Xây dựng thương hiệu nông sản tốt, nhà nông yên tâm đầu ra

Đức Thịnh Thứ năm, ngày 14/03/2019 12:00 PM (GMT+7)
Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) được TP.Tuyên Quang triển khai mạnh trong thời gian qua. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, tạo thành sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Bình luận 0

Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ, thôn Phúc Lộc A, xã An Khang  có 2.000 đàn ong. Trung bình mỗi năm HTX xuất ra thị trường khoảng 300 tấn mật ong, 5 tấn phấn hoa, doanh thu hàng năm đạt gần 5 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. 

img

Anh Trần Xuân Phong (trái)- Giám đốc HTX Phong Thổ kiểm tra đàn ong. (Ảnh: ĐT)

Anh Trần Xuân Phong - Giám đốc HTX Phong Thổ cho biết, cùng với hướng dẫn các hộ nuôi ong liên kết, thành lập HTX thì ngành nông nghiệp đã hỗ trợ HTX  xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm mật ong Tuyên Quang. Đến nay nhãn hiệu mật ong Phong Thổ Tuyên Quang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mật ong với Công ty Ong Đắk Lắk, hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn trên toàn quốc.

Những năm qua, thành phố Tuyên Quang đã tích cực thực hiện chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng NTM. Cụ thể: Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 24 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 -2025 với nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo đó, thành phố đã tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất tạo thành hàng hóa, phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM. Một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh đã được hình thành trên địa bàn như: Vùng sản xuất rau an toàn 36,7ha tại các phường Hưng Thành, Ỷ La, xã Đội Cấn, Lưỡng Vượng, Thái Long; vùng trồng cây ăn quả 167ha tại các xã Tràng Đà, An Khang, phường Nông Tiến…. Vùng sản xuất lúa chất lượng cao 195,7/240 ha, đạt 81,5% kế hoạch, vùng nuôi ong tập trung với 1.945 đàn tại xã An Khang, Hưng Thành, Lưỡng Vượng.....

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi cũng có sự chuyển dịch rõ nét, từ tự cung tự cấp tại các hộ gia đình đã chuyển sang mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo hướng công nghiệp. Nhiều mô hình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm như mô hình chăn nuôi gia cầm (gà, vịt) ở xã Lưỡng Vượng; chăn nuôi lợn an toàn ở các xã: Tràng Đà, An Tường, An Khang, Thái Long, …

Cùng với đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, thành phố Tuyên Quang còn chú trọng đến đầu ra cho từng sản phẩm. Một số hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã được ký kết tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm sản xuất, không lo đầu ra của sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị. Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha canh tác đạt 66,2 triệu đồng/ha.

Theo ông Tô Hoàng Linh - Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang, tính đến hết năm 2018, thu nhập nhập bình quân của người thành phố đạt 58 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 1,63% xuống 1,01%

Phát huy những kết quả nói trên, thành phố Tuyên Quang đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, chỉ đạo các xã tích cực vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung theo hướng hàng hóa. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem