WHO nhận định thế nào về tình hình lây lan virus cúm gia cầm sau 2 ca nhiễm ở Campuchia?

P.V Thứ bảy, ngày 25/02/2023 18:20 PM (GMT+7)
Sau khi Campuchia xác nhận ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có những đánh giá bước đầu. Đáng chú ý, tháng 10/2022, Việt Nam cũng ghi nhận một ca nhiễm virus cúm gia cầm A/H5 sau 8 năm không ghi nhận ca nhiễm.
Bình luận 0

Campuchia xuất hiện 2 ca nhiễm virus cúm gia cầm

Bộ Y tế Campuchia ngày 24/2 xác nhận ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người, sau khi ghi nhận một bé gái 11 tuổi tử vong ngày 22/2 do nhiễm chủng virus này 

Bộ Y tế Campuchia cho biết, ca bệnh là người đàn ông, 49 tuổi, ở tỉnh Prey Veng, bố của bé gái này. Người đàn ông này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1 ngày 24/2, nhưng chưa biểu hiện triệu chứng rõ rệt nào. Đây là trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người tại Campuchia trong tháng này, sau 9 năm không ghi nhận ca nhiễm virus H5N1 nào trên người. 

Trước đó, Cục Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Campuchia xác nhận bé gái 11 tuổi nói trên đã tử vong vì cúm gia cầm H5N1, đánh dấu ca tử vong đầu tiên do virus này ở Campuchia trong nhiều năm. Những người có tiếp xúc với bé gái tử vong vì cúm gia cầm đã được lấy mẫu xét nghiệm.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, WHO đã xem xét đánh giá nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người trên toàn cầu dựa trên những diễn biến gần đây ở Campuchia. Lần gần nhất cơ quan này đưa ra đánh giá về nguy cơ này là vào đầu tháng 2 này, theo đó nhận định nguy cơ ở mức thấp.

Theo Tiến sĩ Briand, Giám đốc quản lý công tác ứng phó dịch bệnh của WHO, tình hình lây lan virus H5N1 trên thế giới hiện nay "đáng lo ngại" khi gần đây gia tăng số trường hợp lây nhiễm ở chim và động vật có vú, trong đó có con người. 

WHO coi rủi ro từ loại virus này là nghiêm trọng và kêu gọi các nước nâng cao cảnh giác. 

WHO nhận định thế nào về ca nhiễm cúm gia cầm ở Campuchia,  - Ảnh 1.

WHO nhận định tình hình cúm gia cầm là "đáng lo ngại" sau khi xuất hiện 2 ca bệnh ở Campuchia. Ảnh: REUTERS

Việt Nam cũng đã xuất hiện ca nhiễm virus cúm gia cầm ở Phú Thọ và tháng 10/2022

Tại Việt Nam, theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 05/10/2022 đã có 01 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ (sau hơn 08 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm virus cúm A/H5); nâng tổng số người nhiễm virus cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, trong đó có 64 (chiếm 50%) trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm A/H5N1 trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm A/H5, đồng thời để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm virus cúm gia cầm ở Phú Thọ tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng đã có công điện khẩn để nghị các địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5 cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; Tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao;

Chỉ đạo các cơ quan thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch.

Rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.

Hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (địa phương giáp biên giới, các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, cơ sở tiêu hủy gia cầm,...) và gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm A/H5.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem