Y tế TP.HCM nâng mức cảnh giác, chuẩn bị đối phó với virus Marburg

Bạch Dương Thứ năm, ngày 23/03/2023 12:50 PM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước châu Phi, ngành y tế TP.HCM đã triển khai các hoạt động phòng, chống nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời khi có trường hợp mắc bệnh.
Bình luận 0
TP.HCM: Tăng cường cảnh giác với virus Marburg - Ảnh 1.

Virus Marburg được xếp nhóm A đặc biệt nguy hiểm trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Ảnh: WHO

Virus Marburg ủ bệnh trong 3 tuần

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, bệnh do virus Marburg được xếp loại nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Ngay từ tháng 2, sau khi nhận được cảnh báo từ Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đã lên phương án tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận, điều trị như: thường xuyên giám sát các chuyến bay đến từ các quốc gia có ghi nhận ca mắc bệnh do virus Marburg, phát thông báo sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm cho các bệnh viện, tập huấn nhân viên y tế và truyền tải thông điệp phòng bệnh cho người dân…

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện tuyến cuối có khả năng lớn tiếp nhận các ca bệnh do virus Marburg, ngay khi nhận được yêu cầu của Bộ Y tế, đơn vị đã ngay lập tức kích hoạt quy trình giám sát, phát hiện sớm và phòng ngừa lây lan bệnh do virus Marburg trong toàn thể bệnh viện.

Cụ thể, Ban Giám đốc Bệnh viện đã yêu cầu các khoa, phòng có khả năng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Marburg như: Khoa Cấp cứu, Khoa Khám bệnh, Khoa Bệnh nhiệt đới tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng. Trong đó, yếu tố dịch tễ là đi về từ khu vực Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ hoặc ca xác định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp.

Triệu chứng lâm sàng của các ca nghi ngờ là sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, nổi ban sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy,… mà không lý giải được đầy đủ bệnh lý lâm sàng bằng một nguyên nhân khác. Nhân viên y tế khi phát hiện ca nghi ngờ cần ngay lập tức tiến hành cách ly người bệnh; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc và giọt bắn; đồng thời báo cáo ngay về Phòng Kế hoạch tổng hợp, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và các khoa, phòng liên quan.

Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng yêu cầu tăng cường vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc (2 lần/ngày và khi bẩn) trong bệnh viện. Các khoa có khả năng tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh do virus Marburg phải dự trù phương tiện phòng hộ cá nhân: áo choàng hoặc tạp dề dài tay, găng tay, khẩu trang, tấm chắn, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với ca nghi ngờ.

TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, virus Marburg không phải là virus mới, ký chủ trên loài dơi ăn quả rồi lây qua người thông qua đường tiếp xúc và giọt bắn. Bệnh có thể lây truyền giữa người với người. Virus này rất nguy hiểm, có thể gây ra xuất huyết, suy đa tạng với nguy cơ tử vong lên đến 80%. "May mắn là khả năng lây truyền của virus này thấp hơn vì không lây qua đường không khí như SARS-CoV-2", bác sĩ Phùng Mạnh Thắng cho hay.

Cũng theo bác sĩ Thắng, virus Marburg là 1 trong 6 dòng họ của virus Ebola, hiện vẫn chưa có vaccine để dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Đa phần người bệnh chỉ được hỗ trợ nâng đỡ, bù điện giải hoặc truyền máu khi bệnh nhân có tình trạng xuất huyết. Thời gian ủ bệnh của bệnh virus Marburg trong vòng 3 tuần, do đó nhân viên y tế ở các cơ sở y tế cần phải cảnh giác và khi có các triệu chứng nghi ngờ kèm có yếu tố dịch tễ thì cho người bệnh cách ly ngay để có hướng chẩn đoán, xác định và điều trị sớm.

TP.HCM: Tăng cường cảnh giác với virus Marburg - Ảnh 3.

Tăng cường kiểm soát người nhập cảnh, đặc biệt từ châu Phi. Ảnh: P.V

Bệnh không có vaccine, không có thuốc đặc hiệu

Trước đó, Bộ Y tế cảnh báo đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur thực hiện các hoạt động, cụ thể như sau:

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.

Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Các đơn vị cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương. Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu cần hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.

Các đơn vị cũng cần rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem