Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia: Cao hổ - sự thật đắng lòng từ châu Phi (Kỳ 4)

Lam Anh - Hoàng Chiên Thứ hai, ngày 13/07/2020 06:11 AM (GMT+7)
Tại Nam Phi đất nước cực Nam của lục địa đen, chúng tôi được đầu mối dẫn đến gặp một "đại gia" khét tiếng người gốc Việt để tận mắt chứng kiến cảnh người ta nuôi hổ và biến hổ trở thành thứ mồi để săn bắn.
Bình luận 0

Cũng ở đây, hàng loạt sư tử đã bị giết chết không thương tiếc để biến thành thứ sản phẩm đắt giá - cao hổ.

Cuộc trao đổi giữa PV NTNN/Dân Việt trong vai các khách hàng có nhu cầu mua hổ và các sản phẩm từ hổ với T "hổ" (Thái Nguyên). Trong cuộc trò chuyện, T "hổ" tiết lộ khá nhiều mánh lới buôn bán, vận chuyển hổ và các sản phẩm từ hổ.

Hổ "vượt đại dương", trở thành mồi săn bắn!

Chủ nhà giàu có và những người phục vụ đều là người gốc Bắc Trung Bộ của nước ta. Vài người trong nhóm ngồi với chúng tôi có người thân sang Nam Phi công tác, số còn lại "lưu lạc" làm ăn, và số phận đưa đẩy khiến họ kiếm ăn rồi làm giàu bằng cả một khu "bảo tồn thiên nhiên" rộng hàng nghìn hécta này.

Kỳ 4: Cao hổ - sự thật đắng lòng từ châu Phi - Ảnh 1.

Nuôi hổ như nuôi lợn tăng trọng ở một trang trại của người Việt tại Nam Phi. Ảnh: P.V

Kỳ 4: Cao hổ - sự thật đắng lòng từ châu Phi - Ảnh 2.

Cảnh sát thu giữ tang vật vu nấu cao sư tử tại Nam Phi. Ảnh: P.V

Vào cuối năm 2018, theo tin từ cảnh sát Nam Phi, các công dân Việt Nam gồm: Nguyen Huu Son (30 tuổi); Nguyen Van Tuan (33 tuổi); Dao The Thanh (38 tuổi); Pham Van Khue (56 tuổi); Chanh (56 tuổi) và Cu Quoc Thang (60 tuổi) cùng với 2 người quốc tịch Nam Phi đã bị truy tố sau khi các đối tượng này thừa nhận đã giết 40 con sư tử để nấu cao.

Đường dây này lớn đến mức, cảnh sát cho biết, dù điều tra khá lâu, song họ không thể biết chính xác có bao nhiêu con sư tử đã bị giết hại tại các "hang ổ" của nhóm người trên.

Giữa mênh mông thảo nguyên cỏ savan vàng úa mà màu mỡ, chúng tôi gặp những mảng vàng rực, nâu xám của từng đoàn động vật hoang dã như đang trong mùa đại di cư. Hươu, nai, kudu, có đàn thú lớn sừng vút lên như ngàn cây kiếm cong sắc, có các loài chim lớn bay rợp trời. Tê giác chạy lừng lững như những chiến binh bất khả chiến bại. Chúng tôi để ý nhất là lũ hổ nhốt cù rù trong chuồng.

Điều khá đặc biệt là ở Việt Nam không có sự phân bố tự nhiên của sư tử, nhưng Việt Nam có hổ và từng có rất nhiều hổ. Ngược lại, châu Phi là xứ sở của sư tử, song nơi này lại không có hổ tự nhiên. Hổ từ đâu đến với trang trại khổng lồ này? Hóa ra, theo tìm hiểu của PV, họ mang hổ từ nơi khác, thậm chí từ châu Á, vượt ngót nửa vòng Trái đất sang đây, để nuôi như nuôi lợn.

"Các cậu nuôi hổ để làm gì?" - tôi hỏi. H - một gã lái xe bán tải vừa dẫn tôi khám phá khu safari (vườn thú tự nhiên giữa rừng hoang dã) tự hào: "Bọn em nuôi để cho khách có nhu cầu đi săn bắn?". Vừa đáp, H vừa thủng thẳng sai cô gái trẻ da đen có cặp mắt to tròn đi cắt dương vật của một con sơn dương đầu bò vừa bị bắn hạ về đốt lửa nướng.

Hóa ra ở đây có dịch vụ săn bắn kiểu thể thao, khách là người châu Âu hoặc châu Mỹ, châu Á, mà điểm chung là những người sẵn tiền và có niềm đam mê với môn thể thao săn bắn. "Giá mỗi lần đi săn hổ hoặc sư tử khoảng 12.000USD. Em thích phục vụ người Âu và Mỹ hơn. Còn người Á thì ít lãi hơn, bởi bắn hổ xong họ đòi cả xương để nấu cao. Còn người Mỹ và người Âu họ thích thể thao, bắn xong, gác súng, đủng đỉnh đi uống bia rượu rồi về. Chúng em nhặt xác hổ, xác sư tử đem đi nấu cao!".

Để kích thích các thợ săn, tạo hứng khởi cho "trò chơi" giết chóc của các nhóm khách kia, họ luôn thúc cho các con vật nuôi trở nên hung dữ. Nó lồng lộn, điên cuồng trốn chạy sau khi được phóng thích từ lồng nhốt. Các "đại gia" sẽ ngồi xe địa hình, vác súng lớn, có người hướng đạo và "mồi đạn", nâng súng lên. Họ lùng sục, ngắm bắn, rình rập như thú hoang trong một cuộc cạnh tranh sinh tồn khốc liệt.

Song, rừng rộng hàng chục nghìn héc-ta. Nếu thả sư tử và hổ ra để đuổi thì sẽ là không thể. Bí quyết là tiêm cho hổ và sư tử một liều thuốc ngủ. Nó chạy một hai tiếng là tự nhiên chậm lại và… nằm chờ bị bắn.

"Ông Ba mươi" bị cầm tù, ăn gà chết thối!

Tại trại hổ, mỗi ngày họ đi thu gom gà chết, cánh gà, đầu gà phế phẩm về cho "thú nuôi" chúa sơn lâm ăn. Cánh gà thối, toàn vết tiêm kháng sinh, bơm hóa chất, đó là gà chết thối hoặc gà thải bệnh tật từ các trại nuôi. Thịt gà đó con người không dám ăn.

Thật ra thì cả xương hổ và xương sư tử đều không có chất bổ béo gì như đồn thổi. Nhất là hổ và sư tử nuôi trong trang trại, chăm bẵm như lợn tăng trọng, ăn gà chết thối cả lông.

Người chăm sóc thú bảo, nhìn đống lông gà bay xáo xác, trắng xám cả góc chuồng, chứng tỏ "ông ba mươi" ăn uống dễ tính và tội nghiệp ra sao. Chúng tôi thấy có cả hổ con, sư tử con. "Thú rừng quý hiếm" được nuôi như nuôi lợn tăng trọng, hàng ngày cho ăn đồ thải loại,  qua loa. Thử hỏi: Làm gì có bổ béo gì trong cái nồi cao hổ cốt kiểu đó? Đấy là chưa kể, trước khi nấu cao, họ giết thú rồi ướp tẩm cả "núi" hóa chất. Có khi thịt và xương thú nhiều năm lưu lạc, giấu giiếm ở đâu đó, rồi nồi cao nào đó (pha trộn trăm thứ bà rằn) mới ra đời.

Một thợ "cõng hổ" (cao hổ) xuyên lục địa về Việt Nam tên T tiết lộ cho chúng tôi: Cho hổ ăn uống bừa phứa, thức ăn giá rẻ thì mới có lãi. Và, họ luôn tìm cách lừa người Việt Nam bằng cách nấu cao sư tử, rồi nói là cao hổ, mang xương sư tử về Việt Nam bán với giá của cao hổ - trong khi "giá chợ đen" của hai loại xương này chênh nhau rất nhiều. Hổ đắt hơn sư tử nhiều lần.

"Với người ngoại đạo thì cơ bản hai bộ xương hổ và sư tử chỉ khác nhau cái bánh chè (xương đầu gối). Xương bánh chè hổ tròn xoe, như cái lỗ cong cong hình mắt con chim phượng. Làm giả Iphone còn làm được, huống hồ chỉ có khoan, khoét, đẽo giả cái lỗ tròn của xương động vật?".

Thật ra thì cả xương hổ và xương sư tử đều không có chất bổ béo gì như đồn thổi. Nhất là hổ và sư tử nuôi trong trang trại, chăm bẵm như lợn tăng trọng, ăn gà chết thối cả lông. Các con vật tội nghiệp "gậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt", sinh nở 4 con một lứa và chưa bao giờ ra với núi rừng đích thực, gần như quên hết các tập tính hoang dã rồi!

"Làm cách nào các cậu đưa xương hổ, xương sư tử và các loại cao của chúng về Việt Nam? Mười mấy giờ bay, nhiều ngày lênh đênh trên biển, bị kiểm soát gắt gao từng li từng tí bằng máy móc hiện đại và chó nghiệp vụ của cơ quan chức năng?" - chúng tôi thắc mắc. T tự tin: Thì qua sân bay cứ báo với hải quan là mang thạch (tiếng Anh là jelly) về làm quà cho bà con quê nhà. Người Việt Nam thích ăn thạch lắm, thạch rau câu, thạch đen... Người nước ngoài hầu như không hình dung được cảnh người ta nấu xương hổ, xương sư tử thành… thạch để ăn uống với nhau.

Vì thế, cả một thời gian dài, thủ đoạn này đã thoát khỏi mọi ánh mắt soi mói của cơ quan điều tra chống nạn săn bắt, buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã. Còn gần đây, cảnh sát đã khám phá hàng loạt các vụ giết hổ, giết sư tử để nấu cao. Cơ quan điều tra về môi trường tại Anh gần đây đã công bố kết quả khảo sát 5 vụ buôn bán các sản phẩm từ sư tử nhưng lại giả dạng là sản phẩm từ hổ. Các thủ đoạn lừa đảo và "đầu độc" người tiêu dùng mù quáng bằng xương hổ, hổ ăn gà chết và ướp tẩm hóa chất đáng ngờ khác (để biến thành thuốc chữa bách bệnh!) là có thật.

Đây thực sự là một sự thật đắng lòng với những người quá mù quáng tin vào và lạm dụng những sản phẩm phi pháp từ hổ và các loài động vật hoang dã khác.

Vào cuối năm 2018, theo tin từ cảnh sát Nam Phi, các công dân Việt Nam gồm: Nguyen Huu Son, 30 tuổi; Nguyen Van Tuan, 33 tuổi; Dao The Thanh, 38 tuổi; Pham Van Khue, 56 tuổi; Chanh, 56 tuổi và Cu Quoc Thang, 60 tuổi cùng với hai bị cáo quốc tịch Nam Phi đã bị truy tố sau khi các đối tượng này thừa nhận đã giết 40 con sư tử để nấu cao trong 2 ngày.

Đường dây này lớn đến mức, cảnh sát thú nhận, dù điều tra khá lâu, song họ không thể biết chính xác có bao nhiêu con sư tử đã bị giết hại tại các "hang ổ" của nhóm người trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem