Bắc Ninh: Bỏ nghề phiên dịch tiếng Hàn Quốc, 8X điển trai về quê nuôi thỏ “bỏ túi” 700 triệu đồng/năm

Xuân Phú (Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh) Thứ hai, ngày 23/08/2021 13:50 PM (GMT+7)
Trải qua những thăng trầm khi khởi nghiệp với nghề nuôi thỏ sinh sản, đến nay Anh Nguyễn Mạnh Đạt (SN 1985) ở thôn Văn Trung, xã Tân Chi, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã thu được trái ngọt từ mô hình với gần 5.000 con thỏ.
Bình luận 0

Đi Hàn Quốc về quê nuôi thỏ

Nhờ mô hình nuôi thỏ, anh Đạt có thu nhập 720 triệu đồng/năm. Đồng thời, trang trại thỏ của anh Đạt còn tạo việc làm ổn định cho 7 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Bắc Ninh: Bỏ nghề phiên dịch tiếng Hàn Quốc, 8X điển trai về quê nuôi thỏ “bỏ túi” 700 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Mạnh Đạt mang lại hiệu quả kinh tế cao

Kể về quá trình khởi nghiệp nuôi thỏ, anh Đạt cho biết: Tuổi trẻ anh cũng như bao chàng trai ở nông thôn khi đó có ước mơ làm giàu nơi xứ người. Năm 2005, anh đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Sau gần 5 năm làm việc, năm 2010 anh Đạt về nước và cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của quê hương.

Nhiều khu công nghiệp mọc lên, đời sống người dân ngày càng cải thiện, cơ hội tìm kiếm việc làm cũng dễ dàng hơn. Sẵn có vốn tiếng Hàn, anh Đạt vào làm phiên dịch tiếng Hàn cho 1 công ty với mức lương 12 triệu đồng/tháng.

Anh Đạt chia sẻ: "Sau một thời gian đi làm, tôi vẫn luôn trăn trở tìm hướng đi cho riêng mình với mong muốn được làm chủ trên chính mảnh đất quê hương. Tôi đã tìm tòi, học hỏi các mô hình trồng trọt, chăn nuôi . Tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình nuôi thỏ. Thời điểm đó, mô hình nuôi thỏ hầu như chưa phát triển ở Tiên Du nên tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết từng bước một".

Năm 2015, anh Đạt tiến hành xây dựng 250m2 chuồng trại, nuôi 100 con thỏ sinh sản.

Bước đầu khởi nghiệp nuôi thỏ anh cũng gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh còn hạn chế. Không nản lòng, anh Đạt luôn cố gắng học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ qua sách báo, internet. Anh cũng tích cực tham gia các buổi tập huấn KHKT do Hội Nông dân tổ chức và đi thăm quan thực tế các mô hình nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác.

Bí quyết nuôi thỏ thành công

Nhờ vốn kiến thức tích luỹ được, anh dày công chăm sóc, nhân giống, tái đàn. Trong vòng 6 tháng, đàn thỏ đã phát triển lên 600 con. Từ tháng thứ 7 trở đi bắt đầu xuất bán thỏ thương phẩm và thỏ giống ra thị trường. Năm đầu tiên doanh thu của mô hình đạt gần 300 triệu đồng.

Trao đổi về kinh nghiệm nuôi thỏ anh Đạt cho biết: "Thỏ là động vật dễ nuôi. Để thỏ luôn khỏe mạnh, người nuôi cần chú ý xây dựng chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Thỏ là loại ưa sạch, nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân khiến thỏ dễ mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng nhưng chỉ cần tiêm phòng định kỳ, cân đối lượng thức ăn và cho thỏ uống nước sạch thì sẽ phòng được bệnh này".

Từ hiệu quả chăn nuôi thỏ ban đầu, anh Đạt quyết định dùng tiền lợi nhuận của các năm trước tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô nuôi. Năm 2018 quy mô đàn thỏ là 2.000 con. Tới đầu năm 2021 đạt 4.800 con, trong đó có 600 con thỏ đang trong giai đoạn sinh sản được nuôi trên diện tích 1.000m2.

Anh Đạt phấn khởi cho biết: Mỗi năm, thỏ đẻ từ 6 - 7 lứa, số thỏ con sinh ra được nuôi và bán thương phẩm. Sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, thỏ đã đủ trọng lượng để có thể xuất chuồng, cân nặng khoảng 2,5 - 4 kg/con và cung cấp cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là ở Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình..

Đáng chú ý, để nuôi thỏ chuyên nghiệp hơn, anh Đạt còn mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến thức ăn cho thỏ của trang trại để giảm chi phí mua thức ăn ngoài.

Nhờ mô hình nuôi thỏ, anh Đạt có thu nhập 720 triệu đồng/năm. Đồng thời, trang trại thỏ của anh Đạt còn tạo việc làm ổn định cho 7 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Điều đáng quý, không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Đạt thường xuyên tham gia các hoạt động của địa phương và các phong trào do Hội Nông dân phát động. Anh giúp đỡ 10 hộ gia đình phát triển mô hình nuôi thỏ. Anh Đạt cũng chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật cho các hội viên khác, liên kết các hộ nuôi thỏ với nhau.

Theo đó, các hội nuôi thỏ ở xã Tân Chi cùng nhau phát triển, đưa ra thị trường sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn. Từ đó có thể xây dựng một thương hiệu riêng cho thỏ được nuôi ở xã Tân Chi.

Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của cá nhân anh Đạt cũng như những đóng góp cho cộng đồng, nhiều năm liền anh được nhận Giấy khen của Hội Nông dân các cấp trao tặng. Năm 2020, anh Đạt vinh dự là một trong những nông dân giỏi được UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2015-2020.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem