Ba nước Đông Nam Á mua lượng khổng lồ, Việt Nam đã bán 2,1 triệu tấn một loại lương thực, thu 1,42 tỷ USD

P.V Thứ ba, ngày 16/04/2024 15:45 PM (GMT+7)
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong quý I/2024, Việt nam xuất khẩu được 2,1 triệu tấn gạo, trị giá 1,42 tỷ USD. Philippines, Indonesia, Malaysia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam từ ngày 01/03 đến 31/03/2024 đạt 1,124 triệu tấn, trị giá 709,603 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 17,2% về số lượng và tăng 39,71% về trị giá. Lũy kế xuất khẩu gạo của Việt Nam đến ngày 31/03/2024 đạt 2,182 triệu tấn, trị giá 1,427 tỷ USD, so với cùng kỳ 2023 tăng 17,78% về số lượng và tăng 45,55% về trị giá.

Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với số lượng 1,01 triệu tấn, trị giá 648 triệu USD, tăng 46,35%; tiếp đó là Indonesia với 445.326 tấn, trị giá 285 triệu USD, Malaysia 98.917 tấn.

Theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), giá gạo nội địa có thể sẽ tiếp tục tăng đến tháng 7/2024. Lạm phát giá gạo đã ở mức kỷ lục 24,4% trong tháng 3/2024 từ mức 23,7% trong tháng 2/2024. Lạm phát giá gạo trong tháng 3/2024 là mức cao nhất trong vòng 15 năm qua tại Philippines kể từ mức 24,6% vào tháng 2/2009. 

Trong tháng 3/2023, giá gạo xay xát thông thường ở mức 39.90 Peso/kg (17.650 VNĐ/kg) nhưng hiện nay đã tăng lên 51,11 Peso/kg (22.609 VNĐ/kg), trong khi đó, giá gạo xay xát kỹ ở mức 56,44 Peso/kg (24.967 VNĐ/kg) từ mức 44,23 Peso/kg (19.566 VNĐ/kg).

Theo PSA, tính đến ngày 01/3/2024, dự trữ gạo của Philippines đã giảm 3% xuống 1,37 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, và giảm 9,6% so với thời điểm tháng 2/2024. 

Ba nước Đông Nam Á mua lượng khổng lồ, Việt Nam đã bán 2,1 triệu tấn một loại lương thực, thu 1,42 tỷ USD- Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong quý I/2024, Việt nam xuất khẩu được 2,1 triệu tấn gạo, trị giá 1,42 tỷ USD. Philippines, Indonesia, Malaysia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Báo Long An.

Dự trữ gạo trong kho của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) và khu vực hộ gia đình đã ghi nhận mức giảm lần lượt là 59,9% và 14,4% xuống còn 41.290 tấn và 694.620 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tồn kho thương mại đã tăng 27,5% lên 630.290 tấn từ 778.890 tấn so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong báo cáo mới nhất hồi tháng 03/2024 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ(USDA), sản lượng gạo xay xát niên vụ 2023/24 của Philippines ước đạt 12,3triệu tấn (tương đướng 20,6 triệu tấn quy lúa), thấp hơn so với mức ước tính hồi tháng trước và giảm 2% so với cùng kỳ do điều kiện thời tiết khô hạn. 

Chính phủ Philippines dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ người trồng lúa thông qua các khoản tín dụng ưu đãi trong khi nông dân dự định sẽ tăng mức độ sử dụng phân bón và các giống laitạo để thúc đẩy năng suất. Tổng thống Philippines cũng gia hạn thời gian áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đến hết ngày 21/12/2024 trong nỗ lực bình ổn giá và nguồn cung trong nước.

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Indonesia, chênh lệch cán cân cung cầu mặt hàng gạo nội địa trong nửa đầu 2024 vào khoảng 1,7 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 3,36 triệu tấn năm 2023 do thời tiết nắng nóng trong những tháng cuối năm 2023 làm trễ tiến độ xuống giống và thời gian thu hoạch theo đó cũng kéo dài làm sản lượng gạo xay xát thu hoạch trong nửa đầu 2024 của Indonesia tăng lên mức 17,09 triệu tấn, cao hơn mức 15,39 triệu tấn nhu cầu dự kiến. 

Bên cạnh đó, để tiếp tục kiểm soát đà tăng của mặt bằng giá nội địa, chính phủ Indonesia cũng thông qua hạn ngạch nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo cho cả năm 2024. 

Trong báo cáo ngành hàng ngũ cốc tháng 03/2024 của USDA, cơ quan này cũng đưa ra phân tích đối với tình hình nhập khẩu gạo của Indonesia. Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2022, khối lượng nhập khẩu tăng đều qua từng năm và duy trì dưới mức 1 triệu tấn/năm. 

Tuy nhiên, từ năm 2023 bước sang 2024, con số này dự kiến sẽ vượt mức 3 triệu tấn do giá gạo tiêu thụ nội địa Indonesia leo thang trong suốt năm 2023 vừa qua, buộc chính phủ phải tăng cường nhập khẩu. Các nguồn cung chính của nước này là Thái Lan, Việt Nam.

Malaysia cũng lên kế hoạch nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo từ Ấn Độ sau khi chính phủ hai nước đạt được thỏa thuận thương mại 170.000 tấn gạo trắng phi basmati theo đề xuất ban đầu của chính phủ Malaysia. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & An ninh Lương thực Quốc gia Malaysia cho biết tồn kho gạo cả nước tính đến ngày 27/2/2024 đạt 881.554 tấn gạo các loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 4,41 tháng, đã bao gồm tồn kho đệm.

Trong tuần từ 8/4-12/4/2024, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng, Ấn Độ và Việt Nam không đổi so với tuần trước.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 588 USD/tấn, tăng 18 USD/tấn so với tuần trước. Giá tăng do nhu cầu tăng từ Indonesia.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 544 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Giá giảm do nhu cầu yếu từ các quốc gia châu Á và châu Phi.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ước đạt 580 USD/tấn, giá gạo trong nước tăng nhẹ do nguồn cung đang thu hẹp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem