Câu chuyện xúc động về anh cảnh sát giao thông mở quán ăn 0 đồng, "giải cứu" chó mèo

Linh Anh Thứ tư, ngày 11/01/2023 19:00 PM (GMT+7)
Đại úy Lê Hùng Dương là 1 trong 15 trường hợp được Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk ký nhận diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, với tấm lòng nhân ái, Đại úy Dương đã mở quán cơm 0 đồng hỗ trợ người nghèo. Ngoài ra, anh cũng miệt mài duy trì việc "giải cứu", chăm sóc đàn chó mèo.
Bình luận 0

Quán ăn 0 đồng: Cho đi là còn mãi

Gần 5 tháng qua, nhiều người đi ngang giao lộ thuộc đường Vành đai tránh Tây, đoạn qua phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã khá quen thuộc với sự xuất hiện của "Quán cơm 0 đồng yêu thương" do Đại úy Lê Hùng Dương (SN 1990, công tác tại Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP Buôn Ma Thuột) lập nên. 

Tấm lòng anh cảnh sát giao thông mở quán ăn 0 đồng, "giải cứu" chó mèo - Ảnh 1.

Anh Lê Hùng Dương chuẩn bị đồ ăn cho quán cơm

Vào một sáng Chủ nhật tháng cuối năm, trời mưa lất phất, tôi ghé quán cơm của Đại úy Dương. Trong gian bếp nhỏ đặt ngay quán ăn rộng khoảng 60m2, Đại úy Dương cùng vài người bạn có chung tấm lòng thiện, đang tất bật chuẩn bị các món ăn cho kịp giờ cơm trưa. Đôi tay anh thoăn thoắt xào, đảo, bày biện từng món ăn đặt trong tủ kính. 

Đại úy Dương chia sẻ, thời gian mở cửa quán ăn từ 11-13 giờ 15 phút cho các ngày từ thứ 5 đến Chủ nhật. Mỗi ngày, anh chuẩn bị từ 50-70 suất ăn. Không chỉ phục vụ tại chỗ, anh còn đóng sẵn vào hộp, nhờ người mang cơm vào trung tâm thành phố tặng cho các cô bác làm nghề chạy xe ôm, bán vé số.    

Đúng giờ ăn, các vị khách quen của quán xuất hiện. Các thành viên trong quán bắt đầu mang những dĩa cơm nóng hổi, phục vụ khách. Chị Bùi Thị Vân cùng chồng bị khiếm thị - anh Y Mit K'buôr (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) - là một trong những khách quen của quán. Chị Vân chia sẻ: "Vợ chồng tôi biết anh Dương khi ngồi bán vé số ngay đèn xanh đèn đỏ đường Vành đai tránh Tây. Khi ấy, anh Dương chưa mở quán cơm. Nhưng anh Dương dặn, khi nào mở quán, vợ chồng tôi đến ăn cho đỡ tốn tiền. Và vợ chồng tôi đến quán từ ngày đầu khai trương!". 

Tấm lòng anh cảnh sát giao thông mở quán ăn 0 đồng, "giải cứu" chó mèo - Ảnh 2.

Anh Dương (bên phải) thường xuyên hỏi thăm công việc của khách đến ăn tại quán cơm

Chồng chị Vân tiếp lời kể, vợ chồng anh có 4 người con đang tuổi ăn học và 1 mẹ già. Hằng ngày, vợ chồng anh chạy xe máy từ huyện Cư M'gar lên TP.Buôn Ma Thuột để bán vé số. Ngày nào bán được nhất, hai vợ chồng kiếm được 100.000 đồng, có hôm chỉ được vài chục nghìn đồng. 

"Hôm nào bán được, chúng tôi mới dám mua cơm trưa ăn. Dĩa cơm rẻ nhất đã 20.000 đồng. Lúc bán ế, hai vợ chồng ăn tạm ổ bánh mì cho qua cơn đói. Từ ngày có quán cơm 0 đồng của anh Dương, không chỉ vợ chồng tôi no cái bụng, mà đàn con và mẹ ở nhà cũng được ăn bữa cơm có cá, thịt. Bởi, mỗi khi ăn xong, anh Dương còn tặng chúng tôi 5 suất cơm đem về nhà. Chúng tôi rất biết ơn anh Dương và các thành viên Quán cơm 0 đồng yêu thương" - anh Y Mit nói.

Trong khi vừa xới cơm cho khách, anh Dương tranh thủ hỏi thăm công việc, gia cảnh của mọi người. Anh cũng không quên dặn các vị khách đặc biệt của mình, tranh thủ lựa quần áo tại gian đồ từ thiện được đặt ngay bên quán. Số quần áo "cũ người, mới ta" này, do các nhà hảo tâm từ TP.Hồ Chí Minh gửi lên và đã được giặt sấy sạch sẽ, xếp gọn gàng theo từng đối tượng (phụ nữ, trẻ em, người lớn…).

Tấm lòng anh cảnh sát giao thông mở quán ăn 0 đồng, "giải cứu" chó mèo - Ảnh 3.

Người dân đến lựa quần áo tại tủ đồ từ thiện

Sau khi phục vụ khách đến suất ăn cuối cùng, anh Dương mới nghỉ tay, ăn trưa. Lúc này, trong quán chỉ còn ít canh, anh Dương đổ thêm quả trứng gà làm thức ăn. Tâm sự về cơ duyên mở "Quán cơm 0 đồng yêu thương", anh Dương cho hay, những lúc đi làm nhiệm vụ, chứng kiến rất nhiều trường hợp cô, chú lớn tuổi, người bị khuyết tật rong ruổi khắp phố mưu sinh đủ nghề như bán vé số, chạy xe ôm, gánh hàng rong. Vất vả là thế, nhưng nhiều người chỉ ăn tạm buổi trưa bằng ổ bánh mì, gói xôi, hoặc ăn cơm với xì dầu. Tận mắt thấy những hoàn cảnh khó khăn ấy, anh Dương rất xót xa, mong muốn tặng họ bữa ăn nóng hổi, đủ chất để tiếp sức, động viên họ trong hành trình mưu sinh còn nhiều khó nhọc.

Nói là làm, anh Dương bắt đầu đi tìm mặt bằng. Kinh phí eo hẹp, anh Dương mới thuê được mảnh đất trống bên Đường vành đai tránh Tây để mở quán. Ban đầu, chủ đất ra giá 5 triệu đồng/tháng, sau khi biết được mục đích của anh, họ hạ xuống còn 2 triệu đồng/tháng. Anh Dương huy động thêm một vài người bạn bắt tay san lấp, dọn dẹp, mua tôn dựng quán và sắm thêm tủ, bàn ghế, dụng cụ nấu ăn.

Chuẩn bị xong mọi thứ, anh Dương khai trương quán vào ngày 19/8/2022, đó cũng là ngày truyền thống của lực lượng công an nhân dân. Nhìn các cô, bác ăn ngon miệng, anh Dương lại nở nụ cười mãn nguyện. Với anh, cho đi là còn mãi. Hỏi sâu về hoàn cảnh, anh Dương thật thà tiết lộ, bản thân và gia đình đang cảnh nhà thuê. Anh là một trong 15 trường hợp được Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk ký nhận diện đặc biệt khó khăn. Mỗi tháng, anh Dương được trợ cấp vài trăm nghìn đồng. Số tiền ấy, anh dành hết cho công việc thiện nguyện.

Với suy nghĩ, sức mình có đến đâu thì giúp đến đấy, nên anh Dương không kêu gọi đóng góp. Thi thoảng, những người bạn hiểu được việc làm của anh thì họ tặng rau, củ, gạo, tiếp sức. Còn lại, anh Dương làm thêm đủ việc từ bốc vác, lau dọn nhà, bán trái cây ven đường. Thậm chí, sắp tới, anh Dương định mở quán nước mía để thêm nguồn kinh phí duy trì quán ăn. 

"Kinh phí để duy trì quán cơm hết khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mỗi tiền lương của bản thân chắc chắn không đủ, nên mình đi làm thêm. Việc gì mình cũng làm được, miễn không vi phạm pháp luật", anh Dương kể.

Không chỉ quán ăn 0 đồng, tâm huyết "giải cứu" chó, mèo

Không chỉ mở "Quán cơm 0 đồng yêu thương" anh Dương còn được nhiều người biết đến khi dành nhiều thời gian, tâm huyết "giải cứu", chăm sóc những chú chó, mèo đáng thương, bị bỏ rơi, hoặc sắp đưa vào lò mổ. Do đó, ngay quán cơm, anh Dương còn treo dòng chữ "Chó mèo là bạn, không phải là thức ăn!". 

Tấm lòng anh cảnh sát giao thông mở quán ăn 0 đồng, "giải cứu" chó mèo - Ảnh 4.

Đàn cún cưng được anh Dương giải cứu và đem về nuôi dưỡng

Đại úy Dương chia sẻ, năm 2017, trong một buổi tối đi làm về, anh tình cờ phát hiện 2 đối tượng chạy xe máy chở theo 2 bao tải có dấu hiệu nghi vấn nên lập tức đuổi theo. Lúc này, do hoảng sợ, các đối tượng đã ném bao tải xuống đất rồi chạy thoát thân.

Mở bao tải ra, anh Dương thấy rất nhiều chú chó bên trong. Trong số này, có một con chó đang mang thai gần sinh nở, nhưng bị chích điện và nhốt bao bịt kín, ngạt thở, cơ thể đang rất yếu. Anh vội mang chú chó về nhà trọ để chăm sóc. Khoảng 30 phút sau, chó mẹ đẻ được hai cún con rồi lăn ra chết vì kiệt sức. Lúc này, một con chó con cũng chết, chỉ còn lại chú chó nhỏ thở thoi thóp. Quá thương, anh Dương vội bế cún con đi tìm bác sĩ thú y để cấp cứu và may mắn cứu sống. Anh đặt tên cho chú chó đó là "bé Trề". Kể từ đó, anh Dương bén duyên với việc giải cứu chó, mèo. Anh hay lân la đến các quán nhậu hoặc thông qua một số đầu mối để mua lại những chú chó, mèo sắp bị mổ thịt.

Lần anh nhớ nhất là "giải cứu" một chú bị cột chặt mõm, sắp bị đưa vào lò mổ rồi may mắn vùng thoát được và đang chạy lang thang tại khu vực chợ tại huyện Krông Búk. Thời điểm đó, là năm 2021, anh Dương vừa tan làm thì nhận được thông tin trên, nên cùng một người bạn chạy xe máy hơn 70km đi tìm chú chó đáng thương trên. Sau nhiều giờ tìm kiếm, anh Dương mới tìm được chú chó khi nó đã mệt lả. Dương ôm chú chó vào lòng và đặt tên là "bé Rằm", vì được cứu vào đúng ngày rằm.

Theo anh Dương, việc "giải cứu" chó, mèo không hề đơn giản. Chỉ cho chúng tôi những vết sẹo chi chít trên tay, mặt, anh Dương nói: "Đó là những vết tích trong những lần đi cứu chó, mèo. Việc chúng tấn công mình cũng bình thường khi nhận thấy nguy hiểm. Do đó, khi đi cứu, nhất là những chú chó, mèo đi hoang, mình phải có mẹo, tạo tín hiệu để chúng biết mình không làm hại". 

Tấm lòng anh cảnh sát giao thông mở quán ăn 0 đồng, "giải cứu" chó mèo - Ảnh 5.

Anh Dương mong rằng, ngày càng có nhiều người quan tâm, bảo vệ động vật gần gũi, thân thiết với con người

Anh Dương cũng nhiều lần bị chó cắn và đã 6 lần anh phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Có lần anh phải nhập viện vì phản ứng thuốc. Dù vậy, anh Dương chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ từ bỏ công việc mà nhiều người cho là "bao đồng" này.

Biết được việc làm ý nghĩa của anh, một số người bạn cùng chung tình yêu thú cưng đã đồng hành. Gần 5 năm qua, anh Dương cùng các bạn đã giải cứu được khoảng 200 con chó, mèo các loại. Nhiều chủ nhân những vật nuôi bị thất lạc đã tìm đến xin nhận lại. Cũng có nhiều người yêu thích thú cưng đã đến xin về nuôi. Anh Dương đồng ý với một điều kiện phải cam kết không ăn thịt chó, mèo, và không hành hạ chúng.

Cảm phục tấm lòng của anh Dương, một người tốt bụng tại TP Buôn Ma Thuột đã cho anh ở nhờ tại một căn nhà cấp bốn trên đường Y Moal (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột). Ngoài nhà để ở, khu đất cũng khá rộng, đủ để anh Dương thiết kế một không gian riêng nuôi dưỡng đàn cún cưng. Anh Dương đặt tên là "Nhà của cún em". Anh Dương chia sẻ thêm, niềm vui mỗi ngày là khi được trở về căn nhà, lại thấy đàn thú cưng chạy ra vẫy đuôi, nhảy vồ lên người. Như thế, bao nhiêu mệt nhọc trong cuộc sống của anh đều tan biến.

Hằng ngày, anh Dương bận rộn với công việc chăm sóc cho đàn thú cưng. May thay, anh gặp được một người đàn ông có hoàn cảnh khó khăn nên đưa về căn nhà trên. Người đàn ông này sẽ phụ anh chăm sóc đàn chó, mèo. Anh thổ lộ, bản thân chỉ có thể lo thức ăn cho các "bé" no cái bụng, không bị đói, bị hành hạ; chứ không đủ điều kiện chăm sóc chu đáo như các thú cưng khác.

Tấm lòng anh cảnh sát giao thông mở quán ăn 0 đồng, "giải cứu" chó mèo - Ảnh 6.

Dù công việc bận rộn, anh Dương vẫn tranh thủ giành thời gian cho công việc thiện nguyện mỗi ngày

Hiểu được tâm tư của anh, nhiều người đã góp chút tiền để anh có thêm chi phí mua thức ăn cho đàn cún. Tuy vậy, anh Dương cũng chỉ nhận sự giúp đỡ khi thực sự cần thiết. Anh Dương mong rằng, ngày càng có nhiều người  quan tâm, bảo vệ loại động vật gần gũi, thân thiết với con người. Hãy xem chúng là "bạn" và nói không với việc ăn thịt chó, mèo. Có như vậy, nạn trộm chó, mèo mới không hoành hành.

Bà Nguyễn Thị Minh - Bí thư Đảng ủy phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột cho biết, cấp ủy, chính quyền phường Tân Lợi ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao việc làm thiện nguyện của Đại úy Lê Hùng Dương. Thời gian tới đây, phường sẽ tổ chức để các tổ chức đoàn thể phối hợp hỗ trợ đồng chí Dương về cơ sở vật chất, huy động thêm các nguồn tài trợ để bảo đảm hoạt động thiện nguyện tổ chức đúng quy định của pháp luật, nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, và giúp đỡ được nhiều người hơn. Có thể khẳng định, việc làm của Đại úy Lê Hùng Dương đã phát huy tinh thần người chiến sĩ công an nhân dân "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", đã và đang để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem