một số gia đình đang buông lỏng giáo dục, phó mặc cho nhà trường. Trong khi đó, việc kết hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình đang lỏng lẻo.

Theo chuyên gia Hoàng Thị Thu Nhiên - chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy, Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds: "Hiện nay, học sinh ở tất cả các môi trường học từ công lập, dân lập hay trường quốc tế đều hay phân chia bè nhóm để chơi. Chỉ cần không ưng ý với một bạn nào đó hay không hợp với một bạn nào đó thì sẽ có nhiều khả năng bị cô lập, tẩy chay trong lớp học.

Nguyên nhân khiến con bị bạo lực học đường do ảnh hưởng từ mạng xã hội. Nhiều khúc mắc nảy sinh do chat, tám chuyện qua Facebook, Zalo. Ngoài ra, nhiều trào lưu không sạch sẽ, phản giáo dục trên mạng xã hội: TikTok, YouTube…. ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của giới trẻ.

Phần lớn, học sinh chỉ được học về văn hóa còn học về tâm lý thì đang bị thiếu hụt. Vì vậy, các con sẽ không biết cách để vượt qua một vấn đề khi gặp phải hoặc ý thức được cần phải có tình yêu thương với bạn bè, người sống quanh mình. Việc thiếu chia sẻ giữa bố mẹ với các con cũng là một nguyên nhân rất lớn khiến các con không thoát ra được tình trạng bị bạo lực học đường. Các con có thể đã từng tâm sự với bố mẹ về vấn đề mình đang gặp phải nhưng bố mẹ lại không dành sự quan tâm mà con cần".

Làm gì khi bị bắt nạt?

Chị Trịnh Thúy Hương là một doanh nhân ở TP.HCM, đồng thời là một bà mẹ 2 con 17 tuổi và 8 tuổi. Nghe tin con trai út bị bạn bắt nạt ở trường, chị vừa buồn, vừa giận, vừa xót con. Sau đó, thay vì lập tức lên trường, gặp cô để nói chuyện con bị bạo hành, chị đã bình tĩnh gần gũi con để tìm hiểu, giúp con an tâm, chia sẻ.

Chị Hương kết nối với gia đình bạn bắt nạt kia và trao đổi. Tuy nhiên, đúng như dự đoán, phản ứng của người mẹ là bênh con, nói rằng con mình rất hiền, rất ngoan, khẳng định không có chuyện bắt nạt vì bố bạn cũng rất nghiêm. Chị Hương đã nhắn lại: "Có thể con chị chỉ là trêu đùa, nhưng con tôi không quen với việc đó, và cháu rất buồn, rất sợ đi học. Tôi mong anh chị hiểu và giúp đỡ. Đặc biệt, con tôi rất nhạy cảm". Rất may, gia đình kia đã nhắc nhở con và 2 bạn sau đó chơi với nhau. 

Qua vụ việc, chị Hương nhắc nhở con học tốt để tự tin hơn, tập thể dục thể thao, dạy con phản kháng lại khi bị bắt nạt và nói với cô giáo, về nhà nhớ chia sẻ với bố mẹ (giải thích cho con hiểu chỉ có bố mẹ mới là người giúp con tốt nhất, để con chia sẻ nhiều điều).

Bạo lực học đường: Học sinh ám ảnh trộm tiền bố mẹ, 1 tháng 10 lần bị bạn bắt nạt (bài 2) - Ảnh 2.

Nhóm ĐH Tài Nguyên và Môi trường đánh bạn vì chuyện tình cảm. Ảnh: CMH

Là mẹ có con học lớp 3 và một bé học lớp 1, chị Phạm Ngọc Bích, ở Hà Nội, kể có lần con bị bạn bắt nạt qua thư với những lời lẽ xúc phạm, đe dọa, chị đã trò chuyện rồi động viên con thẳng thắn trao đổi với cô và bạn. Chị Bích luôn cho rằng, nếu con đã nhượng bộ bạn lần đầu thì sẽ có lần sau, lần sau nữa, và lần thứ n... Vì vậy, con không được bắt nạt ai và tuyệt đối không được phép để ai có thể bắt nạt mình.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, ở Hà Nội cũng có cách ứng xử hay khi con bị bạn bắt nạt. Con trai chị học lớp 7 nhưng vốn vóc người nhỏ bé, yếu đuối, học không giỏi nên rất hay bị trêu chọc. Chị Thảo đã nhiều lần động viên con tự giải quyết nhưng không làm được. Đỉnh điểm là một lần con tâm sự với cô giáo tâm lý ở trường là "có lúc con muốn tự tử".

Chị Thảo đã tìm cách để nói chuyện với mẹ của cậu bạn kia và cô giáo chủ nhiệm để góp ý song tình hình không những không cải thiện mà con chị còn bị sỉ nhục, bị gọi là "thằng hèn". Thấy vấn đề nghiêm trọng, chị đã quyết định đến tận trường, khoác vai cậu bạn kia và cùng con xuống phòng tiếp tân để nói chuyện. Mọi chuyện sau đó nhanh chóng được hóa giải và cậu bạn bắt nạt đã giúp đỡ con chị Thảo nhiều hơn.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội: "Trường hợp nữ sinh trường chuyên ở Nghệ An, theo lời kể được cho là người thân trong gia đình, em bị bắt nạt, bị căng thẳng nên đã nói với bố mẹ và xin thầy cô giáo được chuyển lớp. Em học sinh này hành động đúng. Tuy nhiên, bố mẹ và nhà trường lại chưa xử lý kịp thời, tận gốc được vấn đề nên dẫn tới kết cục đáng tiếc. Thực sự, khi được xem thông tin trên báo nói nữ sinh tự tử nghi do bị bạo lực học đường, cảm xúc của cá nhân tôi là tức giận trước sự tắc trách của người lớn. Cả gia đình và nhà trường chưa hành động vấn đề đến nơi đến chốn và không bảo vệ được nữ sinh này".

Theo PGS Nam, một đứa trẻ nếu bị bạo lực học đường thì cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho con, gia đình và nhà trường cần kết hợp để có các biện pháp chấm dứt ngay việc bị bạo hành. Cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? Con có biểu hiện của trầm cảm, có suy nghĩ tự sát hay không? Sau khi vụ việc bạo hành đã được con tiết lộ rồi thì cần hỏi con để biết tình hình con có bị bạo hành tiếp không? Đã được cải thiện chưa?... để có cách thức hỗ trợ con tiếp theo.

Để tự bảo vệ mình khỏi những trận đòn bất ngờ, thầy Đinh Công Lịch - một giáo viên võ thuật tư vấn cho học sinh các tình huống như sau:

Nếu biết rằng mình sẽ bị đánh, các em cần chủ động thông báo trước sự việc nhà trường hoặc người thân để bảo vệ hoặc nói chuyện để ngăn chặn sự việc xảy ra. Hãy luôn đi cùng bạn bè lúc tan học hay khi ra chơi, đừng đi một mình. Lưu ý không ngoan ngoãn đi nói chuyện theo yêu cầu của đối tượng. Nếu nhà họ cùng đường đi, hãy đi đường khác.

Với tình huống buộc phải đối mặt với kẻ bắt nạt và không có sự trợ giúp từ bên ngoài, hãy thể hiện mình là người không dễ bắt nạt, đừng khóc. Trước khi tình hình diễn biến phức tạp, thái độ quyết liệt từ cử chỉ đến cách nói, sẽ làm đối tượng chùn bước.

Trường hợp bị vây, hãy nhớ nguyên lý chạy chỗ (chạy vòng tròn) nếu đối tượng bắt đầu ra tay. Hãy chống trả quyết liệt bằng tất cả sức mạnh bản năng, chớp cơ hội xô ngã đối tượng yếu nhất rồi bỏ chạy đến nơi an toàn. Trong quá trình chống trả, hãy hô hoán thật to, kêu cứu. Ngay khi thoát khỏi đối tượng, hãy gọi điện cho người nhà, thầy cô giáo, báo công an... để chủ động giải quyết sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem