Xe khách liên tiếp bốc cháy khi đang lưu thông trên đường: Đâu là nguyên nhân?

Quang Dân Chủ nhật, ngày 21/06/2020 16:10 PM (GMT+7)
Trong tuần qua, đúng lúc miền Bắc rơi vào đợt nắng nóng kỷ lục thì liên tiếp, 3 chiếc ô tô đã bị bốc cháy.
Bình luận 0

Trưa 18/6, xe giường nằm do tài xế Nguyễn Văn Đại (43 tuổi) điều khiển trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai hướng về Hà Nội.

Tới Km 12+400 qua huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, ô tô xuất hiện khói đen bốc lên từ phía sau, hành khách trên xe hô hoán, đồng thời chạy xuống khỏi xe. Lúc này trên xe có 11 người.

Ít phút sau, ngọn lửa bao trùm toàn bộ ô tô. Nhận được tin báo, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) đã có mặt, phối hợp cùng cảnh sát địa phương giải phóng hiện trường, phân luồng giao thông qua khu vực. Rất may, toàn bộ hành khách trên xe an toàn; tuy nhiên, toàn bộ hàng hóa và đồ đạc trên xe bị thiêu rụi.

Chỉ sau đó vài ngày (khoảng 11h45 ngày 20/6) chiếc xe khách mang BKS 37B 023.40, di chuyển theo hướng từ Hà Nội  vào TP. Thanh Hoá, đến cầu Nguyệt Viên thì bất ngờ xảy ra cháy, ngọn lửa bùng phát mạnh.

Sau gần 30 phút, đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng chiếc xe bị hư hỏng hoàn toàn.

Nguyên nhân xe khách "liên tiếp" bốc cháy khi đang lưu thông trên đường? - Ảnh 1.

Chiếc xe khách đang lưu thông bỗng dưng bốc cháy.

Nguyên nhân xe khách "liên tiếp" bốc cháy khi đang lưu thông trên đường? - Ảnh 2.

Rất may vụ cháy không gây thương vong cho hành khách.

Nguyên nhân xe khách "liên tiếp" bốc cháy khi đang lưu thông trên đường? - Ảnh 3.

Hiện trường còn lại của vụ cháy.

Cũng trong ngày 20/6, chiếc ô tô khách giường nằm đang di chuyển trên đường vành đai 3, hướng từ cầu Thanh Trì về trung tâm Hà Nội, khi đi đến địa phận phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội đột nhiên bốc cháy.

Phát hiện có cháy, tài xế vội rời khỏi xe nên may mắn thoát nạn. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn trên xe không có hành khách, hiện chưa có thống kê về thiệt hại.

Cho đến nay, hai trong ba vụ cháy xe khách mới nhất vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, theo phân tích của các kỹ sư ô tô, khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa, phơi lâu dưới trời nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C thì nhiệt độ trong xe sẽ đạt từ 60 đến khoảng hơn 90 độ C. Chính vì thế việc thường xuyên đỗ xe dưới nắng nóng và mức nhiệt cao trong mùa hè, kèm theo đó là tâm lý chủ quan không bảo quản, chỉn chu trong viêc chăm sóc xe, các vật dụng trên xe khiến không ít trường hợp xe bốc cháy đáng tiếc.

Hiện tượng chập cháy điện là nguyên nhân?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho biết, nguyên nhân khiến 3 chiếc xe ô tô khách bị cháy khi đang lưu thông trên đường gần đây xuất phát từ những hiện tượng chập cháy điện.

"Các dòng xe nhỏ, gầm thấp, ngoài chập điện, trong mùa này có thể sẽ bị cháy do rơm rạ quấn vào dẫn đến bắt lửa. Tuy nhiên, dòng xe khách thường là gầm cao, khả năng này ít có thể xảy ra, chủ yếu liên quan đến hiện tượng chập điện trong xe gây nên", anh Tạch nhận định.

Theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, các chủ khách khi mua xe về thường đấu nối thêm các hệ thống để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Thực tế trong quá trình làm việc, anh nhận thấy nhiều xe trong quá trình đấu nối không đảm bảo tiêu chuẩn, kể cả các loại xe gia đình khi đấu nối rất sơ sài. Thậm chí ảnh hưởng luôn các hệ thống khác.

Thợ làm xe không có kinh nghiệm đôi lúc sẽ chỉ biết quấn các sợi dây vào với nhau, quá trình đấu nối không đảm bảo tiêu chuẩn. Mối ghép, các điểm đấu nối chưa được hàn hay các phương án bảo vệ. Sau một thời gian sử dụng, những điểm đấu nối này bị ô xi hóa, giảm chất lượng, đánh tia lửa dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt là trong thời điểm miền Bắc đang nắng nóng như hiện tại.

Xe khách bốc cháy trên cao tốc

Trước đó, anh Nguyễn Quang Lược, kỹ sư ô tô tại gara Minh Quang ở Long Biên, Hà Nội cũng nhận định,  thông thường, ô tô tự phát nổ đồng nghĩa với việc trong xe phải có hiện tượng xảy ra áp suất cực lớn. Hiện tượng kích nổ các vật đựng chất lỏng kín trong cabin ô tô vào mùa hè là khá phổ biến.

Anh Lược cho rằng, những cảnh báo về việc đừng bao giờ để đồ dễ tăng áp suất như bình cứu hỏa, lon nước ngọt có gas… trong xe đã được các chuyên gia khuyến cáo từ rất lâu nhưng dường như ít chủ xe quan tâm để ý đến. Ca-bin xe phơi ngoài trời nắng trở thành tác nhân “lý tưởng” để các vật dụng này tạo nên một đám cháy”.

Ngoài các vật dụng tăng áp suất thì trong quá trình vận hành, rác và một số vật liệu dễ cháy có thể bị cuốn và “ẩn cư” bên trong khoang máy, gầm xe… nơi nhiệt độ luôn ở mức rất cao. Khi trời nắng gắt, lượng nhiệt ở khu vực này tiếp tục gia tăng và những thứ tưởng như vô hại này sẽ lập tức trở thành “kẻ phá hoại” kinh khủng ít ai ngờ, thực tế trước đó cũng có rất nhiều vụ cháy nổ xe do nguyên nhân tương tự.

“Vận hành xe ô tô trong điều kiện hao hụt dầu bôi trơn hoặc nước làm mát khiến động cơ hoạt động ở trạng thái quá nhiệt, gây hiện tượng bó máy cũng rất dễ dẫn đến cháy xe ô tô, điều này các chủ xe không nên lơ là”, anh Lược chia sẻ thêm.

Để hạn chế những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch chia sẻ, đối với các dòng xe khách đang lưu thông hiện tại, việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện chi tiết bị hỏng bất thường và kịp thời thay thế những bộ phận hết niên hạn, từ đó loại bỏ đi những thành phần không cần thiết có thể trở thành mầm họa gây cháy xe.

Bên cạnh đó, đối với những thiết bị bắt buộc phải bắt thêm so với nguyên bản của nhà sản xuất, chủ xe nên lựa chọn những gara chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn hơn. Trường hợp không cần thiết lắm thì không nên đấu nối, bởi mỗi điểm đấu nối là một mối nguy cơ gây chập cháy.

Đồng thời, hạn chế để trên xe những vật dụng gây cháy nổ. Đậu, đỗ xe tại những điểm có bóng mát và thường xuyên chùi rửa xe sau mỗi hành trình di chuyển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem