142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ, làm sao để không bị "mất kiểm soát"?

Tào Nga Thứ năm, ngày 04/08/2022 13:47 PM (GMT+7)
Đã có 142/232 trường đủ điều kiện tự chủ, tuy nhiên, một số trường cho biết việc tự chủ đại học hiện này vẫn còn dài và nhiều thử thách...
Bình luận 0

142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ 

Sáng 4/8, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 với sự tham dự hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng đại học/chủ tịch hội đồng trường, giám đốc/hiệu trưởng, lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ, làm sao để không bị "mất kiểm soát"? - Ảnh 1.

Hội nghị tự chủ đại học sáng 4/8. Ảnh: Tào Nga

142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ, làm sao để không bị "mất kiểm soát"? - Ảnh 2.

Báo cáo của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị tự chủ đại học. Ảnh: Bộ GDĐT

Hiện nay, đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật GDĐH (được sửa đổi, bổ sung năm 2018). Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ, làm sao để không bị "mất kiểm soát"? - Ảnh 3.

Trình độ giảng viên đại học Việt Nam qua 5 năm. Ảnh: Bộ GDĐT

Tự chủ đại học còn nhiều vấn đề vướng mắc 

GS.TS. Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay: "Thực tiễn cho thấy Luật Giáo dục đại học điều chỉnh hoạt động của các đại học, tuy nhiên hoạt động đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách… Các công cụ chính sách cho việc thực hiện các nội dung tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế".

GS Viên nêu các vấn đề như về tự chủ tổ chức, nhiều trường đại học chưa chủ động ban hành các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể đơn vị sự nghiệp trong các đại học. Hiện nay, chưa có sự "độc lập dân chủ" trong việc lựa chọn, bổ nhiệm và bãi nhiệm người đứng đầu, người chịu trách nhiệm điều hành cũng như quyết định thời hạn nhiệm kỳ của người đó không được đảm bảo trong các cơ sở giáo dục đại học.

Về tự chủ tài chính, còn nhiều rào cản do thiếu đồng bộ trong các quy định của các luật hay sự nhầm lẫn "tự chủ" đồng nghĩa với "tự túc kinh phí".

142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ, làm sao để không bị "mất kiểm soát"? - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị. Ảnh: Bộ GDĐT

Về tự chủ quản lý nguồn nhân lực, hiện còn vướng mắc về việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức ở các trường công lập phải thực hiện theo thủ tục, quy trình quy định của pháp luật về viên chức và về lao động, thậm chí là những quy định nội bộ của cơ quan chủ quản.

Về tự chủ học thuật, theo quy định của luật, việc tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng là thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo song các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành (như quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo…) còn áp đặt nhiều quy định của cơ quan quản lý nhà nước, chưa thực sự tôn trọng quyền tự chủ cao của các đơn vị...

Liên quan đến tự chủ đại học, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho hay: "Đại học vùng đang cần cơ chế nguồn lực tài chính tập trung để đầu tư ngành, lĩnh vực trọng điểm và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học cho vùng. Ví dụ ĐH Thái Nguyên với nguồn tài chính chi thường xuyên (hiện tại khoảng 180-200 tỉ cho 8 trường đại học, gần 3.000 giảng viên và 54.000 sinh viên chủ yếu ở vùng khó khăn nên học phí không tăng được, thu dịch vụ thấp) nên cần có hệ số đầu tư cao hơn để đại học vùng thực hiện tốt nhiệm vụ".

PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho hay: "Thực tiễn cho thấy có nhiều xu hướng đối lập nhau trong quá trình tự chủ đại học. Nhiều trường chưa đủ năng lực thực hiện tự chủ, quen với cơ chế xin-cho, quen được cầm tay chỉ việc, "sợ" làm sai. Trong khi đó, cũng có trường lại lạm dụng, vượt ra khỏi thẩm quyền, làm sai, chưa thực hiện được trách nhiệm giải trình trước cộng đồng và xã hội".

Một số cơ sở GDĐH đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng đại học ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường ĐH theo lĩnh vực. Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới, ở lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế theo Bảng xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có hai đại diện; lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện.

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT cho rằng: "Tự chủ giáo dục đại học cần mang lại lợi ích cho cả 3 đối tượng là người học, các trường đại học và cơ quan quản lý nhà nước – và bao trùm lên là lợi ích xã hội. Khi đánh giá tự chủ đại học cần quan tâm đến cả 3 đối tượng này, không để tình trạng với người học thì dường như tự chủ đại học là đóng học phí nhiều hơn, với cơ quan quản lý nhà nước thì dường như tự chủ đại học là mất kiểm soát".

Để tự chủ không bị "mất kiểm soát"

Kiến nghị để tự chủ đại học không bị mất kiểm soát, PGS.TS Nguyễn Ninh Thuỵ, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài Chính, Đại học Quốc gia TP.HCM bày tỏ: "Thứ nhất, về đầu tư của nhà nước cho GDĐH. Bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người. 

Có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình.

Sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.…

Về chính sách tín dụng cho sinh viên vay: Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên. Điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí. Giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3-4% năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3-4% năm; sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.  Điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay (ví dụ học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm; học 7 năm tối đa là 21 năm). Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

Với cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo: Các ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm các ngành thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên (Toán học, Vật lý học, Hoá học, Sinh học, Địa chất học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân...) và các ngành thuộc nhóm ngành khoa học xã hội (Triết học, Văn học và Ngôn ngữ, Lịch sử, Địa lý, Thư viện - Thông tin, Nhân học, Văn hoá học...)".

Theo Bộ GDĐT, đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) công lập đã thành lập Hội đồng trường (HĐT), đạt 90,6%. Việc thành lập HĐT tại các trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%.

Đại đa số các trường thực hiện tự chủ ở mức độ toàn diện và sâu rộng đều đã mang lại hiệu quả tích cực (trên 77%). Theo kết quả khảo sát, trên 80% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo dẫn đến các kết quả đạt được tích cực (trên 85%). Trên 65% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về hoạt động khoa học và công nghệ, các kết quả đạt được tích cực (trên 80%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem